Người Hà Nội chơi cồng chiêng Tây Nguyên

Người Hà Nội chơi cồng chiêng Tây Nguyên
TP - Những ngày đầu tháng Ba, Viện Âm nhạc tràn ngập tiếng cồng chiêng Tây Nguyên từ sáng tới tối.

>Tiếng mã la và trường ca rừng thẳm

Chả là các cán bộ của Phòng Trưng bày và Biểu diễn Nhạc cụ của Viện đang dự một khóa học cồng chiêng Giarai do hai nghệ nhân Rơ Chăm H'Mut và Rơ Chăm Tih từ tỉnh Gia Lai ra đứng lớp.

Các thầy không quản giờ giấc nên lớp học kéo dài từ sáng đến tối, có khi tới 10 giờ đêm mới tan. Các thầy cũng quen dậy sớm, nên có hôm 4 giờ sáng đã gọi điện hỏi thăm học sinh tình hình bài vở. Sau 10 ngày, các nam thanh nữ tú Hà Nội đã hoàn thành được 5 bài chiêng trong các lễ Ăn trâu, Bỏ mả.

Hỏi về sinh hoạt cồng chiêng tại địa phương sau khi nghệ thuật này được UNESCO ghi nhận là di sản nhân loại, thầy H’Mut cho hay: “Vẫn thế. Nhà nước chưa hỗ trợ, chưa mở lớp. Thanh niên chỉ tập trong dịp lễ Tết thôi”.

H’Mut chơi chiêng từ năm 12-13 tuổi, là người giỏi nhất huyện Chư Pả, chiêng nào trong dàn cũng thạo. Nghề chính của ông là làm rẫy. Ông có 4 người con, 3 gái, 1 trai.

Theo tục lệ người Giarai, chỉ nam giới mới chơi cồng chiêng. Nhưng rất tiếc con trai H’Mut chưa kịp nối gót bố, đã đi ở rể. Từ khi cồng chiêng được quốc tế công nhận, H’Mut cũng có dịp đi diễn một số nơi: Hà Nội, TPHCM, Phú Yên…

Chuyên gia cồng chiêng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhận định: “Cồng chiêng gắn liền với lễ thức tín ngưỡng của đồng bào nhưng bây giờ rừng thì mất, môi trường thay đổi, một bộ phận đồng bào thay đổi tín ngưỡng, nên có những nơi truyền thống hoàn toàn mất đi.

Để giữ lại những lễ thức cổ truyền của đồng bào, ngoài việc đánh cồng chiêng phải có người nhớ được những bài khấn, nhớ được trình tự của một lễ thức…

Cả kho tàng văn hóa đó nằm trong người nghệ nhân H’Mut, và những người như thế hiện không còn nhiều ở Tây Nguyên.

Nhà nước nếu muốn bảo tồn một không gian văn hóa thực sự, phải có một chế độ đãi ngộ, động viên. Chúng tôi đang đệ trình với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong Nghệ nhân cấp Hội cho H’Mut và ông Chủ tịch Hội đã đồng ý”.

H’Mut cho hay, ngay trong buôn của ông, lượng người theo Công giáo, Tin Lành cũng đã chiếm phân nửa. Đã theo đạo, họ không muốn chơi cồng chiêng, không muốn giữ lễ hội truyền thống nữa.

Nghệ nhân Rơ Chăm Tih, sinh 1973 cũng đứng đầu đội cồng chiêng của huyện cách H’Mut 30km. Anh Tih còn một xưởng sản xuất nhạc cụ ở địa phương chuyên bán cho khách du lịch. Lần này ra Hà Nội, anh cũng giúp Viện Âm nhạc chỉnh sửa nhạc cụ.

Một điều thú vị là trong khi chiêng của người Giarai là nghệ thuật của đàn ông, thì hầu hết thành viên dàn chiêng của Viện Âm nhạc là nữ.

Kim Ngọc- một trong những phụ nữ đầu tiên chơi cồng chiêng Giarai- cho biết: “Cầm chiêng hơi bị nặng tay, và để đánh được tiếng chiêng hay mình phải nhấc lên đừng tì vào đâu nhưng đôi khi mỏi tay quá vẫn phải tì một chút”.

“Khi đang chơi mà một người không kịp theo tiết tấu, dừng lại một cái là những người khác cũng không thể nào đánh được,” chị Hoài Thu- trưởng phòng Trưng bày và Biểu diễn Nhạc cụ nhận xét.

“Nhưng được cái các thầy nhiệt tình nên chúng tôi cũng ngấm được một phần hồn Tây Nguyên”.

Đánh cồng chiêng khác với nhạc cụ thông thường ở chỗ, mỗi nhạc công chỉ chơi đúng có một nốt và đảm đương một tiết tấu riêng để khi kết hợp lại thành bản nhạc hoàn chỉnh.

Để nhanh thuộc bài và không quên sau này, các học viên phải chép bài chiêng ra thành từng nốt. Vì thế mà thầy H’Mut nhận xét, tuy tay chưa thạo, nhưng học sinh Hà Nội lại thuộc bài nhanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.