Tổng thống Mỹ Barack Obama ôm nữ y tá gốc Việt vừa hồi phục sau khi bị Ebola tại Nhà Trắng hôm 24/10. Ảnh: Reuters
“Tôi cảm thấy may mắn và được ơn trên phù hộ khi được đứng đây hôm nay. Xuyên suốt thử thách này, tôi đã đặt lòng tin vào Chúa và đội ngũ y tế chăm sóc tôi”, CNN dẫn lời Nina Pham phát biểu hôm 24/10.
Cũng vào hôm 24/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp gỡ Pham ở Nhà Trắng và đã ôm cô thật chặt, theo CNN.
Phát biểu trước báo giới tại một bệnh viện ở bang Maryland, nữ y tá gốc Việt cảm ơn mọi người trên khắp thế giới đã cầu nguyện cho cô.
Cô cũng cảm ơn Kent Brantly, vị bác sĩ người Mỹ sống sót khỏi Ebola, đã hiến huyết thanh cho cô, nhưng cũng nói thêm rằng cô vẫn chưa bình phục hoàn toàn.
“Mặc dù tôi không còn bị Ebola, nhưng tôi biết sẽ phải mất một thời gian để lấy lại được sức khỏe của mình. Vì thế với lòng biết ơn và tôn trọng sự quan tâm của mọi người, tôi xin mọi người tôn trọng sự riêng tư của tôi và của gia đình tôi khi tôi về lại Texas và cố quay trở lại cuộc sống bình thường và gặp lại con chó của tôi, Bentley”, Pham phát biểu.
Bentley hiện vẫn đang bị cách ly để theo dõi cho đến cuối tháng 10, nhưng Pham “sẽ có thể đến thăm, ôm và chơi với nó vào ngày mai”, Thẩm phán Dallas Clay Jenkins cho biết hôm 24/10.
Pham là bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên ngay trên đất Mỹ và vụ việc phát sinh do một “lỗ hổng về quy trình” chưa xác định được trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan khi bệnh nhân Ebola này quay trở lại bệnh viện lần thứ 2, theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Ông Duncan đến từ Liberia - một quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành - sang Dallas vào hôm 20/9 để thăm gia đình và mắc bệnh vài ngày sau đó. Ông được đưa đến bệnh viện cách ly kể từ ngày 28/9 và tử vong vào hôm 8/10.
Các quan chức y tế địa phương cho biết Pham bị sốt nhẹ vào tối hôm 10/10 (giờ địa phương) và đã tự lái xe đi cấp cứu tại bệnh viện mình đang làm việc. Cô được cách ly 90 phút sau đó.