Nói như dân mạng facebook tên Lã Hoa: “Nhờ làn sóng mạng, tên tuổi của một người chưa bao giờ cầm tấm hộ chiếu đã vượt ra khỏi biên giới, trở nên quen thuộc ở rất nhiều nơi trên thế giới có cư dân mạng người Việt”.
Do công việc, tôi thỉnh thoảng đi dự đám tang của văn nghệ sĩ, có người vừa là nghệ sĩ vừa là nhà quản lý văn hóa văn nghệ. Tôi thấy ấn tượng chẳng hạn với ngày tiễn biệt nhà thơ Xuân Sách. Ông dặn gia đình không ghi danh “nhà thơ Xuân Sách” lên bức tường xám, mà chỉ đơn giản là ông Ngô Xuân Sách. Một dải hoa lớn màu vàng kết cực đẹp, đặt cạnh quan tài cũng phủ hoa vàng. Trên dải hoa đứng riêng lẻ đó ghi dòng chữ “Đau xót quá bố ơi!” khiến người dự xúc động tận đáy lòng.
Nhớ lại, tôi thấy xót cho Lê Dung, một nghệ sĩ nhân dân như chị xứng đáng được đối xử trọng thị hơn. Hôm đó,“Người Hà Nội”của chị sang trọng, da diết cất lên ở cái không gian hơi nhiều uế tạp của nhà tang lễ bệnh viện Việt-Xô, có gì phi lý. Còn Ngọc Tân có một đám tang “rất Ngọc Tân”, bắt đầu bằng “Nơi tôi sinh, Hà Nội. Ngày tôi sinh, một ngày bỏng cháy” nghe hơi nức nở trong giây phút đầu của lễ truy điệu. Phút ấy tôi thực sự ân hận vì từng in một bài sổ tay có đá nhẹ bệnh ngôi sao của anh. Thì anh chính là ngôi sao mà, còn nghệ sĩ sao tránh khỏi chứng nọ tật kia.
Lời điếu dành cho Phạm Tiến Duật (Hữu Thỉnh đọc) ngày nào, thì có những câu - có lẽ chỉ thuộc về văn giới: “Người mà mỗi bài thơ gửi ra từ chiến trường đều có giá trị như một tin thắng trận”.
Tiếc rằng, ở nơi lẽ ra phải bày được sự xúc động chân thành, phông văn hóa nhất định, thì hóa ra vẫn hiếm. Có người chồng gọi vợ từ đầu đến cuối là nghệ sĩ ưu tú, nội dung thì như nói về bà nghệ sĩ lớn nào đó không liên quan (nghe nói anh là người cũng yêu vợ). Nhiều người điểm lại chặng đời của người thân toàn mốc thăng quan tiến chức, không toát lên gì.
Ở đám tang Đinh Vũ Hoàng Nguyên- nickname Lão thầy bói già sáng 27-3, thường có cảnh này trong hàng nghìn người chờ viếng: “A hóa ra là…đây à”. Nghĩa là những người quen nhau trên mạng nay mới biết mặt. Biết nhờ dự đám tang này. Hoặc “Ô, kia là Sỹ Phò đấy” (nhân vật trong entry kiểu“Chân dung bạn bè” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên). Cũng hiếm đám tang nào xuất hiện “một người bạn thay mặt những người bạn” đọc to lên với người đã khuất những dòng khiến nhiều người nghe- vốn chưa bao giờ là bạn bè của họ, chia sẻ đến thế.
Lúc đang đứng trong hàng chờ viếng, đột nhiên có một chị mắt hoe đỏ tiến đến ấn chiếc phong bì vào tay, bảo đặt giùm lên trên kia, lúc nãy tôi vội quá quên đưa. Tôi nhìn nhanh thì thấy phong bì ghi hoa cà hay hoa cải gì đó, đại khái là một nick, không phải tên thật. Đám tang blogger và dân facebook có khác.
Ở đám tang đó, có người anh họ đọc lời điếu (Nguyên là con một): “Cuộc đời dài ngắn là do trời định. Em cứ thanh thản ra đi theo số phận của mình. Em cứ tin rằng cha mẹ hai bên sẽ có các anh các chị thay em phụng dưỡng”. Nhắc đến vợ và đứa con tròn 1 tuổi của người đã khuất: “Hòa là người phụ nữ bản lĩnh nghị lực, anh tin Hòa sẽ nuôi dạy cháu nên người… Em để lại Đinh Bũm mà nét mặt, vầng trán, nụ cười y hệt em thời bé. Anh tin chắc rằng em còn để lại cho con mình một tâm hồn lãng mạn tinh tế… Nguyên ơi, em cứ yên tâm nghỉ ngơi nơi núi Tản sông Đà có nhiều nhân kiệt. Em hãy ở với xứ Đoài địa linh có nhiều tao nhân mặc khách. Ở đó em tha hồ học hỏi giao du như em từng thích”.
Được sự ủy thác của một người bạn, tôi đến thăm Đinh Vũ Hoàng Nguyên khoảng 20 ngày trước khi anh qua đời. Tôi nắm tay Nguyên, bàn tay nghệ sĩ với những ngón thon dài, ấm. Vợ Nguyên nói nhỏ: “Anh ấy cảm động lắm vì toàn người không quen biết thăm hỏi và tình nguyện hiến máu. Nhưng anh ấy dặn không được nhận tiền, nhà mình không phải địa chỉ từ thiện”. “Của cho không bằng cách cho”, những người yêu mến Nguyên rồi cũng tìm được cách chia sẻ với vợ con anh. Tôi kinh ngạc vì một con người bình thường, không cơ quan đoàn thể, chưa được báo chí lăng xê bao giờ, lại gây được nỗi tiếc thương buồn rầu đến thế cho hàng nghìn, vạn người xa lạ. Có người trân trọng tiễn biệt bằng ngọn nến nhỏ và cánh hoa gửi qua mạng, có người văng tục với ông trời bất công.
Hôm thăm Nguyên, tôi kể với anh, tôi từng bật cười vì cái còm (bình luận) ở blog của anh như sau: “Hôm nay đưa blog lão- thầy- bói- già cho một em đọc. Đọc xong em thở dài: Sao những người tốt toàn có vợ hết rồi”. Nhà văn Lê Minh Hà (CHLB Đức) nhận xét: “Quả trên mạng chưa thấy ai có được những status hài hước thế. Đây không hẳn là cái duyên, giỏi nhìn ngó và biết kể, mà là một kiểu tư duy, không thể nào bắt chước được”. Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà lý giải: “Nguyên nổi tiếng và được yêu mến có lẽ vì anh ta nói hộ tâm sự, và cả uẩn ức của nhiều người”. Còn nụ cười của Nguyên hôm đó khiến tôi liên tưởng nụ cười của Hòa Vang - nhà văn của “Nhân sứ”, “Sự tích ngày đẹp trời”- khi chúng tôi thăm anh lần cuối: “Anh ngày xưa đi chiến trường K (Campuchia) giờ lại chiến đấu ở chiến trường K (ung thư), có gì ghê gớm đâu”. Và đùa duyên đến nỗi giúp người ta chặn được cục nghẹn mà đùa theo: “Nguy cơ khỏi cũng nên ấy nhỉ!”.
Hơn hai chục năm trước, đám tang Bùi Xuân Phái có vòng hoa mang dòng chữ của “Một người Hà Nội”- và Thái Bá Vân đã bình: “Bùi Xuân Phái thật là sang, Hà Nội thật là sang”. Đinh Vũ Hoàng Nguyên- trẻ tuổi, tài năng thơ, họa, trào phúng- mới chỉ ở dạng phát lộ, thế mà qua đám tang ngày cuối xuân này, thấy Hà Nội hóa ra vẫn nhiều người hay, quanh ta vẫn khối người hay, và Hà Nội vừa mất đi một người thực sự hay.