> 'Những đứa con biệt động Sài Gòn' giờ vẫn lỗ
Huệ Minh vai nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi trong Chiến hạm nổ tung. |
Bất ngờ từ sự hư cấu
Vốn đã từng làm việc ăn ý với nhau từ kịch bản Những đứa con Biệt động Sài Gòn, lại tốt nghiệp khoa Sử, Đại học tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà văn Nguyễn Xuân Hải không gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển thể kịch bản.
Ông hoàn thành việc chuyển thể tác phẩm chỉ trong vòng 6 tháng và đoàn làm phim mất 8 tháng để quay bộ phim này.
Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 9 năm 1950, sau khi bàn giao cho lực lượng Phục Việt số lượng lớn vũ khí, khí tài tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, trên đường tiếp tục cuộc hành trình, chiến hạm Amyot D’Inville đã bị nổ tung. Chiến công xuất sắc của tổ điệp báo mãi sau này mới được biết đến nhờ nhà văn Lê Tri Kỷ. Người ở lại chiến hạm địch cùng chiếc va ly đựng 30 kg thuốc nổ là nữ điệp báo xinh đẹp, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lợi. |
Theo nhà văn Nguyễn Xuân Hải, đã có nhiều nhà báo, tiểu thuyết gia viết về sự kiện này, nhưng không có cuốn nào vượt qua Câu lạc bộ Chính khách của nhà văn Lê Tri Kỷ về tính chân thực và độ hấp dẫn.
Bởi lẽ, nhà văn Lê Tri Kỷ đã dành hơn 30 năm để nghiên cứu, tiếp xúc nhân vật, người ít nhất là 7-8 năm, người lâu nhất là hơn 30 năm.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hải cho biết: “Tôi nhận được đơn đặt hàng chuyển thể kịch bản từ cuốn tiểu thuyết Câu lạc bộ chính khách của nhà văn Lê Tri Kỷ. Sở dĩ công việc hoàn tất nhanh vì tôi đã từng đọc tiểu thuyết này.
Trong quá trình viết, tôi thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của đạo diễn Long Vân vì anh rất hiểu nhà văn Lê Tri Kỷ.
Tôi đã hư cấu thêm, nhưng vẫn bám theo trục chính của cuốn tiểu thuyết.
Các nhân vật chính không thay đổi, nhưng số phận nhân vật đã có sự thay đổi. Tôi đã hư cấu một số nhân vật phụ để làm nổi bật nhân vật chính.
Chẳng hạn, chi tiết đảng ma Phục Việt, chiến khu Phục Việt, trong tiểu thuyết chỉ có 5-7 dòng, nhưng tôi đã viết thành 3 tập, và theo anh Long Vân là khá hấp dẫn”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hải còn cho biết, tên các nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đã được nhà văn Lê Tri Kỷ thay đổi hoàn toàn. Chẳng hạn, nhân vật đại tá Kim Sơn được đổi thành Trúc Lâm. Nhân vật nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi tên thật là Trần Thị Lời, quê ở Châu Đốc, An Giang. Nguyễn Thị Lợi là bí danh hoạt động cách mạng của bà.
Trong tiểu thuyết có viết bà Nguyễn Thị Lợi khi ra Bắc tìm chồng gặp muôn trùng khó khăn và đã nhiều lần muốn tự tử, nhưng nhà văn không nói rõ nguyên nhân.
Từ mấy câu: “Bị gia đình nhà chồng khinh rẻ và xua đuổi” trong tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Xuân Hải đã hư cấu bà Nguyễn Thị Lợi trên đường ra Bắc tìm chồng thì được biết chồng đã lấy vợ hai và người đó đang mang bầu. Trước tình cảnh đó, bà đã nén lòng và tìm đường trở vào Nam với người con gái thứ hai.
Một chi tiết rất bất ngờ, sau khi bộ phim công chiếu, một người đàn ông năm nay đã trên dưới 70 tuổi đã đi tìm nhà văn Nguyễn Xuân Hải và cho rằng, ông chính là người con của người vợ hai ngoài đời? Nhà văn nói, ông chưa có điều kiện tìm hiểu thực hư, nhưng không lẽ sự hư cấu của mình lại là sự thật?
Ý định làm phim từ 20 năm trước
Đạo diễn Long Vân là cố vấn, chỉ đạo nghệ thuật cho bộ phim này. Ông cho biết, từ khoảng năm 1965- 1970, khi đang thực hiện bộ phim Không nơi ẩn nấp, ông có cơ may làm việc với đại tá Kim Sơn, người đóng vai trò cố vấn cho phim.
Đoàn làm phim (từ trái sang): Nhà văn Nguyễn Xuân Hải, đạo diễn Long Vân, diễn viên Xuân Trường (vai Quốc vụ Khanh Văn Hoàng) và đạo diễn Khương Đức Thuận. Ảnh: L.A. |
Đại tá Kim Sơn là người vui tính và hay chuyện. Có một lần, ông vô tình tiết lộ mình đã từng tham gia chiến dịch làm nổ chiến hạm Amyot D’Inville. Ngay lập tức, đạo diễn Long Vân kết câu chuyện này.
Nhà văn Lê Tri Kỷ lúc đó cũng hay đi với đoàn làm phim, nên được đạo diễn Long Vân gợi ý viết về điệp vụ này. Khoảng năm 1986, khi được nhà văn Lê Tri Kỷ tặng cuốn tiểu thuyết Câu lạc bộ chính khách mới xuất bản, đạo diễn Long Vân đọc và rất mê.
Kể từ đó, ông luôn ấp ủ kế hoạch đưa cuốn tiểu thuyết này lên phim. Thế nhưng, không ai ngờ rằng, phải sau hơn 20 năm, bộ phim mới được hoàn thành.
Rất may, trong thời gian đạo diễn Long Vân đang ở TPHCM làm phim Những đứa con biệt động Sài Gòn, khoảng năm 2010, ông đã được người bạn mách Đài truyền hình TPHCM đang cần làm một bộ phim trinh thám Việt Nam.
Thế là cánh cửa cho việc sản xuất bộ phim này đã được mở ra. Đài truyền hình TPHCM sẵn sàng cấp kinh phí cho đoàn làm phim ngay từ đầu, gấp đôi so với bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn (do Đài truyền hình Vĩnh Long cấp kinh phí).
Trong Chiến hạm nổ tung, việc mời nghệ sỹ violon Bùi Công Duy vào vai Bảo Đại cũng tạo một sự lạ cho bộ phim.
Đạo diễn Long Vân kể, khi đoàn làm phim đang bí trong việc tìm diễn viên cho vai Bảo Đại, ông bỗng tình cờ phát hiện ra Bùi Công Duy vì ngoại hình khá giống Bảo Đại, mặc dù lúc đó ông chưa hề biết Bùi Công Duy là ai.
Đạo diễn Long Vân cũng rất hài lòng trong việc tìm ra hai diễn viên vào vai người tình của vua Bảo Đại.
Ông cho biết, trong tiểu thuyết Câu lạc bộ Chính khách, nhà văn Lê Tri Kỷ chỉ đề cập rất ít đến chuyện này, nhưng theo ông, đây là chi tiết hấp dẫn nên ông và nhà viết kịch Nguyễn Xuân Hải đã hư cấu thêm một số chi tiết.
Chẳng hạn như chi tiết cô người tình ở ngoài Bắc ghen lồng lộn và đòi tổ chức họp báo tại Hà Nội để khẳng định cô mới là người yêu của Bảo Đại, chứ không phải cô người tình được Bảo Đại mang theo vào trong Đà Lạt.
Để tìm được người đóng hai vai này khá vất vả vì như ông nói: “Để chọn người đẹp xứng đáng để Bảo Đại mê, khó lắm chứ”. Rất tình cờ, ông đã phát hiện ra hai diễn viên này đều ở quán… cà phê.
Đó là diễn viên Ngô Bích Ngọc, sinh viên năm cuối đang học nghệ thuật tại Hà Nội trong vai Lý Lệ và Kim Trang, phát thanh viên của đài phát thanh truyền hình Đồng Nai trong vai Bướm Mộng.
Tìm đâu chiến hạm để nổ tung?
Đoàn làm phim đã cho các nhà báo xem tập 30 của Chiến hạm nổ tung. Nhà văn Nguyễn Xuân Hải bật mí, đây là tập cuối, tuy không phải là tập hay nhất, nhưng là tốn kém nhất và kỳ công nhất.
Quả thật, đạo diễn Khương Đức Thuận tiết lộ, để tìm được một chiếc chiến hạm là một sự khó khăn khủng khiếp, chứ chưa nói đến việc làm thế nào để có cảnh quay chiến hạm nổ tung hoàn hảo.
Anh phải chạy đôn đáo đi khắp nơi từ Bộ Quốc phòng đến Bộ Tư lệnh hải quân để được lên một chiếc tàu quay.
Có những lúc tưởng chừng bế tắc, nhà sản xuất, đã gợi ý: “Anh ơi, thôi mượn tàu cá mà quay.” Biết tâm lý nhà sản xuất chỉ thích càng rẻ, càng đỡ tốn tiền, càng tốt, nhưng đạo diễn Khương Thuận không chấp nhận. Anh bảo: “Phim của anh là chiến hạm nổ tung, chứ không phải là tàu cá nổ tung nhé”.
Một điều khó khăn nữa là bối cảnh bộ phim diễn ra vào những năm 1948-1950 nên đòi hỏi các đạo cụ phải đúng thời từ gạt tàn, đến phục trang, giày, dép, vũ khí,… những thứ mà bây giờ kiếm khó vô cùng.
Mượn được tàu chiến của Bộ Tư lệnh Hải quân, nhưng tìm đâu ra 14 người nước ngoài đóng vai lính Pháp? Rất may, Giám đốc công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gợi ý sẽ giới thiệu 14 kỹ sư người Nga đang làm việc tại Vũng Tàu và sẽ có chứng nhận lý lịch rõ ràng, theo yêu cầu của bên Hải quân.
Rồi đến cảnh chiến hạm nổ tung, tất nhiên là phải dùng kỹ xảo. Nhưng nếu muốn có cảnh quay hoàn hảo, phải ra nước ngoài làm với giá 200.000 USD. Và cuối cùng, đoàn làm phim đã tìm được kỹ xảo… made in Việt Nam.
Đạo diễn Khương Thuận vui vẻ nói: “Chơi với lịch sử là khó lắm. Nhưng đã trót đam mê rồi thì phải làm thôi. Anh nào cũng sút khoảng 4kg, mặt mũi đen nhẻm, nhưng với kinh phí eo hẹp, mà làm được thế này là hoành tráng lắm rồi”.