> Hoàng Ngọc Hiến Tầm nhìn văn hóa rộng lớn
Phụ nữ Tày trang điểm chuẩn bị đi hội. |
Tôi vừa về Việt Nam được nhà thơ người dân tộc Dương Thuấn rủ đi cùng lên Bắc Kạn nhân trên đó có lớp đào tạo bồi dưỡng các cháu trẻ có năng khiếu viết văn. Tôi nhận lời đi ngay.
Văn Giá và Dương Thuấn là khách mời chính thức, tôi đi theo, nhưng bạn bè rất chân tình đón tiếp. Sau bữa cơm, Văn Giá và Dương Thuấn nói chuyện với các cháu. Tôi cũng bị “bỏ bom” mời nói chuyện với các cháu nửa giờ.
Anh em mời tôi đành phải nhận lời, nói chuyện những gì bên Pháp và những gì tôi biết về sự va chạm văn hóa. Lớp học khoảng hơn chục cháu, các cỡ tuổi khác nhau, chỉ có một cháu trai. Hóa ra con gái dân tộc thích văn chương lãng mạn hơn con trai? Vậy mà trong các buổi tọa đàm văn học tôi lại thấy đàn ông nhiều hơn, nhất là trên các ghế chủ tọa.
Văn hóa của người dân tộc Tày nói riêng và của các dân tộc khác nói chung đều chắt lọc từ sỏi đá, từ nắng mà thành. Nó mang hơi ấm riêng, hương thơm riêng mà văn hóa người Kinh không có. Vậy tại sao chúng ta lại không coi trọng nó? |
Tôi càng ngạc nhiên khi lớp học do Hội Văn nghệ Bắc Kạn đài thọ để chăm sóc mầm non dân tộc. Câu đầu tiên tôi hỏi, ở đây bao cháu người dân tộc. Tất cả đều giơ tay. Bao nhiêu cháu nói tiếng Tày trước tiếng Kinh? Các cháu đều trả lời nói tiếng Kinh trước hết, có nhiều cháu không biết tiếng Tày nữa mặc dù bố mẹ là gốc Tày…
Thật đáng buồn. Tiếng Tày gần như đã mất hẳn ở thế hệ gọi là tài năng của dân tộc Tày, chính nơi đã sinh ra những tài năng. Cây hút nước nơi đây, nhưng sinh quả cho nơi khác?
Tôi nghĩ đến các cháu VN sinh ra lớn lên ở nước ngoài. Tiếng Tày đối với tiếng Kinh, như tiếng Việt đối với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa… Các cháu VN lớn lên ở xứ châu Âu đã bị văn hóa nước đó hút hết, nhiều cháu không biết luôn tiếng Việt.
Do quan niệm của bố mẹ, sợ con lạc lõng giữa châu Âu vì không biết tiếng bản xứ giống như bố mẹ sẽ vất vả, nên nhiều nhà không quan tâm, một số do bận, nên thế hệ sau quên đi tiếng mẹ đẻ, trong khi người Hoa biết thế mạnh của tiếng họ, nên con cái đều bắt nói tiếng Hoa và cho đi học tiếng Hoa rất chăm chỉ.
Một đứa trẻ đẻ ở nơi đâu đều nói được một thứ tiếng dù chẳng đi học. Tại sao lại không cho con cháu chúng ta có điều kiện đa văn hóa, không lợi dụng để sở hữu cái đa văn hóa? Tuổi trẻ học ngoại ngữ rất dễ, để hội nhập với cộng đồng xung quanh, các cháu học tiếng Kinh, và để vươn tới thế giới thì học tiếng Anh, tiếng Pháp… Nhưng nếu để biến mình thành người Kinh, thành người châu Âu, thì đâu còn bản sắc dân tộc.
Chỉ có ngôn ngữ mới thực sự giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Không thể bảo tôi là người Tày, người Nùng, người Dao những tôi chỉ nói tiếng Kinh. Đó không còn là người Tày, người Nùng, Dao, mà là người Kinh. Thi sĩ Vi Thùy Linh người gốc dân tộc nhưng luôn tự nhận mình là người HN, vì sinh ra và lớn lên HN.
Ngôn ngữ chính là cái bản sắc duy nhất để đánh giá người mang sắc hồn dân tộc. Nhiều người Tây học tiếng Việt, tiếng Mường, họ lăn lộn với những người bản xứ họ mới thực sự mang một phần hồn người Việt, người Mường. Vậy giữ gìn bản sắc dân tộc việc chính đầu tiên là bảo vệ ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính là đọc được và nói được văn hóa đó.
Tiếng hình tự Ai Cập đã chết vì con cháu không ai học và không biết đọc. Tất cả các đình thờ vĩ đại ở Ai Cập con cháu không ai biết đọc, chỉ mãi sau một nhà khảo cổ học người Pháp đã thành công tìm ra cách đọc ngôn ngữ này. Thật xấu hổ cho con cháu người Ai Cập.
Hiện nay chữ Nôm chết, do không có chính sách khuyến khích, nên hiện nay số người biết tiếng Nôm còn rất ít chưa đến 100 người. Tôi thật xấu hổ, khi thấy văn bản ông cha mà mình không đọc được. Thời trước do hoàn cảnh chiến tranh, bây giờ có điều kiện, nên có một giờ học chữ Nôm trong trường học, để sau này những ai nghiên cứu văn hóa vẫn có điều kiện để đọc được.
Một văn hóa sẽ chết...
Một văn hóa sẽ chết nếu ngôn ngữ đó chết. Văn hóa Inca chết, vì tiếng nói và ngôn ngữ đó đã chết. Văn hóa Latinh mới thời hùng mạnh cả châu Âu cũng chết vì chỉ khoanh vùng trong cái những người tu hành, những vị linh mục.
Để khuyến khích sự bảo tồn văn hóa dân tộc, chính là khuyến khích học tiếng dân tộc đó. Tôi nghĩ phải nhìn lại cách giáo dục ở vùng cao. Dù khó khăn, nhưng cần song tồn hai ngôn ngữ.
Phải có giờ dạy tiếng Tày, Mông, Thái…. cho các cháu ngay từ nhỏ dù chỉ 1 giờ mỗi tuần. Các cháu sẽ thấy quý khi lớn lên, không phải xấu hổ khi đưa bạn về thăm quê mà tiếng dân tộc mình không biết nói.
Tiếng Latinh, Hy Lạp cổ dù đã chết, nhưng ở các nước châu Âu vẫn khuyến khích dạy môn này cho những học sinh đi học môn khoa học xã hội hoặc ham thích khảo cổ. Vì nó là căn bản của ngôn ngữ hầu hết các nước châu Âu.
Có lần có người kể với tôi, thời trước có ông giáo sư Pháp đi tìm học sinh học tiếng Mường mà không ai chịu học dù cho học bổng. Vì tâm lý kiếm sống nhanh, chẳng ai học tiếng dân tộc mà có vài người dùng. Nên sinh viên Việt Nam đều từ chối.
Sau ông đó mất nhưng hình như vẫn đau đớn khi chính bản thân ông là người Pháp đi nghiên cứu tiếng của một dân tộc trên núi thời Đông Dương, mà chính con cháu họ lại không muốn nghiên cứu.
Những người sinh ra có nhiều dòng văn hóa, rất lợi và ưu thế hơn người chỉ có một ngôn ngữ. Sự va chạm ngôn ngữ sẽ nảy ra nhiều vấn đề lý thú. Sự va chạm ngôn ngữ, là sự va chạm văn hóa, các cháu sẽ có sự so sánh sớm, và nắm được nhanh cái ưu và cái dở của văn hóa kia, đem cái hay về áp dụng cho văn hóa mình. Đồng thời biết đa văn hóa nếu làm so sánh văn hóa các vùng rất có lợi.
Dạy ngôn ngữ dân tộc là tạo cho thế hệ tự tin về văn hóa cha ông. Văn hóa nào cũng có nét đẹp nếu biết khai thác. Văn hóa cũng như bông hoa, mỗi sắc hoa đều mang lại cái đẹp trong thiên nhiên. Nếu thiên nhiên chỉ một thứ hoa thì không còn gì đặc sắc.
Nước nào cũng bát ngát hoa tulipe, thì làm gì có Hà Lan ai cũng đổ xô đến mùa xuân xem đồng hoa tulipe, hay hoa hồng đâu chẳng thế, nhưng hoa hồng Bulgaria có hoang dại của nó.
Hoa xương rồng mang sắc đẹp riêng kiêu hãnh của châu Phi, không ai cắm hoa xương rồng, nhưng lại trồng như cây cảnh trong nhà. Tiếng dân tộc như hoa xương rồng vậy.
Bên Pháp hay Úc và một số nước khác rất khuyến khích đa văn hóa và ngoại ngữ. Không bao giờ có chuyện tăng điểm cho những người thuộc thiểu số. Như người các châu Phi đến, hay Việt Nam bị coi như là dân tộc thiểu số. Khi thi thì điểm phải như nhau mới đỗ.
Để không thiệt thòi đối với các tài năng từ các ngôn ngữ ít người, họ cho phép dùng ngôn ngữ dân tộc đó thi như ngoại ngữ. Tất nhiên một số ngôn ngữ phải có giáo sư của ngôn ngữ đó mới được phép đăng kí thi.
Nếu điểm kém tức là bản thân anh yếu về ngôn ngữ của dân tộc anh, thì chẳng có gì đáng khuyến khích vào đại học. Ngược lại những người giỏi thì môn thi tiếng mẹ đẻ như là ngoại ngữ thì quá dễ, họ chỉ cần luyện 1 tháng là thi được điểm cao.
Điểm trên trung bình, thì cắt từ điểm đó ra làm điểm cộng vào điểm thi. Học sinh Việt Nam sang đỗ được nhờ sự khuyến khích thi đó. Nhưng nếu thi dưới trung bình thì không tính, nên không ảnh hưởng gì, chỉ nhằm mục đích khuyến khích đa văn hóa.
Sau này dù có trở thành kỹ sư bác sĩ, họ có thể dùng để khám bệnh cho bệnh nhân nước đó đến không biết tiếng, hay cử đi trở lại các nước nói tiếng đó…. Tại sao những cơ quan lo về văn hóa dân tộc không xin một chính sách vừa để giữ truyền thống văn hóa dân tộc vừa tạo nên sự đa dạng văn hóa, và không cần phải chính sách nâng điểm vùng cao.
Học sinh dân tộc sẽ cảm thấy tự hào hơn khi họ bước chân vào đại học bằng điểm với người Kinh chứ không phải do chính sách. Vì đấy cũng đòi hỏi sự học, và thể hiện đích thực là người gốc dân tộc, họ xứng đáng khi họ biết hai ngoại ngữ song đồng, thậm chí nếu học tiếng Anh, hay Pháp, Trung Quốc thì họ thành ba ngoại ngữ.
Xã hội đang đà hội nhập rất cần những người đa văn hóa, đa ngoại ngữ. Những người mang trong mình đa văn hóa sẽ có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập ở bất kỳ xã hội nào. Như cây đã được thử thách qua nhiều thổ nhưỡng. Cây nào phát triển được cây đó có sức sống rất mạnh mẽ.
Giữ gìn bản sắc dân tộc chính là lo giữ gìn ngôn ngữ dân tộc đó. Như Phạm Quỳnh nói một câu nổi tiếng: Tiếng ta còn thì nước ta còn.
Vì cơm áo mà họ phải bỏ tiếng dân tộc ư ? Đau lòng lắm. Nên phong trào học quốc ngữ để giữ hồn dân tộc ở thời Pháp thuộc là một công sức rất lớn của ông cha chúng ta.
Tiếng dân tộc giờ xu hướng mất đi, vì cơm áo, trước sức mạnh của tiếng Việt. Nhưng tiếng Việt lại đang có xu hướng mất đi vì cơm áo, trước sức mạnh của tiếng Anh.
Nhiều nhà đầu tư cho con học tiếng Anh từ bé, và cười hãnh diện khi con nói tiếng Anh giỏi, mà nói tiếng Việt ngọng. Họ quên rằng con người sinh ra để giao tiếp với người xung quanh, đều nói được một ngôn ngữ. Vậy có gì đáng tự hào khi chỉ nói một ngôn ngữ. Đa ngôn ngữ mới đáng tự hào.
Trên vô tuyến ngày này, việc sử dụng tiếng Anh bừa bãi làm mất đi giá trị phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt mà ông cha chúng ta cố gắng gìn giữ để có được.
Tại sao lại không dùng từ như “tốt”, “giỏi, thay cho chương trình “Hảo Hảo”, đến ngay trò chơi vui trên truyền hình có quân đội tham gia cũng đập tay “YES”…. Tại sao không thể dùng “tuyệt”, “được”, “ngon”, “hết ý”…
Bảo vệ bản sắc dân tộc chính là bảo vệ ngôn ngữ dân tộc mình, và tự hào về đã sở hữu nó.