Ai đẩy nước Mỹ vào khủng hoảng?

Ai đẩy nước Mỹ vào khủng hoảng?
TP - Theo nhiều báo phương Tây, thế lực đứng sau sự cố chính phủ Mỹ phải đóng cửa, khiến nước Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ và làm chính trường Mỹ chao đảo là một nhóm chính trị mang tên đảng Trà.

> Cuộc quyết đấu bên miệng vực
> Chính phủ đóng cửa, Tổng thống Obama không chơi golf
> Mỹ có thể vỡ nợ vì cuộc chiến ngân sách

Dân Mỹ biểu tình phản đối tình trạng chính phủ đóng cửa khiến họ thất nghiệp. Ảnh: Suntimes
Dân Mỹ biểu tình phản đối tình trạng chính phủ đóng cửa khiến họ thất nghiệp. Ảnh: Suntimes.

Theo hai nhà chính trị học Mỹ, Theda Skocpol và Vanessa Williamson, thành viên đảng Trà là những người da trắng trạc tuổi 50, có học thức và tài sản lớn hơn phần lớn dân chúng Mỹ. Họ cảm thấy bất bình khi phải rút hầu bao chi trả cho một nước Mỹ trẻ trung, một thế giới lai tạp và toàn cầu hóa mà họ không được thừa nhận. Nhiều phụ nữ tham gia đảng Trà, trong đó có cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống từng tham gia liên danh tranh cử với ông John McCain.

Đó là những thế lực quyết liệt chống lại kế hoạch của Tổng thống Barack Obama muốn tăng thuế đánh vào những người có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên, đồng thời muốn thâm nhập sâu vào đời sống chính trị nước Mỹ.

Giai đoạn 2009-2011, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu gia nhập đảng Trà với hơn 1.000 tổ chức được thành lập. Yêu sách của họ tập trung vào 3 trục chính: Chương trình cải cách hệ thống y tế Obamacare, thâm hụt ngân sách liên bang và thao túng giới tinh hoa tại Washington. Đảng Trà chiến đấu đòi giảm thuế, giảm chi tiêu công và một vị thế biệt lập hơn của Mỹ trong chính sách đối ngoại.

Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số vừa đột ngột hủy kế hoạch đệ trình đề xuất sửa đổi ngân sách, buộc Thượng viện phải nối lại đàm phán. Mỹ đang tiến gần hơn tới thời khắc nguy hiểm khi thời hạn chót để nâng trần nợ công chỉ còn được tính bằng giờ.

Các ứng viên đảng Trà đã gặt hái thành công trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2010. Khoảng 50 người trúng cử vào Quốc hội và trở thành nhóm bảo thủ nhất trong phe Cộng hòa.

Theo một cuộc điều tra hồi tháng 4/2010 do New York Times và CBS News thực hiện, 18% người Mỹ ủng hộ đảng Trà. Tuy nhiên, sức sống của phong trào này suy giảm trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Obama và sự tái đắc cử nhiệm kỳ hai của ông tháng 11/2012 là một thất bại đối với đảng Trà và chương trình hành động của họ.

Tổng thống Obama tiến hành chiến dịch tranh cử dựa trên Obamacare và quan điểm củng cố quyền lực dựa trên sự điều hành của nhà nước đã đánh bại đối thủ Cộng hòa Mitt Romney. Ông Obama giành chiến thắng trong cuộc tranh luận về thuế đã đặt dấu chấm hết cho những đặc quyền về thuế đối với nhóm người giàu nhất nước Mỹ.

Bởi thế, các mạng lưới tài chính quyền lực đã huy động những người thù hận ông Obama ra sức ngăn trở triển khai Obamacare nhằm hủy hoại nhiệm kỳ tổng thống của ông, nhiều báo Mỹ nhận định. Sự hận thù bắt nguồn không chỉ vì chính sách thuế mà còn vì ông Obama là người Mỹ gốc Phi.

Vũ khí của đảng Trà

Nhưng tại sao chỉ một nhóm nhỏ như đảng Trà lại có thể thao túng phe Cộng hòa và khuynh loát chính trường Mỹ? Theo một số báo, hãng tin Mỹ, Anh như The Washington Post, Bloomberg, The Guardian, nhóm nghị sĩ cực đoan nọ đã buộc đe dọa các thành viên đảng Cộng hòa, kể cả Chủ tịch Hạ viện John Boehner, rằng sự nghiệp chính trị của họ sẽ tiêu tan nếu dám đương đầu với đảng Trà. Sự ích kỷ và cực đoan của đảng Trà khiến tờ Los Angeles Times giật tít “Đảng Trà muốn đưa nước Mỹ trở lại thế kỷ 18”.

Hai nhật báo hàng đầu của Pháp là Le Monde và Libération cho rằng, đảng Trà đã nắm thóp tất cả chuyện bầu bán của những nghị sĩ Cộng hòa. Sức mạnh cũng như sự quyết liệt không khoan nhượng của đảng này dựa trên nền tảng tài chính hùng mạnh và ảnh hưởng lớn trong các cuộc bầu cử.

Theo hai báo Pháp, không một ứng viên Cộng hòa nào có thể hy vọng trúng cử mà thiếu sự ủng hộ của họ. Libération còn bình luận, sở dĩ đảng Trà có khả năng khuynh loát chính trường Mỹ đến thế là bởi nhóm này đã “gí súng vào thái dương” tất cả nghị sĩ Cộng hòa.

Đã có hơn 100 nghị sĩ phe Cộng hòa ôn hòa muốn thỏa hiệp, ủng hộ mở cửa chính phủ trở lại, nhưng đảng Trà vẫn quyết nói không sau hơn 10 ngày chính phủ Mỹ đóng cửa. Theo báo chí phương Tây, sự cố chấp và cực đoan cũng khiến đảng Trà tự treo thanh kiếm Damocles trên đầu mình cũng như đảng Cộng hòa. Phần lớn dân chúng Mỹ không tin tưởng đảng Trà, không tán đồng những giải pháp bảo thủ.

Theo nhiều nhà phân tích, người dân Mỹ đã nổi giận và rất có thể họ sẽ thể hiện thái độ bất bình của mình qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014 (bầu lại toàn bộ 435 nghị sĩ tại Hạ viện, 1/3 Thượng viện và 1/3 các thống đốc bang).

Đặng Vương Hạnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khu dự trữ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm rộng hơn 19.000ha của Huế nằm ở đâu?
Khu dự trữ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm rộng hơn 19.000ha của Huế nằm ở đâu?
TPO - Khu dự trữ thiên nhiên Sao La nằm ở Trung Trường Sơn, thuộc 2 huyện A Lưới và Phú Lộc (khu vực huyện Nam Đông cũ) của TP. Huế, với chức năng phòng hộ đầu nguồn sông Hương và sông Bồ; bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là quần thể Sao La và hai loài mang lớn, mang Trường Sơn…