Hát Xoan lại… Chơi bợm gái

Một đoạn hát trong chặng Chơi bợm gái. Ảnh: Phúc An Chi
Một đoạn hát trong chặng Chơi bợm gái. Ảnh: Phúc An Chi
TP - Tưởng đã một đi không trở lại, nhưng từ nay các nghệ nhân Hát Xoan lại mặc sức phô diễn vẻ đẹp của di sản thế giới này với lối 'Chơi bợm gái'. Đó chính là một trong những minh chứng sống động cho thấy sự “hồi xuân” của Hát Xoan Phú Thọ.

> Làn Xoan lên ngôi

Một đoạn hát trong chặng Chơi bợm gái. Ảnh: Phúc An Chi
Một đoạn hát trong chặng Chơi bợm gái. Ảnh: Phúc An Chi.

Lễ vinh danh và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ vừa được tổ chức tại Phú Thọ vào ngày 18-2. Được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của Nhân loại, lẽ dĩ nhiên Hát Xoan Phú Thọ vẫn đang đối mặt nhiều thách thức và nguy cơ bị mai một.

Theo thống kê, số nghệ nhân Hát Xoan trước năm 1945 giờ chỉ còn 7 cụ có thể nhớ, truyền dạy Hát Xoan. Đa số các cụ đều cao tuổi, trí nhớ, sức khỏe ngày càng suy giảm, giọng hát, nhịp phách không còn linh hoạt chuẩn xác. Đấy là chưa nói, cụ nghệ nhân tay nghề cao cũng chỉ có thể nhớ và truyền dạy được 23/31 bài bản Xoan cổ.

Trong số 31 nghệ nhân từ 80 đến 105 tuổi được kiểm kê năm 2009, 2010 thì nay hai cụ đã lìa xa cõi tạm, đem theo nhiều thể cách, bài bản mà Phú Thọ chưa kịp tổ chức để các cụ truyền dạy đầy đủ cho con cháu.

Bên cạnh đó, môi trường diễn xướng của Hát Xoan đang bị đặt trong tình trạng “báo động đỏ”. Theo các nhà nghiên cứu nhìn nhận, từ 1945 đến 1975 Hát Xoan gần như không được thực hành và dần mai một do chiến tranh kéo dài, phần khác do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của Hát Xoan trong đời sống cộng đồng.

Vốn là dân ca nghi lễ do những người nông dân diễn xướng, nhưng vùng Hát Xoan đang bị đô thị hóa, nông dân trở thành công nhân, ruộng đồng teo tóp. Lớp trẻ ít người yêu thích Hát Xoan, những nghệ nhân trẻ theo Xoan chưa thực hành được nhiều bài bản, chưa kế thừa được đầy đủ bài bản, lề lối, phong tục Hát Xoan cổ.

Đấy là chưa nói, trước đây Hát Xoan từng trình diễn tại 13 đình, đền thì hiện có tới hai đình đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng và nhiều đình đền đã hoang phế, không còn một dấu tích vật thể… Việc trùng tu tôn tạo những di tích vật thể này là việc làm tất yếu để “hồi sinh” Hát Xoan bởi ai cũng biết dân ca nghi lễ này ra đời và tồn tại chủ yếu là hát thờ Vua Hùng và các thần thành hoàng làng.

Sự ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại ít nhiều đã vương dấu, ảnh hưởng Hát Xoan và có lẽ phải còn lâu nữa Hát Xoan mới “sống” trong đời sống mới của cư dân Phú Thọ cũng như VN, được đông đảo công chúng quan tâm, yêu thích như thời vang bóng.

Những năm gần đây, trong quá trình được lập Hồ sơ Quốc gia đệ trình và được UNESCO vinh danh, Hát Xoan Phú Thọ đã có những bước “trở mình” tích cực. Tính đến năm 2010 đã có 11/30 đình làng - không gian diễn xướng Hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Miếu Lãi Lèn, di tích vật thể gắn với sự tích ra đời của Hát Xoan bị hoang phế từ lâu đã được UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị khôi phục và được Nhà nước duyệt cấp kinh phí phục dựng ban đầu 7 tỷ đồng. Tính riêng năm 2010, có 13 CLB Hát Xoan được thành lập ở Phú Thọ đã đem đến nhiều hoạt động để duy trì sức sống mới của di sản này trong đời sống đương đại.

Nhiều bất ngờ thú vị cũng đã phát lộ trong quá trình Hát Xoan Phú Thọ được lập Hồ sơ quốc gia và đệ trình UNESCO xét vinh danh. Nếu như trước đây, các nhà nghiên cứu vẫn ngầm định rằng môi trường diễn xướng của Hát Xoan chỉ có ở 17 đình đền, thì trong quá trình xây dựng Hồ sơ, qua thực tế điền dã, cộng đồng Hát Xoan và các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm hai đình đền từng là môi trường diễn xướng của di sản này là Lâu Thượng Nội và Lâu Thượng Ngoại.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, một trong những người tham gia xây dựng Hồ sơ Hát Xoan đã khẳng định một tiền đề thú vị: “Xưa nay nhiều người thường nghĩ rằng Hát Xoan chỉ có ở 4 làng An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét. Nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Trong lịch sử phát triển Hát Xoan đã lan tỏa rộng tới các làng quê bên đôi bờ Sông Lô, Sông Thao và Sông Hồng thuộc tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc…”.

Thú vị hơn cả chặng đi Chơi bợm gái đã được phục hồi ít nhiều trong quá trình xây dựng Hồ sơ đề cử Quốc gia Hát Xoan Phú Thọ. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu khi xây dựng bộ Hồ sơ, cả bốn phường Xoan cổ đều không trình diễn hoàn thiện chặng hát Chơi bợm gái.

Nếu lề lối Hát Xoan vẫn được xem là có 3 chặng trình diễn chính thì hát Chơi bợm gái là một trong những làn điệu quan trọng trong chặng 3 - chặng trình diễn các bài hát Hội, hát tự do gồm nhiều tiết mục hát, dựng hoạt cảnh, các trò chơi mang nội dung trữ tình…

Nhóm nhà nghiên cứu gồm nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, NSƯT Lương Nguyên, biên đạo Vũ Hùng và nghệ nhân Hát Xoan Nguyễn Thị Át… đã mày mò, dày công phục hồi lại các làn điệu Hát Xoan chặng đi Chơi bợm gái. Những làn điệu như Bợm gái, Đường đi trên suối dưới khe, Xin Huê, Đố Huê… dần hiện hữu trở lại trong chặng hát trao duyên của diễn xướng Hát Xoan.

Giờ đây, khi Hát Xoan đã trở thành di sản thế giới, dù vẫn đối mặt với hằng hà những nguy cơ mai một, các nghệ nhân Hát Xoan lại phô diễn lối Chơi bợm gái.

Sớm đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng khẩn cấp

Tối qua, lễ khai mạc du lịch về cội nguồn và vinh danh Hát Xoan đã được tổ chức tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ với sự tham gia của 800 diễn viên, nghệ nhân và hàng ngàn du khách, người dân trong vùng. Màn trình diễn, hát múa Xoan kéo dài hơn một giờ đồng hồ.

Đêm vinh danh đã trao Kỷ niệm chương, danh hiệu, phần thưởng cho hàng chục cá nhân tiêu biểu có đóng góp đặc biệt trong gìn giữ, bảo tồn và đưa Xoan lên ngôi tại UNESCO, trong đó có gần 20 cụ già đã gần 100 tuổi - những nghệ nhân Xoan vẫn còn hát, diễn được làn Xoan cổ. Đại diện UNESCO đã trao bằng chứng nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tại đêm vinh danh, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ khẳng định tỉnh đã có chương trình hành động khá quy mô để sớm đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, như tu sửa, xây mới nhiều ngôi đình – nơi dành cho Xoan thể hiện, đưa Xoan vào chương trình dạy ngoại khoá tại các trường học, có chế độ bồi dưỡng cho nghệ nhân, đưa Xoan cải biên vào cộng đồng, dạy trên sóng đài phát thanh…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.