Hình như cái chức chủ nhiệm kiêm chủ bút thời ấy, về ngạch hành chính cao hơn chức danh Tổng biên tập bây giờ?
Trên tay tôi đang có một tờ Nam Phong. Tờ Nam Phong số 34 tháng 7/1920 trang bìa cũng như tất thảy 210 số Nam Phong tồn tại suốt 17 năm (1917 - 1934) dưới hai chữ Nam Phong lớn là 6 chữ nhỏ hơn Văn học - Khoa học - Tạp chí.
Dòng nhỏ hơn dưới nữa là trích câu của Roosevelt "Có đồng đẳng mới bình đẳng được" (Il n’y a que ceux qui sont des egaux qui sont egaux). Các dòng dưới nữa Chủ bút kiêm quản lý (Directeur Rédacteur en Chef: Phạm Quỳnh) Mỗi tháng xuất bản một kỳ. Giá mỗi số 0$40 (4 hào tiền Đông Dương). In tại Đông Kinh Ấn Quán, 14-16 Rue du Coton, Hanoi.
Mỗi số bình quân ngót 400 trang so với sức in lẫn sức đọc hồi ấy kể cũng là dày dặn!
Nam Phong số 34 có các bài như thế này 1. Bàn về sự tăng lương cho các viên chức tòng sự chánh phủ Bảo hộ; 2. Sự giáo dục trong gia đình; 3. Một sự thí nghiệm đã nên công; 4. Các việc lớn ở châu Âu từ sau chiến tranh đến giờ; 5. Khảo về lịch sử luân lý học nước Tàu; 6. Văn uyển; 7. Đoản thiên tiểu thuyết; 8. Tập kỷ yếu của Hội Khai trí Tiến Đức.
Phạm Quỳnh là người chủ trương đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng tinh thần văn hoá Tây Âu để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn cái hay của người mà dung hoà với cái hay của mình ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc mà có cơ tiến hoá được. Có lẽ nói về đóng góp của Nam Phong không thể không kể đến nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan
...Trong 17 năm chủ trương Nam Phong Tạp chí, Phạm Quỳnh đã cho xây đắp nền móng quốc văn được vững vàng bằng những bài khảo cứu và bình luận rất công phu mà từ Bắc chí Nam người thức giả đều phải lưu tâm đến. Nhiều người có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong để bồi bổ cho cái sự học còn khiếm khuyết của mình.
Thậm chí có người còn lấy Nam Phong làm sách học cũng thâu thái được ít nhiều tư tưởng học thuật Đông Tây. Muốn hiểu những vấn đề đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng tư tưởng nước Tàu nước Nhật nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý Trần cho đến ngày nay, muốn biết thêm lịch sử nước Nam tiểu thuyết các đấng danh nhân nước nhà muốn am hiểu các vấn đề chính trị xã hội Âu Tây và cả học thuyết của cổ Hy - La chỉ đọc kỹ Nam Phong là có thể hiểu được.
Một người chỉ biết đọc quốc ngữ mà có khiếu thông minh có thể dùng Tạp chí Nam Phong để mở mang học thức của mình. Nam Phong sinh sau Đông Dương tạp chí 4 năm, nhưng sống lâu hơn.Nam Phong tạp chí được rực rỡ như thế bởi có ông chủ bút là một nhà văn học vấn uyên thâm lại có tài lịch duyệt.
Thật thế Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất kỳ một vấn đề gì từ thơ văn cho đến triết lý đến đạo giáo chính trị xã hội không một vấn đề gì ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy.
Không có chi quá đáng nếu đem so Nam Phong với những tạp chí xuất bản ở Pháp trong mấy năm gần đây như Revue de Paris, Grande Revue, Mercu de France, Nouvelle Revue France người ta sẽ thấy những tạp chí này thiên về mặt văn chương, thêm một chút triết học và khoa học, còn không một tạp chí nào lại tham khảo cả về mặt học thuật tư tưởng Đông Tây và chuyên cả việc khảo cứu cùng biên tập thơ văn kim cổ như Nam Phong tạp chí.
Một người có văn tài đứng chủ trương một cơ quan văn học báo chí tức là hồn của cơ quan ấy cũng như Phạm Quỳnh là hồn của Nam Phong vậy (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại. Quyển I, Trang 127. NXB Vĩnh Thịnh Hanoi, 1951).
Chưa hết! Không biết là thời gian chính hay phụ đây để ông tham gia sáng lập và làm Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức tại Hà Nội và làm Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ. Chính cuốn Việt Nam Tự điển do Hội Khai trí Tiến Đức chủ trương cùng 10 người danh tiếng thời ấy biên soạn (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Đỗ Thận).
Phạm Quỳnh khi ấy mới độ tuổi ngoài 20 lại tập hợp được những tên tuổi làm cộng tác viên nhiệt thành cho Nam Phong cũng như Khai trí Tiến Đức như các ông Nguyễn Bá Học (khi đó đã 60 tuổi), Nguyễn Hữu Tiến (43 tuổi), Phạm Duy Tốn (34 tuổi), Tản Đà (trên 30 tuổi)...
Có tài liệu chép một việc Nguyễn Bá Học với Phạm Quỳnh có trao đổi bài vở chi đó với thái độ thành thực thẳng thắn và liên tài. Kết thúc cuộc trao đổi tranh luận hôm ấy, ông già Nguyễn Bá Học có xá Phạm Quỳnh một vái rồi vui vẻ dẫn ra cái câu lão ô bách tuế bất như phượng hoàng sơ sinh (Quạ già trăm tuổi cũng chả bằng giống phượng hoàng mới đẻ).
Về sáng tác, các bài của ông được tập hợp và in thành sách như: Văn minh luận, 3 tháng ở Paris, Văn học nước Pháp, Chính trị nước Pháp, Khảo về tiểu thuyết, Lịch sử thế giới, Lịch sử và học thuyết Voltaire, Phật giáo đại quan, Cái quan niệm của người quân tử trong Đạo Khổng, Bộ Thượng Chi Văn tập gồm 5 quyển (Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi ấn hành năm 1943).
Có lẽ dưới ánh ngày Đổi Mới, những ấn phẩm của Phạm Quỳnh mai kia sẽ được các nhà xuất bản của ta giới thiệu lần lượt với bạn đọc?
Đoạn đắc ý trong cuộc đời Phạm Quỳnh
Tôi đồ rằng cuộc đời Phạm Quỳnh đắc chí nhất là 3 tháng ở nước Pháp mà kết quả là cuốn sách nhà xuất bản Hội Nhà văn mới cho in lại Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh kể chuyện ông đi Pháp từ tháng 5 đến tháng 8/1922.
Mở đầu những dòng hồi ký, Phạm Quỳnh ghi rất giản dị: Tôi được quan Thống sứ Bắc kỳ cử sang Pháp thay mặt cho Hội Khai trí Tiến Đức để dự cuộc đấu xảo Marseille lại được quan toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn của Paris, ngày 9 tháng 3 tây năm 1922 tức là ngày 11 tháng 2 tôi xuống Hải Phòng để đáp tàu sang Pháp...
Có lẽ chỉ với 2 cuốn Mười ngày ở Huế (Nhà xuất bản Văn học in lại năm 2001) và Pháp du hành trình nhật ký những người yêu mến bút ký văn học có thể tìm thấy nhiều điều sở đắc.
Và rất nên nếu như các nhà báo tương lai ở trường báo chí của ta tập làm quen và khảo sát lối viết này qua những công trình khoá luận lẫn luận án tốt nghiệp, sẽ thu hoạch được nhiều điều bổ ích! Đó là lối viết, kiểu viết không phải là rặt ngồn ngộn những chuyện, tóm lại chỉ thấy cây chứ không thấy rừng, chỉ thấy việc chứ không thấy văn.
Chuyện, việc, sự kiện trong ghi chép của Phạm Quỳnh đều có nhưng liều lượng vừa phải, là cái cớ để ông đưa người đọc vào những chiêm nghiệm suy ngẫm lý thú bất ngờ. Lý thú và bất ngờ nữa bởi sức đọc sức nghĩ và sự chiêm nghiệm trên tầm sự kiện của một người viết mới tròm trèm 30 (khi viết những ngày ở Huế và Nam Bộ ông mới 26 tuổi) mà bằng lối văn bằng con chữ của nước Việt đầu thế kỷ XX.
Mà lối văn mà con chữ ấy Phạm Quỳnh là người đang tiên phong rèn giũa cho nền quốc văn của nước nhà! Thời điểm ấy Phạm Quỳnh đang khuyến khích hô hào cỗ võ dưới hình thức này hay hình thức khác hy vọng chữ quốc ngữ sớm trưởng thành và văn chương nước Việt mau phong phú.
Ông bàn về văn minh phương Tây nhân đi coi Bảo tàng Louvre thế này ... Duy cái văn minh Tây phương nó phồn tạp quá các phương diện nhiều quá. Muốn bao quát cho được hết mà thu gồm lấy cái toàn thể toàn bức thật là khó!
Phải có một sức học lớn một trí lự một con mắt khác thường mới có thể xét không sai và đoán không lầm được! Cho nên còn lâu năm nữa cái văn minh Tây phương vẫn còn ngộ hoặc được nhiều người nhiều thời gian mai hậu nữa ... ( Thứ năm ngày 13 tháng 7 năm 1922).
Bây giờ trên một số diễn đàn, người ta đang ầm cả lên rằng có nên dạy chữ Nho cho học sinh trong nhà trường phổ thông hay không? Thiết tưởng cũng nên tham khảo ý kiến non trăm năm trước của Phạm tiên sinh khi ông trình bày thật khúc triết hùng hồn trước Ban lý luận chính trị Viện hàn lâm Pháp với đề tài một vấn đề dân tộc giáo dục:
Nhưng ngặt thay dân An Nam không phải là tờ giấy trắng mà muốn vẽ gì lên cũng được. Tức là một tập giấy đã có sẵn chữ viết từ đời nào đến giờ! Nếu bây giờ viết đè một chữ mới lên trên e thành giấy lộn mất!
Cho nên bây giờ khắp nơi dạy chữ Tây cho người An Nam từ tuổi nhỏ đến lớn như các trường Pháp Việt ngày nay kết quả chỉ làm cho người An Nam mất tính cách An Nam mà chưa chắc đã hoá được Tây hẳn thành ra là một giống lửng lơ thật nguy hiểm.
Muốn tránh sự nguy hiểm ấy chỉ còn cách là dạy cho trẻ con An Nam từ nhỏ bằng tiếng An Nam cho hết bậc tiểu học. Lấy cái phổ thông giáo dục bằng quốc văn làm gốc như thế vừa tiện vừa mau vì không mất thời giờ để học một thứ tiếng ngoại quốc dang dở không đến nơi và cũng không dùng được việc gì.
Học trò đã được bằng tiểu học tốt nghiệp bằng tiếng An Nam rồi bấy giờ mới kén chọn người nào có sức học lên nữa như trung học đại học thời cho vào một trường dự bị chỉ chuyên học tiếng Pháp. Nhưng mà theo cách học tấn tốc như người Pháp học tiếng Anh tiếng Đức nghĩa là học như học tiếng ngoại quốc vậy. Học thế chỉ vài ba năm là có thể thông chữ Pháp đủ theo được các lớp trung học như bây giờ.
Như thế mới khỏi được cái nguy hiểm thành một hạng người dở dang tốt nghiệp trường tiểu học ra chữ Tây không đủ dùng được một việc gì mà cái phổ thông thường thức học bằng chữ Tây cũng còn mập mờ chưa lĩnh hội được, còn tiếng nước nhà thì hầu như quên cả! (Thứ Tư ngày 19 tháng 7 năm 1922).
Vượt lên sự kiện của một buổi tham quan, cái thành thực của Phạm Quỳnh đâm thân gần và có sức lây lan đồng cảm nhiều lắm bởi nó là lời cởi mở rất bạn bè ... Một người thuần cựu học mà xem tranh Tây mà không có cảm gì thì còn có lẽ nhưng đến như mình có sở đắc về Tây học ít nhiều mà không biết thưởng thức cái hay cái đẹp của mỹ thuật phương Tây thì cũng lạ thật?
Có lẽ bởi cái óc tối tăm mà chưa khai quang được chăng? hay bởi con mắt thịt thiếu tia sáng về mỹ thuật? Chẳng hay bởi cớ gì nhưng trông những bức vẽ đàn bà trần truồng thỗn thện thịt bắp vai u thật cũng không hiểu cái tứ của họa sĩ là ra thế nào.
Nghe người ta cắt nghĩa thì cũng chỉ biết vậy, hoặc đọc trong sách thì cũng hiểu tạm vậy, thấy người khen thì cũng gật gù mà khen cho khỏi tiếng dốt chứ kỳ thực cũng chả cảm thấy một chút nào. Có những lúc nghĩ lẩn thẩn có những bức mà họ cho là tuyệt bút kia giá đáng kể hàng muôn hàng triệu tưởng giá có người đem cho mà về treo ở nhà thời cũng chả lấy làm thích vì không hiểu nó là cái chi!
Nhiều khi vẫn lấy làm lạ cái đó là một điều khiếm khuyết trong sự giáo dục của mình... Vì những cái công trình mỹ thuật kia cả một phần thế giới có tiếng là văn minh đều công nhận là tuyệt phẩm là tuyệt tác mà mình tuyệt nhiên chẳng biết cảm phục thời chẳng ngu xuẩn và chẳng dốt lám ru?
Cũng biết thế nhưng không thể nào làm khác được thời thà thú thật là dốt là ngu còn hơn miễn cưỡng mà a dua. Song xét cho cùng thì ra cái tinh thần của đông tây nó khác xa nhau nhiều quá. Có khi tưởng rằng hiểu nhưng xét kỹ ra thực không rõ lắm bởi khác nhau về cái cảm.
Lại có khi miễn cưỡng muốn cảm cho được thì là cái cảm ấy nó lại không thành thực. Cho nên mỗi khi thấy người khen tranh Tây đẹp bài hát Tây hay mình vẫn tự hỏi không biết lời khen ấy có thành thực không nhỉ? Đông tây tuy vậy vẫn còn cách xa!
Chúng ta cũng không nên quên rằng thời gian đó ở Pháp có thiếu gì những thanh niên Việt Nam trí thức chữ nghĩa và bằng cấp cao như Phan Văn Trường, Trần Văn Chương, Nguyễn Khắc Vệ...
Trong khi Phạm Quỳnh chỉ là một ký giả thường tốt nghiệp trung học thế mà dám đứng trước Nghị viện Pháp đặt vấn đề người Pháp phải tôn trọng chủ quyền và truyền thống văn hoá Việt Nam! Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng.
Chúng tôi là một quyển sách dầy đầy những chữ viết bằng thứ mực không phai đã hàng mấy mươi thế kỷ. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ.
Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống, không còn quốc tính để biến thành một dân tộc vô hồn không còn tinh thần đặc sắc gì nữa như mấy thuộc địa cũ của Pháp...
Thiển nghĩ phải có tài phải tự tin và nhất là phải có lòng! Tại Paris ông đăng đàn tới 4 lần sâu sắc hấp dẫn có nhiều tiếng vang được nhiều tờ báo lớn uy tín ở Paris... đã đăng lại các bài diễn thuyết hoặc phỏng vấn.