> 'Hiệp sỹ mù' không còn đơn độc
Gặp Khúc Hải Vân thời gian này bất kỳ ai cũng có cảm tình. Anh cười nhiều, nói nhiều như chưa từng biết đến khổ đau. Khung hình cô dâu ôm hoa cười hạnh phúc đặt gần chiếc máy tính ở bàn làm việc trong căn phòng nhỏ của anh đã mách bảo một bí mật: Khúc Hải Vân đã có vợ .
Tình yêu từ dự án không tiền
Khiếm thị bẩm sinh nhưng tạo hóa không để Hải Vân thua thiệt về nghị lực lẫn tài năng. Anh đã tốt nghiệp khoa Văn học, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
Trong quá trình học đại học, Vân mở trung tâm tin học Tia Sáng, với khát vọng mang ánh sáng đến cho người mù bằng sức mạnh của tin học. Anh còn tham gia dạy học cho người khiếm thị, tham gia những dự án không tiền nhằm cải thiện chất lượng sống của những người có hoàn cảnh không may như anh.
Với việc ứng dụng công nghệ sách điện tử kỹ thuật số phục vụ lợi ích cộng đồng Khúc Hải Vân đã phong tặng danh hiệu “Hiệp sỹ công nghệ thông tin”.
Hiệp sỹ mù luôn vươn mình ra ánh sáng không thể ngờ một ngày đẹp trời anh đã tìm được người tri kỷ. Nghĩ về chuyện “được vợ” Khúc Hải Vân cười: “Tôi phải cảm ơn dự án “Tâm hồn Việt Nam”, một dự án không tiền dành cho người khiếm thị.
Hồi đó, vợ tôi mới đi học ở Nga về, cô ấy áy náy vì chưa được trải nghiệm cảm giác làm tình nguyện viên nên muốn tham gia một hoạt động nào đó. Nàng đã “dại dột” gõ cửa “Tâm hồn Việt Nam”, mà lại gõ cửa đúng bộ phận sản xuất sách nói do tôi quản lý.
Bình thường tôi vẫn quan tâm tới tình nguyện viên. Nhưng cô ấy đối với tôi lạ lắm, tôi hỏi thăm ba câu cô ấy đáp lại nhiều câu. Dần dà khiến tôi nhận ra mình cũng cần được chăm sóc. Rồi chúng tôi hẹn nhau, yêu nhau từ lúc nào không biết”.
Nhiều người ngạc nhiên khi một cô gái có bằng cấp, có công việc ổn định ở một ngân hàng lại gật đầu lên xe hoa với một chàng trai khiếm thị. Giải thích điều này, người đời tặng cô chữ “nhân ái”.
Không giống như việc bỗng dưng bắt được vàng, để một người khuyết tật vượt qua mặc cảm đón nhận hạnh phúc cũng chẳng dễ dàng.
Người con gái ấy hẳn có sức hút lạ kỳ: “Tôi cảm phục nhà tôi không chỉ bởi lòng nhân ái mà bởi tình yêu cô ấy dành cho tôi và những người giống tôi. Một tình yêu thật sự. Giống như việc mình nấu cơm cho ai đó ăn mà không chờ đợi một lời khen. Người ta không khen hôm sau mình vẫn vui vẻ vào bếp nấu nướng. Tình yêu của cô ấu vô tư, chẳng đòi hỏi đáp đền, giống như nắng vậy”, Khúc Hải Vân chia sẻ.
Sau Mẹ, là Em
Khúc Hải Vân sinh ra trong một gia đình lao động bình thường. Họ bù đắp những thiệt thòi cho Vân không phải bằng vật chất mà bằng tình yêu vô bờ.
Đặc biệt, mẹ của anh, người đàn bà nhỏ bé, có phần lam lũ đã truyền cho anh niềm tin vào cuộc sống.
Anh từng viết cho mẹ những bức thư không bao giờ gửi, trước ngày mẹ nhập viện làm phẫu thuật: “Suốt 26 năm nay con chỉ quen với vòng tay mẹ, giọng nói của mẹ, với những gì con sờ được, cảm nhận được từ mẹ. Con tin ánh mắt của mẹ sẽ luôn yêu thương hiền từ nhìn con và sẽ chẳng bao giờ trách móc nếu con thất bại”.
Nhưng vòng tay mẹ dẫu có êm ái vẫn không thể xua đi trong anh nỗi cô đơn len lén. Anh cần yêu và được yêu. Và cô ấy đã đến. Sau ngày cưới Khúc Hải Vân nói đùa với vợ : “Trước kia anh chỉ có một mắt nhìn cuộc sống là từ mẹ, giờ có em anh có thêm mắt nữa, thế là anh đã đủ hai mắt nhìn đời”.
Đôi vợ chồng son vẫn sống chung cùng gia đình. Công việc ở ngân hàng bận rộn, chỉ được nghỉ trưa một tiếng, vợ vẫn về nhà dành cho chồng một nửa thời gian.
Hiện tại nguồn thu nhập chính của Khúc Hải Vân là làm dữ liệu âm thanh cho bút hoạt hình panda. Anh đang tìm công việc mới để có thể nuôi mình, nuôi vợ.
Từ ngày có vợ, “hiệp sỹ” cũng đổi mới trong nhiều chuyện: “Trước đây tôi thích thì làm không thích thì thôi, bát ăn xong không rửa cũng được, giờ ăn xong thì phải đứng dậy rửa bát, vợ giúp tôi cảm thấy cuộc sống của mình không đơn điệu như ngày xưa, không chỉ thể hiện mình ở những điểm có khả năng, có thế mạnh, bây giờ tôi có thể bắt tay làm những thứ chưa bao giờ làm như buộc dây giày, khêu ốc…”.
Việc biết khêu ốc được Khúc Hải Vân cho là “thành tựu” nổi bật. Trước đây, không ai rủ được Vân ăn ốc. Một lần, vì chiều lòng cô ấy anh đành vào quán ốc, vợ anh động viên: “Chắc chắn anh sẽ làm được” và cô cầm tay hướng dẫn anh khêu từng con ốc.
“Con người ta có nhiều thứ sợ trong cuộc đời, sợ bị đánh giá, sợ bị xem thường nhưng với vợ, tôi không thấy sợ điều gì cả”, Khúc Hải Vân tâm sự. Anh biết mình còn nhiều điều chưa làm được cho vợ nhưng anh tự tin biết cách làm cho nàng vui.
Điều không thể đã biến thành có thể
Trong truyện cổ tích, nhân vật “Thiện” qua nhiều sóng gió mới cập bến bình an, tình yêu của hiệp sỹ mù cũng đi qua những ngày u ám. Hai năm yêu nhau trải nghiệm buồn nhiều hơn vui. Cả hai không đủ dũng cảm để đi đến kết thúc, dù tình đầy, tuổi chín.
Áp lực dư luận khiến cô người yêu bé nhỏ rơi vào trạng thái không bình yên. Mọi sự tưởng chừng không lối thoát, bỗng một ngày Khúc Hải Vân đọc được một cuốn sách gợi mở cho anh những phương pháp sống tích cực, kết quả là một đám cưới đã diễn ra.
Khúc Hải Vân mô tả đám cưới của mình được dệt từ yêu thương. 400 thiếp mời gửi đi nhưng đám cưới lại có trên 500 khách tới dự. Ảnh cưới, phòng cưới, MC đám cưới đều được bạn bè của “hiệp sỹ” giúp sức.
Sau đám cưới, cả cô dâu, chú rể không ưu tiên việc kiểm phong bì mà họ kiểm sổ cưới trước tiên, để xem những dòng dặn dò, chúc phúc của bạn bè. Hết tuần trăng mật, họ trở lại cuộc sống bình thường.
Thỉnh thoảng, người ta lại thấy người phụ nữ mảnh dẻ đèo chàng trai mù nặng ký lạng lách qua ngõ nhỏ hòa vào dòng xe tấp nập trên đường. Đó chính là cặp đôi “Gấu béo- Nhím xù”, họ đang viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
“Thoáng” khi yêu, “kỹ” khi lấy Hiệp sỹ mù có vẻ là kẻ hào hoa, may mắn. Trước khi gặp “một nửa” bây giờ, anh cũng đã từng yêu và đổ vỡ: “Chia tay là do không hợp nhau, tất cả mọi sự ra đi, ngay cả sự ra đi vô lý, tôi cũng không coi là phản bội”. Anh không đòi hỏi sự thủy chung tuyệt đối trong tình yêu lứa đôi, vì “khi đang yêu, có quyền lựa chọn là bình thường, không thể gọi đó là phản bội”. Nhưng với hôn nhân, anh có cái nhìn khác: “Đã là vợ chồng đòi hỏi phải thủy chung tương đối. Chia tay chỉ xảy ra, khi mọi cố gắng hàn gắn trở nên vô hiệu”. |
“Nơi nào có em nơi đó là thiên đường” Khúc Hải Vân thi vào khoa Văn vì yêu trẻ nhỏ, anh ước mơ viết “một cái gì đó” cho trẻ thơ. Rồi “càng học càng khó viết”, “hiệp sỹ” dành nhiều thời gian cho công nghệ thông tin nhưng anh không bỏ quên phần lãng mạn của kẻ trót yêu văn. Một lần tình cờ đọc Mác Tu-ên anh bắt được câu “Nơi nào có em, nơi đó là thiên đường”. Văn hào Mỹ khơi đúng mạch của kẻ đang yêu, trong đêm, anh viết thơ tặng vợ: “Nếu đêm nay anh ngồi thức một mình/ Để biên tập âm thanh cho kịp ngày ra sách/Anh sẽ chọn một âm thanh đẹp nhất/Để bảo rằng đó chính là em/Nếu khi nào anh chợt tỉnh giữa đêm/ Em còn đang say nồng trong giấc ngủ/Anh sẽ gọi hương hoa nhài trong gió/ Theo vào phòng và bảo đó là em/ Nếu trưa nào trên một quãng đường êm/ Chỉ có nắng và chân anh đạp lá/ Trời Hà Nội khép hàng mi yên ả/ Anh đi cùng chiếc bóng của mình/ Anh sẽ chọn một bóng râm dịu mát/ Để bảo rằng đó chính là em(…) Ở nơi nào mà anh chẳng có em/ Cả khi ngủ nữa là khi thức/ Anh đưa tay chạm vào hạnh phúc/ Trái táo hồng treo giữa những cành êm/ Em là ban mai, là chiều vắng, là đêm…”. |