Phe biểu tình phong tỏa Bangkok

Biểu tình ở Thái Lan
Biểu tình ở Thái Lan
TP - Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ phong tỏa nhiều tuyến đường dẫn tới công sở, khu thương mại chủ chốt ở thủ đô Bangkok ngày 13/1, nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, phá hỏng cuộc bầu cử ngày 2/2.

Phe biểu tình đối lập thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân chặn hàng loạt ngã tư trọng yếu trên khắp thành phố, ngăn cản người đi lại, kể cả vào một số khu trung tâm mua sắm náo nhiệt nhất Bangkok.

Nhiều người đã chọn cách đi xe buýt hoặc xe điện để đi làm, trong khi số khác đi phà theo con kênh cắt ngang thành phố. Một số cơ quan quyết định cho nhân viên nghỉ ở nhà.

Quan chức Bangkok cho biết, 140 trường học đóng cửa, các trường đại học gần các điểm biểu tình cho sinh viên nghỉ.

Theo báo Thái Lan Bangkok Post, tình hình ở các tuyến giao thông chính vẫn khá êm ả, do nhiều người quyết định ở nhà để tránh rắc rối. Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự ra lệnh cấm xe cộ mang theo các vật dụng như cát, xi măng, bao tải, tre, loa phóng thanh cỡ lớn… có thể được phe biểu tình sử dụng. Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Chadchat Sittipunt yêu cầu phe biểu tình không bắt vận tải hàng không làm con tin.

Chính phủ Thái Lan triển khai 10.000 cảnh sát để đảm bảo trật tự và 8.000 binh sĩ bảo vệ các cơ quan chính phủ. Theo báo Mỹ Wall Street Journal, không có dấu hiệu chính phủ Thái Lan chuẩn bị dùng vũ lực đương đầu phe biểu tình.

Chính phủ Thái Lan tuyên bố vẫn chưa phải sử dụng luật tình trạng khẩn cấp ở Bangkok. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nói cần nhổ tận gốc tình trạng chính trị tham nhũng, mua bán phiếu bầu hiện nay trước khi tiến hành bầu cử. Ông Suthep tuyên bố từ chối mọi thương lượng hay thỏa hiệp. “Hoặc chúng ta chiến thắng hoặc là thua trong trận chiến này. Không có chuyện rút lui”, ông Suthep nói.

Phe áo đỏ ủng hộ bà Yingluck và đảng Pheu Thai tránh đối đầu trực tiếp phe biểu tình. Họ lên kế hoạch tập hợp ở ngoại ô Bangkok và các tỉnh lân cận, biểu dương lực lượng ủng hộ cuộc bầu cử hứa hẹn đảng cầm quyền sẽ lại thắng lớn.

Ngày 12/1, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đề nghị hoãn bầu cử do tình hình phức tạp. Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul yêu cầu Ủy ban Bầu cử đảm bảo cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 vẫn diễn ra bình thường. Nhưng ngày 13/1, bà Yingluck họp nội các để bàn bạc và mời các thủ lĩnh biểu tình, đảng phái chính trị để thảo luận khả năng hoãn bầu cử.

Tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, vẫn bác bỏ khả năng đảo chính. Trong khi đó, nhà chính trị học Thitinan Pongsudhirak nhận định trên báo The Guardian (Anh) ngày 13/1 rằng, can thiệp quân sự rất có thể xảy ra trong những ngày tới, vì sự bế tắc lên tới đỉnh điểm không thể chịu nổi. Một quan chức cao cấp Thái Lan nói với báo Le Monde (Pháp): “Quân đội đã sẵn sàng chờ lệnh”.

MỚI - NÓNG