Báo chí - Nơi đăng tải truyện tranh?

“Từ thiên đàng đến địa ngục” của Tô Như Nguyên Ảnh: Mi Ly
“Từ thiên đàng đến địa ngục” của Tô Như Nguyên Ảnh: Mi Ly
TP - Từ “người lớn” đôi khi hơi tai tiếng, nhưng đã đến lúc làm quen với những tác phẩm truyện tranh không dành cho trẻ con.

> Lỗi 'thảm họa chính tả' do… tác giả?

Các họa sĩ, chuyên gia truyện tranh người Bỉ nhắn nhủ “Hãy tạo ra độc giả người lớn cho truyện tranh”
Các họa sĩ, chuyên gia truyện tranh người Bỉ nhắn nhủ “Hãy tạo ra độc giả người lớn cho truyện tranh”.

Festival truyện tranh lần thứ 3 khai mạc hôm 1-6 tại Hà Nội, không chỉ hướng đến trẻ em. Các chuyên gia người Bỉ khẳng định trong họp báo, ở quốc gia này, những người trưởng thành cũng là nhóm độc giả quan trọng, đông đảo của truyện tranh. Nhờ đó truyện tranh Bỉ mới có các tác phẩm lớn nổi tiếng thế giới như Tintin, Spirou, Smurf (Xì Trum)…

Truyện tranh dán nhãn 16+

Có những đề tài chỉ người trưởng thành mới hiểu và thích đọc. Chẳng hạn, cuốn Sát thủ đầu mưng mủ của họa sĩ Thành Phong ồn ào gần đây cũng được dán nhãn 16+, không phải vì gợi dục hay bạo lực ghê gớm gì, mà do các câu nói và tranh vẽ trong sách, người dưới 16 tuổi khó mà hiểu thấu đáo.

Thêm nữa, nét vẽ góc cạnh, tạo hình nhân vật gân guốc không phải gu của trẻ con (thường là phải tròn tròn, xinh xinh).

Tùy theo đề tài và cách thể hiện, truyện tranh có thể được dán nhãn 16+, 17+ hoặc hơn.

Tất nhiên, trong bối cảnh truyện tranh kể cả cho thiếu nhi của Việt Nam “vẫn còn non trẻ”, theo nhận xét của ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc NXB Kim Đồng, thì chưa có vẻ gì những cuốn truyện cho người lớn như thế sẽ xuất hiện nhiều trong tương lai gần. Thế nên, nhà quản lý cũng chưa cần lo ngại quá.

Truyện tranh gắn liền các vấn đề xã hội

Triển lãm “Từ ý tưởng tới tác phẩm truyện tranh” với 30 bản phác thảo truyện của 11 họa sĩ trẻ Việt Nam là tâm điểm của Festival lần này.

Theo ông Phạm Quang Vinh, đây là những truyện được sáng tác riêng cho triển lãm, bản đưa ra trưng bày là phác thảo đầu tiên, được Phái đoàn Wallonie - Bruxelles yêu cầu giữ nguyên không chỉnh sửa kể cả có lỗi.

(Bởi vậy mới xảy ra trường hợp sai lỗi chính tả trầm trọng mà Tiền Phong đã phát hiện - số báo 153, 154).

“Từ thiên đàng đến địa ngục” của Tô Như Nguyên Ảnh: Mi Ly
“Từ thiên đàng đến địa ngục” của Tô Như Nguyên.  Ảnh: Mi Ly.

Các bản phác thảo cho thấy họa sĩ trẻ có nét vẽ đẹp và trau chuốt, dù chưa qua chỉnh sửa. Đáng chú ý là các ý tưởng hầu hết gai góc và sâu cay, kể cả những câu chuyện mơ mộng như Mũm hay hài hước như Từ thiên đàng đến địa ngục.

Mũm kể về một chú cừu ước mơ trở thành một đám mây. Để làm được điều đó, chú leo lên đỉnh núi và nhảy xuống, lầm tưởng mình là đám mây thật.

Từ thiên đàng đến địa ngục kể về một anh chàng đi xe máy có lốp là hàng nhái, bị tai nạn qua đời.

Lên thiên đường, lúc mua cánh thiên thần, anh lại mua phải cánh giả và bị rơi xuống địa ngục. Nét vẽ dễ thương và gây cười, truyện truyền tải được thông điệp nghiệt ngã về tác hại của hàng giả.

Người lớn bị gông cùm bởi nỗi lo toan tiền bạc; cuộc sống con người khi có sắc đẹp và quyền lực nhưng nghèo nàn về tinh thần; vứt bỏ ước mơ khiến con người trở nên tuyệt vọng; ý nghĩa của sự trưởng thành; cám dỗ của tội ác… là những đề tài được các họa sĩ trẻ theo đuổi. Đó không phải là những đề tài mà trẻ con dễ dàng cảm nhận. Và họ chọn truyện tranh để truyền tải, thay vì viết tiểu thuyết, truyện ngắn hay vẽ tranh.

Truyện tranh cho người lớn có quyền có… cảnh nóng

Không nói những cuốn truyện tranh đen, tràn ngập cảnh nóng, nhưng truyện cho người lớn và về người lớn đương nhiên có quyền đề cập đến tình yêu và tình dục.

Vài năm nay, NXB Kim Đồng đều đặn tổ chức các khóa học sáng tác truyện tranh do các chuyên gia Đan Mạch giảng dạy cho các họa sĩ, nhà văn trẻ của Việt Nam.

Nhiều học viên bất ngờ khi các thầy, cũng là họa sĩ vẽ truyện tranh chuyên nghiệp, cho xem tác phẩm của họ (xuất bản công khai, hợp pháp ở Đan Mạch), trong đó có nhiều cảnh nóng. Một truyện có vài ba cảnh ân ái, nhân vật hở hang là chuyện bình thường.

Tất nhiên, với nền văn hóa châu Âu. Hay như tạp chí truyện tranh Spirou nổi tiếng của Bỉ, đã dịch ra tiếng Việt, cũng có nhiều cảnh tình cảm nhưng cách thể hiện hài hước.

Mặc dù vậy, chưa thấy truyện nào trong triển lãm “Từ ý tưởng tới tác phẩm truyện tranh” của Việt Nam khai thác sâu đề tài tình yêu và tình dục. Tuy vậy đây có thể là mảng đề tài thú vị, thu hút độc giả người lớn?

Báo chí có thể đăng truyện tranh dài kỳ ?

Không phải là truyền thông nói chung (trong đó có mạng xã hội), mà chính xác là báo chí. Cũng không phải những tạp chí chuyên về truyện tranh hay báo dành cho thiếu nhi, mà là báo chí chính thống, nhiều người lớn đọc.

Ông Jean Auquire, Giám đốc Trung tâm Truyện tranh Bỉ, khẳng định báo chí có thể giúp sức bằng cách đăng tải truyện tranh dài kỳ.

“Truyện Tintin của chúng tôi, khi ra đời vào những năm 1920 chỉ đăng tải trên các tạp chí chuyên về truyện tranh”, ông kể. “Đến những năm 80, các tờ báo chính trị- xã hội lớn của Pháp như Le Monde hay Figaro đã đăng lại Tintin thành nhiều kỳ. Đó là một bước ngoặt lớn, tạo ra một nhóm độc giả mới, đông đảo cho truyện tranh, thay đổi hoàn toàn quan niệm về truyện tranh. Đến nay, Tintin vẫn được coi là một biểu tượng văn hóa của nước Bỉ”.

Trò chuyện với Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng nhận định: “Tùy theo tiêu chí, các báo có thể chọn đăng truyện tranh về đề tài chính trị, xã hội, đời sống…

Không nhất thiết phải là đề tài gì đó thời sự. Cũng không chỉ phía truyện tranh có lợi trong việc này. Tôi nghĩ truyện tranh sẽ giúp tờ báo có được một lượng độc giả thường xuyên”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG