Phật đản nên là một lễ hội của Festival Huế

Phật đản nên là một lễ hội của Festival Huế
TP - Lễ hội Phật đản lại về sau một mùa Festival lắng đọng lòng người Huế. Festival Huế là lễ hội văn hoá, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế nhưng chưa lựa chọn được một ngày cố định.

> Lắng đọng một mùa Phật đản

Phật đản nên là một lễ hội của Festival Huế ảnh 1

Không ấn định được thời điểm cụ thể sẽ rất bất lợi cho nhà tổ chức trong khâu quảng bá; bất lợi cho các hãng lữ hành trong xây dựng và chào bán tour. Nhân mùa Phật đản xin được lạm bàn về đề tài này.

Festival Huế từng tổ chức trong tháng 5 và tháng 6 dương lịch, nhưng thời điểm này thời tiết quá nóng. Cũng hay gặp mưa, phải hủy một số chương trình. Festival 2012 dịch chuyển về tháng 4. Kỳ tới, 2014 cũng đã chọn ngày khai mạc là 12-4.

Có ba tiêu chí chọn thời điểm tổ chức Festival: Tránh nắng, né mưa, và không “đụng hàng” - không cùng thời điểm với các sự kiện lớn trong khu vực miền Trung - để hút khách.

Theo tôi Festival khai mạc sau lễ Phật đản vài ngày và bế mạc trước tiết Tiểu mãn khoảng một tuần là hợp lý. Thời điểm này rất ít khi mưa, cũng chưa quá nóng.

Không lễ hội nào ở Huế có sự cộng hưởng mạnh mẽ từ lòng dân, sức dân như lễ Phật đản.

Còn nhớ, trung tuần tháng 5-2008, trước Festival Huế khoảng 10 ngày, đại lễ Phật đản ở Huế diễn ra trang trọng và sâu lắng trong một tuần. Không khí và hình ảnh tuần lễ Phật đản vẫn còn tràn đầy với những cổng vòm và hoa sen nở khắp các đường phố chính.

Năm 2010, trước lễ Phật đản có Tuần Văn hoá Phật giáo nhiều nội dung hấp dẫn như triển lãm, văn nghệ, không gian ẩm thực chay. Mỗi ngày một cuộc thuyết trình, đề tài nào cũng hấp dẫn, thiết thực với cuộc sống, với đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Kết thúc là lễ thả đài sen trên sông Hương, lễ diễu hành thuyền hoa và lễ phóng sanh đăng. Phật đản 2012 cũng nhiều chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ Phật tử đến từ Hà Nội. Lễ rước Phật bằng thuyền hoa và lễ hội hoa đăng trên sông Hương. v.v...

Lý do thứ hai, lễ hội Phật đản diễn ra trong không gian linh thiêng và trong một thời gian nhất định. Để đẩy mạnh xã hội hóa Festival Huế, chính quyền cần tạo ra cơ chế tích cực để cho các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo - như lễ Phật đản - phát triển lành mạnh, góp phần tác động tích cực đến đời sống văn hoá, đời sống tâm linh của người dân cũng như du khách.

Có những lễ hội không phải do chính quyền, do ngành văn hoá - du lịch tổ chức nhưng khách thập phương dự khá đông. Như hội vật làng Sình, lễ hội Cầu Ngư ở Thuận An - dù chỉ quy mô cấp xã nhưng không khí rất sôi động, thu hút du khách.

Festival Huế nếu ấn định được ngày, tháng cụ thể, và gắn với một số lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh sẽ tạo ra yếu tố thiêng.

Thực tế cho thấy, lễ hội nào có yếu tố thiêng liêng thì không cần quảng bá cũng nườm nượp du khách như lễ hội chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng, lễ hội Làng Sen.v.v...

Vì thế gắn lễ Phật đản với Festival Huế xem ra rất hợp lý. Trường hợp Festival tổ chức trước Rằm tháng tư thì lễ Phật đản cần được đưa vào chương trình hưởng ứng. Một hoạt động nối tiếp, kéo dài Festival Huế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG