Văn xuôi “ẵm” giải thưởng danh giá:

Mùa rực rỡ, mùa lãng quên…

TP - Nhắc đến mùa văn xuôi Việt rực rỡ, nhiều người nhớ đến mùa giải năm 1991. Năm ấy, có 3 tác phẩm văn xuôi được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh: Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Nỗi buồn chiến tranh. 33 năm đã trôi qua, ba cuốn tiểu thuyết vẫn sống mãnh liệt, trở thành những tác phẩm “ruột” làm nên tên tuổi của Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh.

Tinh mắt như các nhà làm phim?

Nhà văn Dương Hướng tiết lộ, Bến không chồng đã được tái bản khoảng 15 lần. Tác phẩm này còn lọt mắt xanh của các nhà làm phim Việt Nam. Năm 2001, Bến không chồng lên màn ảnh rộng, kịch bản chuyển thể bởi Lưu Trọng Văn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện. Trong phim điện ảnh Bến không chồng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh kiêm luôn vai chính cùng dàn diễn viên tên tuổi như Như Quỳnh, Minh Châu, Trần Tiến, Văn Hiệp, Thúy Hà…

Bộ phim về đề tài người lính thời hậu chiến để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức khán giả Việt, cũng là một “đứa con tinh thần” thành công của Lưu Trọng Ninh. 16 năm sau, năm 2017, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cùng với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh lại tiếp tục sáng tạo với Bến không chồng. Thương nhớ ở ai là một trong những phim truyền hình ăn khách nhất 2017, chỉ sau Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng. Nó cũng tạo nên tranh luận sôi nổi quanh việc các diễn viên nữ trong phim đều mặc áo yếm, không có nội y.

Mùa rực rỡ, mùa lãng quên… ảnh 1

Cảnh làng quê trong phim Thương nhớ ở ai, dựa theo tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng.

Không chỉ có Bến không chồng lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim Việt, Mảnh đất lắm người nhiều ma cũng lên màn ảnh nhỏ thành bộ phim truyền hình Đất và người, phát sóng lần đầu năm 2002. Với tài đạo diễn của Nguyễn Hữu Phần và Phạm Thanh Phong, khả năng biên kịch của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và nhà văn Khuất Quang Thụy, Đất và người đến nay vẫn được nhắc đến như một trong những bộ phim truyền hình thành công về đề tài nông thôn và tính cách nông dân Việt Nam.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng được nhiều đạo diễn trong và ngoài nước để mắt, nhưng theo lời của nhà văn Bảo Ninh cũng chỉ là “bàn luận thế thôi” chứ chưa ký kết. Nhưng tác phẩm này đã mang đến cho nhà văn Bảo Ninh rất nhiều niềm vui, ngoài giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Tác phẩm được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới và “ẵm” nhiều giải thưởng quốc tế. Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa đánh giá, Nỗi buồn chiến tranh là “tầm cao của văn học chiến tranh Phương Đông”, là “một sáng tác hiếm có của châu Á trong văn học thế giới”. Phải chăng vì tác phẩm được công kênh nhiều năm liên tục khiến nhà văn Bảo Ninh sau Nỗi buồn chiến tranh ngại thai nghén tiểu thuyết khác?

Mùa rực rỡ, mùa lãng quên… ảnh 2

Cảnh trong phim Đất và người, dựa theo tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma

Những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh sống trong lòng người đọc ngoài Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma còn rất nhiều cuốn khác. Có người thích Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, tác phẩm “ẵm” giải B, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Có người lại thích Thời xa vắng đạt giải A, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990… Độc giả Thanh Lan (37 tuổi, Hà Nội) cho rằng: “Các nhà làm phim Việt Nam lựa chọn tác phẩm để đưa lên màn ảnh trùng hợp với gu của độc giả. Không phải tác phẩm nào ẵm giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cũng lên màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ. Đa phần tác phẩm lên màn ảnh đều là tác phẩm đi vào lòng người đọc. Thí dụ, phim truyền hình Mùa lá rụng của đạo diễn, NSƯT Quốc Trọng được phóng tác từ hai tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng: Mùa lá rụng trong vườn và Đám cưới không có giấy giá thú. Phim điện ảnh Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh dựa trên hai tác phẩm của nhà văn Lê Lựu là Thời xa vắng và Bến sông…”.

Chỉ là “so bó đũa, chọn cột cờ”?

Lính trận là tiểu thuyết mang lại cho nhà văn Trung Trung Đỉnh giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và Giải thưởng văn học ASEAN 2012. Nhưng nhiều độc giả lại không nhớ đến đứa con lấp lánh hào quang giải thưởng của ông, họ chỉ nhớ đến Ngõ lỗ thủng hoặc tác phẩm đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2000) Lạc rừng. Phải chăng do Ngõ lỗ thủng đã được lên phim, còn Lính trận chưa được các nhà làm phim quan tâm nên độ phủ sóng với công chúng chưa rộng?

Độc giả Minh Hòa, Hà Nội nói: “Lính trận khó đọc, những người có chuyên môn văn chương hay người từng kinh qua trận mạc chắc sẽ thích. Ngõ lỗ thủng phổ thông hơn, thậm chí có cả gia vị sex, đọc thú vị hẳn. Giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam 2010 còn một cuốn nữa cũng ít được độc giả nhớ là Minh sư của nhà văn Thái Bá Lợi. Năm 2011, tiểu thuyết được vinh danh là Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, đến bây giờ tôi vẫn muốn đọc lại”.

Một người siêng đọc sách giấu tên lại chỉ ra, mùa giải văn chương 2019 còn được nhiều người gọi là mùa giải văn học đặc biệt vì 3 tác giả ẵm giải đều lâm trọng bệnh. Nhưng số phận của các tác phẩm lại khác nhau. Thí dụ, tập thơ Bay trong mơ của Trần Quang Đạo hay Nguồn của Trần Quang Quý đến nay vẫn còn có người nhắc đến, nhưng tập truyện ngắn Quán thủy thần của Nguyễn Hải Yến thì trôi tuột vào lãng quên.

Mùa rực rỡ, mùa lãng quên… ảnh 3

Bìa Nỗi buồn chiến tranh tiếng Hàn

Tiêu chí để trao giải thưởng văn chương không theo “gu” của số đông độc giả. Nên việc nhớ hay quên của độc giả cũng chưa chắc đã phản ánh chất lượng văn chương. Tuy nhiên, ngay cả các nhà phê bình văn học hay nhà văn cũng đều thừa nhận, tác phẩm ẵm giải văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam có sức sống bền lâu càng ngày càng “hiếm có khó tìm”.

Mùa rực rỡ, mùa lãng quên… ảnh 4

Cảnh phim Đất và người

Mùa rực rỡ, mùa lãng quên… ảnh 5

Cảnh phim Thương nhớ ở ai


Nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Giải văn chương hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam chỉ là so bó đũa chọn cột cờ trong năm ấy. Cho nên, năm sau trôi tuột cũng không lấy gì làm lạ”. Ông nói về mùa giải văn xuôi rực rỡ năm 1991: “Có nhà phê bình nhận định mùa văn xuôi như thế có khi 10 năm, 20 năm mới lặp lại. Không dễ có”. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo tán đồng ý kiến của nhà văn Dương Hướng. Ông cho rằng, tác phẩm được vinh danh trôi vào quên lãng là… sự bình thường. Nhà phê bình nhìn nhận: “Tác phẩm hay chẳng theo quy luật nào cả. Nó như cây mọc dại. Trong hệ sinh thái văn chương có những thứ thành cổ điển mà chẳng ai trồng, ai nuôi”.

Một độc giả cho biết, chị không có thói quen đổ xô đi tìm những cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn được vinh danh để đọc. Cho nên, năm 2012, tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ được vinh danh, nhưng chị lại khoái tiểu thuyết Trò chơi huỷ diệt cảm xúc của Y Ban, dù tác phẩm này chỉ nhận bằng khen. Sau đó, nữ nhà văn đã gửi thư ngỏ từ chối bằng khen dành cho mình.

Có những tác giả ẵm giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam lại bị độc giả không ưa vì những lí do bất ngờ. Thí dụ, Ngôi nhà bên suối là tập truyện ngắn được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2008 và Giải thưởng văn học ASEAN 2009 của nhà văn Cao Duy Sơn lại không được lòng. Một độc giả xin giấu tên ở Hà Nội nói: “Cao Duy Sơn hay viết về lũng Cô Sầu. Tôi thấy nhà văn nào cứ hay viết về một địa danh nào đó dù có thật hay bịa thì vẫn tạo cảm giác bắt chước Marquez, khi ông viết về ngôi làng không có thực tên là Macondo trong Trăm năm cô đơn”.