Tân nữ lãnh đạo 59 tuổi của Hong Kong là ai?

Ông Tập Cận Bình và bà Carrie Lam tại lễ nhậm chức Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong ngày 1/7. Ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình và bà Carrie Lam tại lễ nhậm chức Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong ngày 1/7. Ảnh: SCMP.
Bà Carrie Lam nhậm chức trong bối cảnh Hong Kong đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị và bất bình đẳng kinh tế.

Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), 59 tuổi, sáng nay nhậm chức trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đặc khu này sau 20 năm được trao trả cho Trung Quốc. Bà Lam được cho là sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức trong nỗ lực xây dựng sự đồng thuận và "khôi phục niềm tin và hy vọng" ở Hong Kong vốn đang ngày càng bị chia rẽ.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, bà Lam nổi lên như ứng viên sáng giá nhất vì nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Bắc Kinh, theo BBC.

Khi bà từ chức phó trưởng đặc khu hành chính Hong Kong để chuẩn bị ra tranh cử, bà đã nhanh chóng được Bắc Kinh phê chuẩn. Trong khi đó, đối thủ của bà, ông Tăng Tuấn Hoa, mất tới hơn một tháng mới được lãnh đạo Trung Quốc thông qua việc từ chức Vụ trưởng Tài chính.

Hong Kong không chọn trưởng đặc khu thông qua bỏ phiếu phổ thông mà một ủy ban bầu cử gồm 1.200 cử tri, chủ yếu là những người thân Bắc Kinh, chọn ra người lãnh đạo cho đặc khu này. Kết quả, bà Lam giành được 777 phiếu bầu và ông Tăng Tuấn Hoa được 365 phiếu.

"Hong Kong, ngôi nhà của chúng ta, đang bị chia rẽ nghiêm trọng và đã tích tụ rất nhiều thất vọng, ưu tiên của tôi là hàn gắn sự chia rẽ", bà Lam phát biểu trong diễn văn chiến thắng.

Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em với cha mẹ là người Thượng Hải nhập cư, bà Lam từng theo học ngành xã hội học tại Đại học Hong Kong, theo Channel News Asia.

Khi còn là sinh viên trong thập niên 1970, bà Lam cũng là một nhà hoạt động. Một bức ảnh đăng trên tờ SCMP cho thấy bà đang tuần hành phản đối việc trục xuất 4 sinh viên "cánh tả".

Bà sau đó làm việc cho chính quyền. Từ một công chức bình thường, bà Lam dần thăng tiến lên làm cấp phó cho ông Lương Chấn Anh, cựu trưởng đặc khu được Bắc Kinh ủng hộ.

Năm 2007, bà trực tiếp đứng ra đối thoại với người biểu tình phản đối việc dỡ bỏ một cầu cảng lịch sử có từ thời thuộc địa Anh. Cầu cảng này sau đó đã bị tháo dỡ.

Trong cuộc khủng hoảng biểu tình của sinh viên Hong Kong năm 2014, bà đã gặp gỡ đại diện của phong trào này để bàn về cải cách chính trị. Phong trào sinh viên sau đó không thành công trong việc đòi bầu cử tự do hoàn toàn cho Hong Kong.

Bà Lam ủng hộ lập trường không nhượng bộ của Bắc Kinh trước những yêu cầu về một cuộc bầu cử độc lập nhằm chọn ra người lãnh đạo Hong Kong. Bắc Kinh cho phép người dân Hong Kong chỉ được lựa chọn lãnh đạo của họ từ những ứng viên đã được phê duyệt trước.

Trước sức ép biểu tình của một bộ phận người dân Hong Kong kêu gọi tách thành phố này khỏi Trung Quốc, bà Lam tuyên bố cứng rắn không có chuyện để Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc.

Hàn gắn rạn nứt

Bà Lam đã từ bỏ kế hoạch sang Anh sống cùng chồng, giáo sư về hưu Lam Siu Por, để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Hong Kong.

"Chồng tôi đã hy sinh cho tôi quá nhiều. Xin lỗi anh, anh sẽ phải tiếp tục hy sinh thêm nữa", bà Lam nói về người đàn ông đã chung sống với bà 32 năm. Hai người có hai con trai trưởng thành.

Trước công chúng, tân trưởng đặc khu tập trung xây dựng hình ảnh một chính trị gia thấu hiểu những vấn đề mà người dân đang phải đối mặt thông qua các chính sách tập trung giải quyết chênh lệch giàu nghèo và nhà ở.

Nhưng trên thực tế, bà Lam gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh một lãnh đạo gần dân. Khi sử dụng hệ thống tàu điện ngầm trong đợt tranh cử, bà tỏ ra lúng túng không biết cách cà thẻ từ để mở barrier vào bến.

Tân nữ lãnh đạo 59 tuổi của Hong Kong là ai? ảnh 1 Người biểu tình giơ những tấm biển in hình bà Carrie Lam ngày 5/2. Ảnh: AP.

Sau khi nhậm chức, ngoài ưu tiên hàng đầu là hàn gắn những rạn nứt nghiêm trọng trong xã hội Hong Kong, bà Lam sẽ nỗ lực "tăng cường mối quan hệ giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục".

Bà Lam cũng cam kết sẽ hiện thực hóa những lời hứa mà bà đưa ra trong quá trình tranh cử, bao gồm thuế lợi nhuận "hai cấp", giảm thuế để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, giải quyết vấn đề giá nhà tăng cao thông qua tăng nguồn cung đất, và tăng ngân sách cho giáo dục. Bà cũng hứa bảo vệ chế độ pháp quyền và tự do ngôn luận, coi đó như một phần không thể tách rời trong sự thịnh vượng của Hong Kong.

Về giáo dục, bà Lam muốn đưa đưa vào chương trình học ngay từ cấp mẫu giáo những bài học về lòng yêu nước và bản sắc của người Trung Quốc.

"Hong Kong cần lối tư duy mới", bà tuyên bố.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG