Ebook bơ vơ giữa hội chợ sách

Đông người xem, vắng người mua tại Hội chợ sách Quốc tế lần 4 Ảnh: T.Toan
Đông người xem, vắng người mua tại Hội chợ sách Quốc tế lần 4 Ảnh: T.Toan
TP - Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam lần 4 đìu hiu hơn mọi bận, sách in truyền thống phải tung chiêu giảm giá níu chân khách, gian trưng bày sách điện tử - ebook vốn kém bắt mắt nhìn lại càng hiu hắt hơn.

> Đến hội sách - chọn niềm vui

Alezaa, đơn vị tiên phong trên con đường đưa bạn đọc trong nước đến với thế giới ebook- sách điện tử- chiếm không gian tương đối tại hội sách ở Giảng Võ.

Nhìn sang mấy gian hàng khác của các nhà sách chộn rộn người ra kẻ vào xem sách, thì gian hàng điện tử vỏn vẹn hai chiếc bàn kê, vài tờ rơi và chiếc máy tính.

Mọi thứ gói gọn hết trên hệ thống rồi, đấy cũng được xem là một trong những ưu điểm lớn của loại hình này.

Ưu thế ấy cũng được đưa ra như điểm nhấn trong buổi hội thảo tối 18-9 ngay sân ngoài trời Trung tâm triển lãm Giảng Võ, có TS. Văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Đoàn Lâm Giám đốc NXB Thế giới và ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch HĐQT Cty CP dịch vụ trực tuyến Vinapo.

Nào là giá thành rẻ, thuận lợi vì sẵn có trên nhiều thiết bị từ máy tính để bàn, xách tay, điện thoại di động; nào là tăng tính tương tác nhờ các đoạn đánh dấu, trích, chia sẻ trên mạng xã hội và hệ thống…

Chừng ấy thứ hấp dẫn cũng chỉ phổ biến đến không đầy 50 người lẻ tẻ ngồi nghe, chưa kể rất đông trong số ấy thuộc các đơn vị tổ chức.

Ngược với không khí vắng vẻ của hội thảo, diễn giả vẫn tỏ ra lạc quan. “Chúng ta có gần 100 triệu dân, khoảng 1 triệu thiết bị công nghệ có thể đọc ebook. Năm năm trước xu thế này còn rất yếu, nhưng tốc độ phát triển tính ra đến 30, 40% mỗi năm. Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Lượng sách chúng tôi bán ra bắt đầu tăng, có khách hàng thường xuyên và thể loại sách cũng phong phú”, ông Trần Trọng Thanh nói.

Cuối năm ngoái, lượng sách trên Alezaa mới khoảng 800 cuốn, nay lên hơn 3.000, đủ thể loại từ văn học, khoa học cho tới tài liệu, văn bản luật hay giáo trình.

Số đơn vị phát hành, NXB ký hợp đồng đưa sách bản quyền lên phiên bản điện tử cũng tăng lên 16.

Đặc biệt, tháng 10 tới nhược điểm phần mềm đọc sách trên điện thoại di động cũng được khắc phục, mở rộng ra cả hệ điều hành Windows phone, thay vì chỉ Android và IOS như cũ.

Đại diện Alezaa cũng nói thêm, dù tiếp thị nhiệt tình nhưng lượng bán hàng tại hội sách gần như không tăng, so với hội chợ sách ở TPHCM thì kém hơn hẳn. Khó khăn lớn nhất chưa hẳn là phải cạnh tranh với sách lậu, những người làm bừa làm ẩu mà thay đổi thói quen người đọc.

“Người ta có thể ngồi cả tám hoặc mười tiếng mỗi ngày đọc facebook, nhưng lại kêu đọc ebook mỏi mắt. Họ có đọc đâu mà biết, bây giờ ebook có bản quyền dàn trang đẹp như sách giấy, màn hình độ nét cao rất thích. Mà sách giấy tiêu thụ cũng chật vật, nếu không phải của tác giả best-seller, chỉ in chừng 2.000 bản cũng khó lắm rồi. Cuộc sống ở Việt Nam không tạo cho người ta thói quen đọc sách”, ông Nguyễn Xuân Phương, giám đốc Alezaa than thở.

Thực tế, cuộc cách mạng phát triển sách điện tử ở Việt Nam còn quá gian nan. Một số nhà sách trong đó có Nhã Nam ngậm bồ hòn vì sách của họ tự dưng được một công ty phân phối điện thoại lớn, tự đưa lên thành sách điện tử, hoặc cho không hoặc bán với giá như bèo: 5.000 đồng. Chẳng lẽ kiện, mà kiện cũng khó vì chế tài, hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện để bảo vệ những người làm sách chân chính.

“Nhiều đơn vị lớn còn làm bậy thế, mọi thứ nháo nhào khiến người ta chẳng phân biệt thật giả, phải trái”, đại diện Alezaa nói.

Dù giá sách điện tử tiết kiệm đến 70% so với giá sách in, nhưng nếu đem so với việc cho không, hoặc chỉ bán bằng giá gửi xe những người bán sách bản quyền phải đấu tranh từng phút.

Hỏi liệu loại sách ăn không này tồn tại đến bao giờ, ông Phương nói chắc chỉ sống được hai năm nữa. Khẳng định có vẻ lạc quan, chứ chắc gì đã thắng được mối lợi của loại hình này.

Hơn nữa, Amazon - đơn vị cung cấp thiết bị và bán sách điện tử vào loại lớn nhất thế giới phải mất bốn năm, mãi tới 2011 mới thực sự chạy tốt với thể loại ebook. Sách điện tử có bản quyền Việt Nam mới hoạt động chưa đầy một năm.

Hội chợ đìu hiu

Mang tiếng Hội chợ sách Quốc tế song yếu tố ngoại đếm trên đầu ngón tay, vài gian hàng trưng bày lèo tèo vài ấn phẩm. Ngay như trong nước, số NXB, nhà sách tham gia cũng có phần hạn chế so với hội chợ sách hai năm trước, chưa kể có những gian hàng quây lưới nửa ngày.

Sách giảm giá đến 50%, có chỗ đồng giá năm, mười ngàn đồng mà vẫn vắng người mua.

Nhiều đơn vị phàn nàn, không biết quảng bá đến đâu hay khủng hoảng tấn công làm hội sách quá chìm: Không đổ tiền vào trang trí, in pano, áp phích rầm rộ ngay ngoài cổng trung tâm triển lãm. Thêm nữa, hội sách rơi vào các ngày trong tuần, nên chỉ xôm hơn vào buổi tối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.