Khi rắn, gián, chim... đại náo máy bay

Khi rắn, gián, chim... đại náo máy bay
TP - Vụ phát hiện rắn độc tại toa xe khách số 1 trên tàu Thống Nhất, khiến hành khách hoảng loạn mới đây không phải là hy hữu. Ngay trên máy bay cũng có những “hành khách” bất đắc dĩ: rắn, chuột bạch, bọ cạp, gián, chim... khiến người đi máy bay không ít phen hú vía.
Một máy bay bị chim bâu kín khi cất cánh (Ảnh minh họa) Ảnh: ABC news.com
Một máy bay bị chim bâu kín khi cất cánh (Ảnh minh họa) Ảnh: ABC news.com.

Rắn đóng giả lươn

Những người trên chuyến tàu SE8 có hành trình TP HCM - Hà Nội, ngày 26-5 được phen hú vía, khi biết chuyện: Khoảng 21 giờ ngày 26-5, những người có trách nhiệm trên tàu đã phát hiện hành khách tại toa xe khách số 1 (số ghế 16-18) mang 1 va ly, 2 ba lô chứa rắn hổ mang và các loại rắn khác. Ngay sau khi bị phát hiện, chủ lô hàng nguy hiểm đã bỏ của chạy lấy người. Số rắn này sau đó được chuyển xuống ga Quảng Ngãi để bàn giao cho cơ quan chức năng.

Cách đây khá lâu, hành khách trên một chuyến bay của một hãng hàng không của Việt Nam đã tá hỏa khi mở cửa phòng vệ sinh trên máy bay phát hiện một chú rắn đang loe ngoe. Ngay lập tức, phòng vệ sinh bị phong tỏa kín mít. Sau khi máy bay hạ cánh, hãng vận chuyển đã đau đầu để tìm cách đối phó với con rắn này. Nhiều phương án được đưa ra, như phun khí độc hoặc thuê người bắt rắn. Cuối cùng chọn phương án thuê người bắt rắn vì phun khí độc sẽ ảnh hưởng hành khách. Sau này, những người có trách nhiệm của hãng bay đó điều tra và phát hiện rắn sổ lồng từ hầm hàng trên máy bay. Hầm hàng có lối thông lên phòng vệ sinh. Một cán bộ sân bay Nội Bài tiết lộ: Thông thường, dân buôn lậu qua mặt các nhà chức trách bằng cách khai báo thùng hàng chứa lươn, cá tươi nhưng thực tế lại là rắn. Bởi vì khi soi chiếu an ninh, lươn hay rắn rất khó phân biệt.

Những vị khách đặc biệt

Một quan chức hàng không cho biết, máy bay là nơi khu trú của nhiều loại gián. Khủng khiếp nhất là giống gián Đức sinh sản nhanh và khó diệt bằng các loại hóa chất thông thường. Vị trí gián thường trú ngụ nhất là các hốc chứa thực phẩm và hầm hàng máy bay. Hiện theo quy định, các hãng hàng không phải phun diệt định kỳ. Ví dụ Vietnam Airlines (VNA) phun diệt côn trùng 3 tháng/ một lần. Tuy xử lý định kỳ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể diệt hết. Có cán bộ hàng không kể, nhiều lần đưa máy bay về hãng sản xuất bảo dưỡng, sửa chữa; mỗi lần phun hóa chất, gián từ các ngõ ngách máy bay ào ào chạy ra. Chiều 1-6, một quan chức VNA cho biết, theo quy định mới, tới đây quy trình phun diệt côn trùng trên máy bay rút ngắn xuống 2 tháng/lần. Vị này không tiết lộ chi phí chi cho mỗi lần diệt côn trùng kiểu này là bao nhiêu.

Nhiều chuyến bay của VNA từng ghi nhận các trường hợp bọ cạp, chuột bạch xuất hiện trên khoang hành khách. Tuy nhiên, hãng bay đã xử lý kịp thời nên chưa gây hậu quả. Có một trường hợp khác nguy hiểm nhưng hành khách ít biết: Chim trời va vào máy bay. Thường xuất hiện khi cất, hạ cánh. Một phi công VNA cho biết: “Chim trời trông tưởng mong manh so với chiếc máy bay khổng lồ, nhưng khi máy bay lao với vận tốc lớn, cộng thêm tốc độ chim bay có thể gây nên cú va đập khủng khiếp”. Có những trường hợp, khi máy bay hạ cánh, phi công phát hiện một con chim cháy đen (do bay ở độ cao trên 10.000m, độ lạnh âm hàng chục độ) đang cứng đơ giắt mỏ đầu mũi máy bay. Sợ nhất là chim va vào càng máy bay gây hỏng bộ phận cảm biến (khiến không thể nâng, hạ càng khi cất, hạ cánh), hoặc chim va vào động cơ có thể gây ngừng hoạt động. Ở nhiều sân bay lớn, nhà chức trách sân bay tìm đủ các biện pháp để xua chim trời như dùng quả nổ, cắt cỏ..., nhưng hiệu quả chưa cao. Được biết, trước vấn nạn chim trời gây nguy hiểm cho máy bay, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) từng có ý định lập dự án xua đuổi chim ở các sân bay, nhưng chưa thực hiện được.

Chiều 1-6, Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội Huỳnh Cường cho biết vừa ký quyết định khen thưởng Trưởng tàu S8 Nguyễn Mạnh Hùng và tổ bảo vệ công tác trên tàu vì đã phát hiện gần nửa tạ rắn vận chuyển lậu trên tàu (ngày 26-5). Ông Cường nói: “Theo quy định, động vật sống không được vận chuyển bằng toa chở khách. Ngay cả những con vật cưng như chó, mèo... cũng bị từ chối vận chuyển trên toa xe khách, vì chúng có thể gây nguy hiểm. Thay vào đó, hành khách chỉ có thể gửi động vật sống theo diện hành lý ký gửi ở toa hành lý. Trường hợp vận chuyển rắn hổ mang còn vi phạm luật, sẽ bị lập biên bản và giao cho cơ quan chức năng ở ga gần nhất xử lý”.

Mang động vật trái phép lên máy bay bị phạt 10 triệu đồng

Ngày 1-6, trao đổi với PV Tiền Phong về việc động vật sống vận chuyển qua đường hàng không, Phó phòng An ninh Hàng không (Cục HKVN) Tô Tử Hùng cho biết: Theo quy định chung, động vật sống phải qua máy soi chiếu an ninh, trường hợp quá khổ (không lọt qua máy soi chiếu-PV) thì phải kiểm tra trực quan. Việc mang con vật cưng như chó, mèo... theo diện hành lý xách tay lên máy bay là không được phép. Trường hợp những con vật trên chạy toán loạn trên khoang máy bay có thể bị xem như uy hiếp an toàn bay. “Hãng Hàng không không thực hiện đúng quy tắc vận chuyển hàng hóa có thể bị phạt tới 10 triệu đồng. Hành khách mang vật nguy hiểm lên máy bay trái quy định; cố tình lờ mang vật cưng lên máy bay cũng bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng”, ông Hùng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lý do Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, không quá 20%
Lý do Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, không quá 20%
TPO - Quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra tại dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh  trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang nhận được sự quan tâm của các trường và phụ huynh, học sinh.