Trình diễn giữa thánh thần và rác rưởi

Trình diễn giữa thánh thần và rác rưởi
TP - Nói về Lê Nguyên Mạnh, người ta thường nhắc đến các trình diễn cùng với hội họa của anh. Hình như đây là cái nghiệp của anh, khi ông Trời sinh ra anh không chỉ có đôi mắt và đôi tay vẽ giỏi, mà còn có cơ thể dẻo như diễn viên múa và đôi tai thẩm âm rất nhạy. Ở đâu có anh là vui hẳn!

Lê Nguyên Mạnh:

Trình diễn giữa thánh thần và rác rưởi

Trong thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ thị giác trẻ hiện nay, Lê Nguyên Mạnh là khuôn mặt đầy cá tính. Anh luôn vui vẻ và sắc nhọn trong đám nghệ sĩ đương đại, nổi tiếng với các tác phẩm trình diễn, và là tác giả được săn đón của nhiều gallery.

Từ nuốt thủy tinh đến trình diễn cùng máy móc

Từ cách đây khoảng 10 năm, Mạnh đã làm trình diễn (performance art), là một trong những nghệ sĩ ít ỏi thực hành thứ nghệ thuật khi ấy còn rất xa lạ với công chúng. Bạn bè đến giờ vẫn còn thất kinh khi nhắc lại lần năm 2003, anh làm cuộc trình diễn mang tên “Dễ vỡ” với hành động uống nước có mảnh thủy tinh. Cả những người cứng vía nhất cũng phải thì thầm can gián, nhưng Mạnh không nghe. Dấn thân ư? Gọi thế nghe hơi căng, nhưng có lẽ gọi đây là một cuộc thử thách ý chí chính mình thì không quá.

Đó là cái thời Mạnh đang đi những bước đầu tiên vào con đường nghệ thuật, song song với việc học tại ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Đến nay, anh đã trở thành một “thương hiệu” với những tác phẩm trình diễn lấy cảm hứng từ cuộc sống đương đại. Năm 2007, Mạnh sơn trắng kín người, ra đường dùng sơn trắng tô lại những vạch sơn chỉ báo giao thông (dự án “Sneaky Week 2007” (Tuần lễ luồn lách) do Quỹ hỗ trợ Nghệ thuật châu Á - Arts Network Asia tài trợ), năm sau 2008, anh lại tự sơn trắng cơ thể từ đầu đến chân, một tay cầm cuộn chỉ trắng, tay kia chỉ đỏ và đi đến đâu lấy chỉ cuốn vào các vật trên đường đến đấy. Anh đi từ những ngõ chợ bên dòng sông Tô Lịch hôi hám đến Nhà hát Lớn và Bảo tàng Mỹ thuật. Như nhiều người đoán định, hành vi này biểu tượng cho sự hàn gắn và nối kết; (bản thân anh rất ít tuyên bố về tác phẩm của mình).

Năm 2008, trong một khu vườn thuộc không gian 25Studio ở ven Hồ Tây – do một nhóm nghệ sĩ trẻ ưa thích tìm tòi và phá cách lập ra, Mạnh cùng hai nghệ sĩ khác trình diễn tác phẩm “Đồng CU”. Trong đó, anh vẽ lên người rồi nhập vào các giá ông Hoàng Mười, Cô Bé… nuột như cô đồng chính hiệu. Các nghệ sĩ say sưa với nhạc hát văn, pha trộn nhạc Richard Clayderman và cả nhạc dance vũ trường. Nhảy đồng nhưng có cả đọc thơ ngẫu hứng, rồi múa gươm và dùng… súng nước bắn vào khán giả. Lê Nguyên Mạnh nói: anh say mê không khí của hầu đồng, trong đó có những biểu tượng tâm linh dân dã nằm sâu trong tiềm thức của người Việt, có âm nhạc, có hội họa… Trên cái nền ấy, tại sao lại không gắn thêm vào những biểu hiện sống xuất phát từ tâm thức của ngày hôm nay. Nhiều khán giả có tuổi hôm đó choáng, chỉ sợ cô về phạt các nghệ sĩ, nhưng chẳng thấy gì. Sau buổi trình diễn, Mạnh cười hề hề: Cô thương, cô thương!

Lê Nguyên Mạnh (phải) trong tác phẩm
Lê Nguyên Mạnh (phải) trong tác phẩm "Sự hủy diệt vô hình" Ảnh: Nguyễn Đức Chinh.

Gần đây nhất, Mạnh cũng sơn người trắng, trình diễn cùng với một nghệ sĩ sơn người màu xanh trong tác phẩm “Sự hủy diệt vô hình”. Nhìn hình ảnh con người có lúc giao hòa với máy móc, có lúc lại vật lộn, chống chọi lại chúng trong nền nhạc world music, thật ấn tượng. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có tác phẩm sắp đặt trình diễn sử dụng những máy móc cơ khí lớn thật đắc địa.

LÊ NGUYÊN MẠNH

Sinh năm 1979

Hoạt động nghệ thuật từ năm 2000 với gần 20 triển lãm chung và riêng. Nổi bật là các triển lãm Mỹ thuật toàn quốc; Triển lãm “Khói và Nước” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tham gia các dự án nghệ thuật đương đại như “Ra đường”, “Vào chợ”; Ngẫu hứng múa đương đại tại Viện Goethe (Hà Nội); Triển lãm ảnh “Tôi hòa tan” tại hội đồng Anh, Hà Nội…

Rồi còn tác phẩm “Thời đại công nghệ” (Lê Nguyên Mạnh cùng hai nghệ sĩ khác) trình diễn với máy tính và bàn phím ngay tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật VN (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm trình diễn có mặt ở đây, sau nhiều năm bị chính đa số nghệ sĩ lớp trước dè bỉu, e ngại.

Có thể nói, trong lĩnh vực này, tại Việt Nam, Lê Nguyên Mạnh là một nghệ sĩ tiên phong. Cùng chủ đề này là một tác phẩm với cái tên khá khiêu khích “Trí tuệ rác”, tháng 3-2009, tại “Hanoi Future Art” - Hà Nội. Lê Nguyên Mạnh cùng hai nghệ sĩ, trong đó có một nghệ sĩ Đan Mạch trình diễn kết hợp với video art, trong đó các nghệ sĩ đội tivi nhảy múa giữa… bãi rác.

Chán chim hoa cá gái

Lại nói về kiếm tiền, những nghệ sĩ làm nghệ thuật trình diễn như Lê Nguyên Mạnh không bao giờ nghĩ đến, vì làm tác phẩm loại này chỉ hao tiền mà thôi. Họ làm chỉ vì sự thôi thúc tự thân, mặc kệ người đời trố mắt kinh ngạc. Kể cũng lạ, loại hình nghệ thuật này dù đã xuất hiện tại Việt Nam đến trên 10 năm rồi, nhưng hệ thống nhà trường và các nhà phê bình chính thống vẫn coi nó như đứa con rơi. May là tâm lý dị ứng này cũng đã nhạt bớt, một bằng chứng là Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc do Bộ VH-TT&DL tổ chức cuối năm nay, lần đầu tiên từ phía Nhà nước, đã chấp nhận các tác phẩm nghệ thuật đương đại thể hiện bằng ngôn ngữ mới (trình diễn, sắp đặt, video art, body art…).

Nghệ sĩ trình diễn cứ làm, mặc kệ một số người coi đây là trò vô bổ, hay tệ hơn, họ nghĩ chắc họa sĩ không vẽ được nên mới phải đi kiếm danh bằng công việc kỳ quặc đó. Thật ra, Lê Nguyên Mạnh là một trong những họa sĩ ít ỏi có tay nghề rất cứng, dù hồi học trong trường ĐH Mỹ thuật, anh thuộc loại ngỗ nghịch nhất. Nhiều sinh viên còn nhớ những trò quậy phá nghịch ngợm của Mạnh, dù rằng nói chung sinh viên mỹ thuật đã vốn có tiếng ngang ngạnh. Có lần, cậu sinh viên này còn chặn cả xe của thầy hiệu trưởng, nhưng may, thầy hiệu trưởng cũng là nghệ sĩ nên chẳng trách móc gì. Đúng là thầy nào trò nấy, nhưng như thế mới là nghê thật.

Nhưng vậy thì những nghệ sĩ như Lê Nguyên Mạnh sống bằng gì? Câu trả lời là bán tranh. Dù thị trường thì luôn phập phù và gần đây thì suy thoái nặng. Nhưng những người như Mạnh lại không thể làm nghề gì khác, đặc biệt là nghề dính tới văn phòng. Kết quả là đời sống của họ toàn trong cảnh no dồn đói góp, người ngoài khó mà tưởng tượng được khi nhìn nghệ sĩ như luôn vui vẻ tưng bừng. Khổ nữa là tranh của Mạnh luôn ẩn chứa sự dữ dội, xung đột. Những đứa bé như được lai ghép với xe máy; những đoàn tàu đâm thủng những tòa nhà cao vút tới tận trời; những người đàn bà béo bay lơ lửng cùng những chiếc ô tô… Anh đã từ bỏ lâu rồi những bức tranh vẽ đàn bà đẹp, hoa lá trăng sao mà trong giới hay gọi đùa là “chim hoa cá gái”. Đây là con đường nghệ thuật gian nan vì thị trường vẫn chưa quen với loại tranh đương đại như vậy. Những bức tranh đèm đẹp, những bảng màu nịnh mắt vẫn chiếm ưu thế. Nhưng cũng may là đã có những gallery trong nước và đặc biệt là nước ngoài chú ý đến dòng tranh mà Lê Nguyên Mạnh là một đại diện.

Một tác phẩm mới của Nguyễn Mạnh Hà
Một tác phẩm mới của Lê Nguyên Mạnh.

Lê Nguyên Mạnh trông rất xì tai, anh thường ăn mặc sặc sỡ, đeo vòng sủng soảng, có hồi anh còn đeo khuyên tai khuyên mũi trông rất hiphop, khi bán được tranh anh cũng chẳng ngán lê la quán bar, vũ trường cùng chúng bạn. Nhưng anh xuất thân từ nông thôn chính hiệu. Khác với nhiều người hay tìm cách che dấu nguồn gốc quê mùa hoặc nghèo khó của mình, Mạnh không. Với bạn hữu, anh chẳng dấu điều gì. Học hết lớp 6 thì phải nghỉ, Mạnh đi ở trông con cho người ta. Rồi đi sơn xe, đi kẻ biển quảng cáo kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Và chính cái nghề vẽ quảng cáo này đã khiến anh gặp được người thầy dạy vẽ đầu tiên. Ông dạy ở trường Cao đẳng nghệ thuật Thanh Hóa (thời đó chỉ là trường Trung cấp), nhận ra năng khiếu của cậu nhỏ đen cháy ấy, ông đã khuyến khích gia đình tạo điều kiện cho Mạnh đi học tiếp, và rồi tạo điều kiện cho Mạnh được nhận vào học trong trường. Học xong, Mạnh chưa biết làm gì ở cái đất Thanh Hóa ấy, mấy thầy trò cùng nhau mở hiệu… làm bia mộ. Nhắc đến đoạn đời này, Mạnh vẫn tri ân người thầy đầu tiên của mình, và chính anh cũng ngạc nhiên, tại sao một đứa bé thất học, tưởng sẽ chỉ lớn lên với nghề làm thuê làm mướn lại có thể đường hoàng bước vào trường ĐH Mỹ thuật, trở thành một họa sĩ trẻ có danh phận được giới chuyên môn trong ngoài nước biết đến.

Ngày 21-6 tới đây, Lê Nguyên Mạnh khai mạc triển lãm cá nhân tại Bùi Gallery, một địa chỉ tổ chức triển lãm có quy mô quốc tế. Loạt tranh lần này, anh lấy cảm hứng từ tác phẩm trình diễn “Đồng CU”. Lê Nguyên Mạnh đang đi theo hướng khá độc đáo: Làm nghệ thuật trình diễn, rồi tiếp tục phát triển cảm hứng đó đưa vào tranh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG