Bài học phản chủ cay đắng

Bài học phản chủ cay đắng
TP - Những kẻ khủng bố ở Syria thực sự hoạt động ra sao? Viễn cảnh nào đang chờ đợi Syria và tổng thống nước này?

> Thủ tướng Syria đào tẩu sang phe đối lập

Các chiến binh thánh chiến Syria Ảnh: Getty Images
Các chiến binh thánh chiến Syria Ảnh: Getty Images.

Suốt 16 tháng qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad buộc tội “những kẻ khủng bố được bên ngoài trợ giúp” tạo nên cuộc nổi loạn đe dọa lật đổ ông.

Đó là chiêu trò cũ mà ông đã sử dụng 11 năm trước đây, dù dưới dạng tinh vi hơn, khi ông nhắc tới những kẻ đằng sau cái gọi là Mùa xuân Damacus hay “mật vụ hoạt động thay cho thế lực bên ngoài” - và nghe có vẻ giống nỗ lực của Đại tá Moammar Gaddafi nhằm gắn cuộc nổi dậy ở Lybia với mạng lưới khủng bố của Osama bin Laden và ma tuý.

Nhưng khi cuộc nổi dậy ở Syria biến thành cuộc nội chiến, thì rõ ràng là có một chút sự thật đằng sau tuyên bố của ông Assad.

Trong những tuần gần đây, tình hình diễn biến theo hướng báo động - thể hiện trong các video do những tay súng al Qaeda đưa lên nhiều trang web thánh chiến Hồi giáo (jihadi), các bài báo chứng kiến tận mắt của phóng viên Ivan Watson của CNN, và lời khai của hai nhiếp ảnh gia châu Âu bị quân Chechnya bắt ở Syria, Pakistan và Bangladesh - cho thấy những người theo phong trào thánh chiến jihad ở nước ngoài thực sự đã tham gia vào cuộc đấu chống lại ông Assad.

Thời báo New York cho biết ít nhất 3 chi nhánh của al Qaeda đang hoạt động ở Syria, và, theo ước tính của Seth Jones, Phó giám đốc Trung tâm chính sách an ninh quốc phòng quốc tế thuộc Tập đoàn Rand, ít nhất 200 mật vụ đang chiến đấu hoặc hỗ trợ các nhóm nổi dậy.

Một điều chắc chắn là, hầu hết các tay súng nổi dậy ở Syria đều là công dân nước này, và hầu hết trong số họ đều không cùng chung mục đích với al Qaeda. Đương nhiên điều đó sẽ không ngăn ông Assad trừng phạt toàn bộ lực lượng nổi loạn.

Tổng thống Syria không nên ngạc nhiên với sự hiện diện của các tay súng nước ngoài ở nước mình, vì sau tất cả, chính ông đã mời họ tới. Diễn tiến mới chỉ là những tay súng này đang quay lưng với người bảo trợ ngày xưa.

Nhà tài trợ khét tiếng cho khủng bố, chế độ Baath ở Damascus, trong một thời gian dài đã chấp nhận sự hiện diện của các quân nhân nước ngoài như một phần của chiến lược khu vực.

Thực chất, một danh sách ấn tượng các tổ chức quân sự như Phong trào Hồi giáo Jihad Palestine, Mặt trận giải phóng Palestine, Cuộc khởi nghĩa Fatah al-Intifada, và gần đây là phong trào Hamas, vẫn đang có căn cứ hoặc trụ sở ở Syria.

Nhưng khi một trong những mối quan hệ này xấu đi do hậu quả từ việc chính phủ Syria phản ứng với lực lượng nổi dậy, thì ông Assad đang phải hứng chịu mặt trái của những liên kết đó.

Tiếp sau cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, Syria trở thành con đường quá cảnh để các tay súng nước ngoài tiến hành các đợt tấn công chống lại các lực lượng liên quân.

Theo các tài liệu thu được bởi lực lượng của Mỹ ở Iraq, hơn 600 chiến binh nhập cảnh trái phép qua biên giới Syria-Iraq từ tháng 8-2006 đến 8-2007 để cung cấp cho tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq, mà thành phần là những người nổi dậy có liên quan tới al Qaeda.

Các tay súng nổi dậy tụ hội

Trung tâm chống khủng bố thuộc West Point, cơ quan phân tích và công bố những thông tin trên, nói rằng gần 40% những tay súng nổi dậy đó tới từ Ảrập Xê-út, 20% đến từ Lybia, còn lại là đến từ Algeria, Morocco, Yemen, Tunisia, và một số ít từ các quốc gia Trung Đông. Tuy có xuất thân khác nhau, họ đã tụ họp ở Syria, trong các trại huấn luyện dọc biên giới nước này hoặc tiến thẳng vào Iraq.

Quá trình này được chỉ huy bởi ít nhất 95 “điều phối viên” người Syria, những người chuyên tuyển chọn các tay đánh bom cảm tử và tay súng nước ngoài từ một số khu vực nhất định.

Quan chức Mỹ không ít lần bày tỏ nghi ngờ chính phủ Syria có dính líu tới các tay súng ở Iraq. Tướng David Petraus, khi còn là chỉ huy lực lượng liên quân tại Iraq, từng nói trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4-2008, rằng chính phủ Syria “không làm đủ những điều cần thiết để đập tan những mạng lưới chủ chốt ủng hộ al Qaeda ở Iraq”.

Bức điện tín rò rỉ của Bộ Ngoại giao Mỹ còn tiết lộ ông nói với Thủ tướng Iraq Nouri al-Malaki hồi tháng 12-2008 rằng Assef Shawkat - anh rể của ông Assad và là giám đốc tình báo quân sự Syria - biết chi tiết về các hoạt động của các tổ chức trợ giúp al Qaeda ở Syria.

Điều trớ trêu là, ông Shawkat chết cũng với một số quan chức an ninh hàng đầu của Syria vào ngày 18-8 trong trận đánh bom ở Damascus, mà chính phủ đổ lỗi cho những kẻ tấn công liều chết.

Chính phủ Iraq cũng luôn cáo buộc quan chức tình báo Syria liên quan tới các hoạt động khủng bố. Năm 2009, quan chức Iraq công bố đoạn thú tội được ghi băng của một tay súng al Qaeda, nói rằng hắn ta đã được huấn luyện ở Syria, và người đứng đầu trại này là đặc vụ tình báo Syria tên là Abu al-Qaqaa.

Hơn nữa, chính phủ Syria từng có lịch sử tiến hành các chiến dịch bất hợp pháp như các tác giả trong báo cáo của West Point chỉ ra.

Ví dụ, đầu những năm 1980, các mật vụ tình báo Syria giúp đưa lén lút những người thuộc phong trào thánh chiến từ vịnh Pec-xich vào miền nam Li-băng. Tuy nhiên, trước khi đưa họ qua biên giới, quan chức Syria chụp ảnh hộ chiếu của những người này và đưa vào danh sách khủng bố - nên phía Syria từ đó cũng lo ngại sẽ bị trả đũa.

Đảo ngược con đường thánh chiến

Sau 3 thập kỷ, nỗi sợ hãi đó đã trở thành sự thực. Mối quan hệ bộ tộc và gia đình giữa những người sống dọc biên giới Syria-Iraq, cùng với hoạt động của nhiều mạng lưới buôn lậu tội phạm cho thấy sự thực rằng đường biên giới kéo dài 422 dặm không có gì khó để vượt qua. Và lần này, con đường thánh chiến từ Syria tới Iraq có vẻ đang đi ngược lại.

Brian Fishman, nghiên cứu sinh ngành chống khủng bố ở Quỹ Nước Mỹ Mới (New America Foundation) và là đồng tác giả của báo cáo West Point, viết rằng các nhà ngoại giao nói “hàng tá” người thuộc phong trào jihad đã di chuyển từ Iraq sang Syria.

Đánh giá này phù hợp với lời nói của một sĩ quan Maliki được đăng trên tờ Thời báo New York, rằng “những cái tên chúng tôi đang truy lùng cũng là những cái tên mà chính quyền Syria muốn”. Nói một cách khác “những thành phần al Qaeda hoạt động ở Iraq cũng là những kẻ đang hoạt động ở Syria”.

Ông Assad có thể bị cảnh tỉnh bởi hoạt động của những kẻ khủng bố nước ngoài trên đất nước mình, nhưng ông không nên ngạc nhiên với sự hiện diện của họ.

Với lịch sử tài trợ cho các tổ chức khủng bố nước ngoài, không có gì khó hiểu khi một vài tổ chức từng được bảo trợ đó quay lại để lợi dụng tình hình bất ổn ở Syria. Có lẽ đến giờ ông Assad đã học được điều gì đó từ câu chuyện ngụ ngôn Ê-dốp bò cạp nhờ ếch đưa qua sông.

Khi Tổng thống Assad ngã ngựa…

1. Khoảng trống an ninh

Theo Thời báo New York, quan chức Mỹ lo ngại sự ngã ngựa của ông Assad có thể dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ bộ máy chính phủ và hệ thống an ninh bị căm ghét. Syria có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ, trong khi bạo lực hoành hành như tình trạng của Iraq trong thời gian ngắn sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối trực tiếp trợ giúp quân sự cho các lực lượng nổi dậy.

2. Vũ khí phân tán

Quan chức tình báo Mỹ và Israel đang thực hiện một số biện pháp để bảo đảm kho vũ khí hoá học của ông Assad không rơi vào tay các nhóm khủng bố, báo Fox News cho biết. Hezbollah, nhóm quân sự của những người thuộc dòng Shiite lâu nay vẫn được ông Assad ủng hộ, "là ứng viên hàng đầu sẽ được sở hữu kho vũ khí", nhưng Syria đang trở thành nam châm thu hút nhiều tổ chức quân sự khác, trong đó có al Qaeda - có thể lợi dụng sự sụp đổ của ông Assad rồi chiếm lấy kho vũ khí.

3. Nội chiến đẫm máu

Việc ông Assad bị hất cẳng sẽ báo hiệu thời kỳ mâu thuẫn kéo dài giữa nhiều nhánh tôn giáo và dân tộc ở Syria. Mâu thuẫn hiện nay đã làm chia rẽ những người thuộc giáo phái khác nhau.

Nhóm Sunni chiếm đa số - lâu nay vẫn bị ông Assad phân biệt đối xử - có thể sẽ trả đũa những người lâu nay được ưu ái khi ông Assad sụp đổ. Mâu thuẫn giáo phái này có thể giống tình trạng hỗn loạn kéo dài hơn 1 thập kỷ ở Li-băng trong những năm 1980.

4. Xung đột khu vực

Cuộc nội chiến Syria có thể bùng phát ra bên ngoài, lan sang nước láng giềng Li-băng, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, Thời báo New York dự đoán. Li-băng và Iraq cũng bị chia rẽ giáo phái Sunni-Shiite tương tự, và cuộc xung đột Syria lan rộng có thể khiến mâu thuẫn này tràn khắp Trung Đông.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của Mỹ ở khu vực hơn là chương trình hạt nhân của Iran.

Vì thế, Mỹ có thể sẽ bắt đầu làm việc với một vài đối tác khu vực - có lẽ trong đó có cả Iran, đồng minh mạnh nhất của ông Assad - để vạch ra một cơ chế chia sẻ quyền lực thời hậu Assad mà tất cả các bên đều được tham gia.

Gia Tùng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG