Người ta

Người ta
TP - Đêm! Gió thốc lạnh buốt. Sài Gòn chỉ có chừng hai tuần để người ta run rẩy, hai tuần để người ta vô cớ nắm chặt tay nhau.

> Món rau Nấu Kèm Thịt

Minh họa: đỗ phấn
Minh họa: đỗ phấn.

Chị lặng im đi bên tôi, đôi mắt đăm đăm nhìn về con đường phía trước. Những lọn tóc chị bay bay trong gió, tôi cố ý đi thật gần, hương thơm dìu dịu từ mái tóc dày của chị làm tôi thanh thản.Tôi yêu con đường này, yêu cả cơn gió lạc, yêu hàng me mềm vấn vít đan nhau...?

Nơi chị ở gần chỗ tôi. Chị chưa bao giờ mời tôi vào nhà và cũng chẳng bao giờ giải thích - cứ như tôi là người xa lạ tự lâu rồi. Tôi hay đứng hàng giờ trên ban công phòng mình để ngắm căn nhà tồi tàn ấy, qua ô cửa sổ với những chấn song gỉ sét tôi có thể thấy chị. Chẳng biết tự bao giờ tôi lại có thói quen ấy và cũng không có lý do gì để dứt nó ra.

Tôi quen chị khi chị vào học lớp Tiếng Việt tại trường Sư phạm. Lớp tôi, đa số là người Hàn, Nhật và cả Trung Quốc. Chị ngồi cạnh tôi, ấn tượng đầu tiên về chị là dễ gần và hơi thô.

Tôi hỏi vì sao chị là người Việt lại đi học tiếng Việt. Chị mỉm cười vì: Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, sau này tôi mới biết chị dịch sách, muốn vào lớp tôi để tiếp xúc với nhiều người bản địa xứ sở hoa anh đào qua một giảng viên quen biết.

- Thế còn mình, cũng người Việt đấy thôi.

- Em ạ?

- Phải, người ta không hỏi mình thì hỏi ai?

- Em đang dịch sách, có liên quan nhiều tới ngôn ngữ nhưng bí mật, khi nào xong sẽ kể với chị sau .

Chị cười, coi như đã quen nhau. Mấy tuần sau chị bảo tôi:

- Mình biết nhậu chứ. Hôm nay người ta mời.

- Nhậu thì không biết chứ uống rượu thì cũng không tệ. Đi thì đi.

Cái ngõ nhỏ, quán cũng nhỏ. Gọi là quán nhưng thực ra là mấy cái bàn kê ở vỉa hè, rượu nếp. Thú thật tôi không thích loại rượu này, uống vào nóng và cay. Tôi thích bia.

Chị bảo bia, rượu cũng như người con gái, bia tươi tắn đấy song lại kém mặn mà nên người ta chẳng thể say, rượu thì khác...

- Chà! Uống đi.

Tôi hơi hoảng, chưa thấy người con gái nào uống kiểu như chị. Chị xoay chén rồi dốc ngược xuống cổ họng, khi rượu chưa kịp trôi xuống dạ dày thì ly của chị đã lại đầy. Chị châm một điếu thuốc rồi cầm bằng ngón cái và ngón trỏ đưa lên miệng hút. Có cái gì đó muốn nổi loạn trong con người trầm trầm của chị.

- Mình này! Có lẽ từ tuần sau người ta sẽ không tới lớp nữa! Người ta có dự định mới rồi.

- Chị nói sao?

- Mình có buồn không? Không có người ta ngồi cạnh mình ấy.

- Em nghĩ là sẽ gặp lại chị nhiều...?

Phải đến hơn một tháng sau tôi mới gặp lại chị. Ngay trước cửa lớp nhìn chị rạng rỡ hơn mọi khi, đôi mắt linh hoạt, tinh anh. Chị chìa cho tôi tấm card:

- Người ta thành công rồi đấy, mai khai trương, tới uống rượu mừng người ta nhé.

Tôi đếm ôm theo bó hồng đỏ, chị đón tôi với nụ cười tươi tắn trên môi. Đây rồi cái giang sơn của chị, cái dự định mà chị đã thành công- tiệm thơ - Chị kinh doanh thứ không bao giờ nuôi sống nổi chính mình chứ đừng nói tới làm giàu.

Hơi thất vọng nhưng khi nghe chị nói về ý tưởng của mình, về những người bạn thơ và cả những con người đang hiện diện nơi đây họ có cái gì đó rất giống chị - tôi đã nghĩ khác.

Có lẽ chị đang cố giơ đôi cánh tay nhỏ mảnh, rám nắng của mình để chạm vào barie cuộc sống chăng? Tôi thường ghé chỗ chị, nghe chị nói về thơ. Hiểu chẳng bao nhiêu, chỉ thấy mình đang làm chị vui, thế là đến. Lớp tôi tổ chức đi du lịch Tây Bắc hai tuần hi vọng vào mùa này sẽ thấy tuyết rơi.

- Chị đi cùng lớp nhé!

- Tiếc nhỉ? Không thể bỏ bê công việc lúc này...? mà...?

Chị định nói gì nữa nhưng chợt lại thôi.

Sa Pa - mơ đang nở trắng cành, đất trời Tây Bắc ngập trong màu hoa mơ trắng. Những bông hoa mua hiếm hoi khoe sắc tím mỏng manh. Chợt nhớ chị, chợt thấy chị mong manh như những bông mua tím.

Tôi có thằng bạn thân làm Kỹ sư điện đang đóng chốt trên này. Sóng yếu, phải mất ba ngày tôi mới liên lạc được với hắn. Không ngờ sau mấy năm ẩn cư nơi rừng núi tay chân hắn đã dẻo dai, rắn chắc không còn vẻ thư sinh của cậu công tử Sài Thành.

Ngày trước hắn quyết định lên Tây Bắc cũng chỉ vì cô người yêu xinh đẹp đi du học rồi định cư luôn bên Úc. Hắn đi vì không chịu nổi những con đường mà hắn với cô nàng xinh đẹp kia từng sánh bước bên nhau... Gặp tôi hắn mừng ríu, hắn hỏi tôi có bạn gái chưa, thấy tôi lắc đầu hắn bảo tôi hâm nặng, phải chữa gấp.

Chiều ấy, hắn kéo tôi tới phiên chợ của người Thái, phải công nhận con gái Thái đẹp, đẹp và ngây thơ. Hắn hất hàm về phía tôi vẻ đắc chí kiểu như khẳng định hắn lên đây là không hề sai lầm. Nhưng thú thực tôi thấy họ cũng chỉ giống như bia - tươi tắn đấy nhưng không đủ làm say người thưởng thức. Lẽ nào, lẽ nào...?

Tôi quay lại Sài Gòn muộn hơn dự định, ào tới bên chị, thấy chị và những người bạn thơ hôm nào đang lặng lẽ xếp những cuốn thơ còn mới tinh trên giá vào thùng. Tôi không ngạc nhiên khi thấy chị đóng cửa tiệm thơ mơ ước. Chị lặng lẽ nhìn từng ngăn sách lần lượt bị gỡ xuống. Chị nhìn tôi cũng lặng lẽ... cười...

* *

*

Bây giờ, chị lại có thể đi bên tôi... thanh thản! Gió nhẹ nhàng mơn man những tán lá me mềm,

- Chị có buồn không?

- Buồn... nhưng mà vui, người ta cũng đã thực hiện được ý tưởng của mình. Dù có phải trả giá, có những thứ phải trả giá gấp nhiều lần như thế nhưng cái nhận được có là bao, trong khi đã hơn ba tháng được sống trong nơi mà mình từng mơ ước và hạnh phúc hi vọng vào ngày mai, vào thơ. Mình đừng cười người ta. Người ta hâm hâm đấy. Hơi rượu theo gió phả vào mặt - nóng ran.

Tự nhiên tôi thèm ôm chị, người đàn bà nhỏ bé, tôi muốn giữ chị chặt trong lòng tôi. Muốn đặt đôi môi mình lên vầng trán cao, bướng bỉnh... Gió làm tôi run rẩy, tôi lại tìm tay chị. Bàn tay nhỏ bé, chai sần.

Lạnh!

Ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá, gió vẫn mơn man, từng đám lá me đan vào nhau tha thiết, ánh đèn đường dìu dịu hắt bóng xuống mảng tối sáng như vẽ tranh trên con đường cũ. Cuộc đời con người cũng như những bức tranh.

Sáng và tối, rực rỡ và u ám đan xen: cái bức tranh của kẻ yêu đời, nhiều nhiệt huyết ắt sẽ nhiều mảng sáng, bức tranh của kẻ sống an nhàn trong nhung gấm hẳn sẽ toàn màu hồng, còn bức tranh của những kẻ chẳng biết gì vào ngày mai chắc chắn sẽ toàn màu xám. Tôi không thích những bức tranh một màu.

- Mình à? Lên Tây Bắc thế nào? Người ta ở ngoài ấy mà chưa từng lên Tây Bắc! Giờ muốn về mà sao quá xa xôi. Con gái Tây Bắc chắc là đẹp lắm!

- Nhưng không đủ làm cho người ta say.

- Thì thêm một ché rượu Cần.

Tôi nhìn sâu vào mắt chị.

- Chị chuyển hướng nhìn phía cuối con đường...?

- Mình à, từ nay - mình - đừng gặp - người ta nữa nhé.

Chị nói mà không nhìn tôi, lòng tự ái trong tôi trỗi dậy, tôi có những dự định cho tương lai, tôi có những chuyến đi dài và có những chặng đua vội vã. Tại sao tôi đã từng nghĩ mình có thể ở đây mãi, chỉ để ngắm chị qua khung cửa sổ gỉ sét, hơn nữa chị lại chẳng thèm để mắt tới tôi.

- Em sẽ đi xa

- Mình - mình - định đi đâu?

Giọng chị chợt thảng thốt, nhưng lại rất nhanh lấy lại vẻ điềm tĩnh bình thường.

- Bất cứ nơi đâu, để không bao giờ gặp lại chị nữa.

Tôi biết, mình vừa cứa vào lòng chị một vết nứa sắc lạnh- tôi tự xỉ vả mình - tôi chỉ là kẻ ích kỷ, 30 tuổi đầu, chỉ biết tới bản thân. Tạm biệt chị, tạm biệt những ngày nghe hương tóc chị rối trong trời gió, tạm biệt những ánh đèn đường hiu hắt biết làm họa sĩ hằng đêm.

Tôi sẽ đi...?

Tiếng ẩu đả, tiếng cánh cửa sắt đổ huỳnh huỳnh bên căn nhà của chị. Tôi lao sang, hắn đang loạng quạng đập phá tất cả những đồ đạc tồi tàn trong phòng chị, miệng không ngừng hét:

- Tiền, tiền...?

Gương mặt chị bầm tím, đỏ nhừ, đôi mắt sưng mọng nhoẹt nhòe nước, chị ngồi bất động mặc hắn đập phá, mặc hắn hành hạ. Tôi túm lấy cổ áo hắn quăng hắn ra khỏi cửa và kịp cho hắn mấy đấm trước khi chị lôi tôi ra, tạt vào mặt tôi gáo nước lạnh.

- Cậu đi đi, cút đi, tôi không cần cậu. Đây là chồng tôi, chồng tôi...?

Chị ôm mặt khóc nức nở. Gió ào ạt thở vào tai tôi nhức buốt...?

Tôi đi.

Sài Gòn liêu xiêu gió, căn nhà chị cũng chợt liêu xiêu, mở cửa đón tôi là một phụ nữ đã già, bà ngước lên nhìn tôi với đôi mắt buồn, đôi mắt ướt nước giống hệt chị chỉ khác là được hóa trang rất khéo bằng những nếp nhăn tuổi tác.

- Cậu có phải là Hưng?

- Vâng ạ! Thưa bác.

Bà cụ mời tôi vào nhà, tiếng Hà Nội rất ấm - mềm.

Giật mình! Trên ban thờ nghi ngút khói - cô gái đôi mắt ướt đang cười...?

Khẽ chậm giọt nước mắt bò trên hõm má đen sì, bà cụ rút từ túi áo vuông cũ một bức thư đưa cho tôi:

- Hạnh nó gửi cho Cháu!

“Hưng!

Mình đừng khóc, người ta không mất đi đâu mà. Người ta chỉ đến một nơi rất xa. Mình hay hỏi vì sao người ta vội. Vì người ta sợ lỡ mất chuyến tàu cuối cùng, sợ những gì mình định mang theo còn thiếu nên phải vội sắm sửa cho kỹ càng, vội sắp xếp cho như ý muốn.

Thế giới này ngắn hơn đôi chân của Hạnh, Hưng à. Hạnh phải tìm một nơi khác. Hạnh đi đây. Hạnh lại bốc đồng lắm phải không Hưng? Bốc đồng khám phá một thế giới mới và vẫn vội vàng như sợ ngày chỉ còn 12 tiếng phải không... Xin mình, chỉ nhớ người ta lúc người ta cười thôi nhé!?”.

Gió luồn vào khung cửa sổ ào ạt.

Sài Gòn hôm nay nổi gió to.

Có lần tôi nghe Mẹ nói nếu một người mất đi, những gì người ở lại chưa kịp nói, chưa kịp nhắn nhủ thì chỉ cần viết ra giấy, đốt đi thả khói lên trời là ở thế giới bên kia người đã khuất có thể nhận được...?

Gió tạt nhúm tro nhỏ lả tả bay, lả tả lăn trên con đường cũ. Tiếng nhạc Trịnh nhà ai vọng lại nghe da diết: “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng. Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng”...

Ngoài kia, một mình con gió đi về lặng lẽ”.

Truyện ngắn của Hoàng Hiền

Đằng sau một khởi đầu có vẻ lãng đãng, đằng sau những ngôn từ có vẻ mượt mà, trữ tình là một thực tế khắc nghiệt càng lúc càng căng lên và vỡ ra ở đoạn cuối.

Người ta ảnh 2

“Người ta” là một truyện ngắn tạo được sự bất ngờ. Bên cạnh đó, cách tạo tâm lý nhân vật - nhất là nhân vật chính, có những nét tinh tế, ý tại ngôn ngoại. Điều này khắc phục được sự đơn giản ở một số bước ngoặt của truyện.

Hoàng Hiền đang sống và làm việc tại TPHCM, viết kịch bản phim. Có thể điều này ảnh hưởng đến cách viết của cô.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG