Giống như ngồi trên con tàu Titanic đang chìm, muốn thoát ra, chạy đi tìm một chiếc phao cứu sinh nhưng chân tay không còn chút sức lực nào.
Điều trớ trêu là trong giới tinh hoa châu Âu, nhiều người biết rõ cả khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể thoát ra tình cảnh hiện nay bằng cách nào nhưng hiện thực hóa nó xem ra lại là điều khó khăn nhất bởi những toan tính khác nhau từ giới chính trị gia.
Một trong những người sốt ruột nhất hẳn là Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nữ kinh tế gia người Pháp Christine Lagarde. Bà vừa có phát biểu rất “tâm tư” rằng nếu có thể, bà sẽ nhốt tất cả lãnh đạo các nước châu Âu vào một căn phòng, khóa cửa lại cho đến khi nào họ thống nhất với nhau về các bước đi trong kế hoạch cứu vớt châu Âu.
“Tôi biết họ có thể làm được. Tôi biết mọi điều kiện, vững chắc và đầy đủ. Vấn đề là họ phải đi đến quyết định”, bà nói.
Khả năng cứu được tàu Titanic là hoàn toàn có thể. Các nhà phân tích dường như cũng đồng thuận về những gì châu Âu phải làm để cứu mình.
Nhưng vụ chìm tàu vẫn nhiều khả năng xảy ra bởi bà Lagarde không thể đủ quyền năng nhốt những vị tai to mặt lớn vào một căn phòng. Vấn đề của châu Âu không phải là chính sách.
Bởi những việc châu Âu phải làm đã được nhiều người chỉ ra: Một hệ thống tiền tệ thống nhất và thông suốt hơn, vì hệ thống hiện tại chưa đầy đủ, chưa bắt buộc được mọi thành viên EU cùng tuân thủ “luật chơi”; thống nhất về hệ thống tài khóa và thị trường tài chính với ba nhân tố chủ chốt gồm một đội ngũ lãnh đạo thống nhất về tư tưởng, cùng nhìn về một hướng, một hệ thống bảo hiểm tiền gửi và sự giám sát từ các định chế cao nhất đối với 25 ngân hàng lớn ở châu Âu.
Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng cái khó là ở chỗ không ít chính trị gia hàng đầu còn phải cân nhắc bởi họ biết phải làm gì để cứu châu Âu nhưng sẽ không biết phải làm gì để tái cử sau khi làm việc đó.
Lợi ích của cả châu lục nhiều khi lại không thể to hơn lợi ích của cá nhân, chưa nói lợi ích quốc gia. Hơn nữa, những điều khoản, chương mục trong hệ thống văn kiện hợp nhất châu Âu trong một hệ thống tiền tệ, tuy đã được dịch ra 23 ngôn ngữ, lại tỏ ra xa với đối với người dân của từng quốc gia trong khối, bởi nghe qua chẳng mấy liên quan miếng cơm, manh áo hằng ngày của họ.
Khi người Đức ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel với chính sách thắt lưng buộc bụng cũng đồng nghĩa với việc họ chẳng mặn mà gì với chuyện tung tiền cứu Hy Lạp hay Tây Ban Nha, trong khi những người Pháp, đang vật lộn với nạn thất nghiệp và suy thoái kinh tế, sẽ sẵn sàng đổ xuống đường la ó nếu tân Tổng thống Francois Hollande tiếp bước người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy thực hiện chính sách khắc khổ, hạn chế chi tiêu.
Mặc dù biết phải thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm như thế nào, nhưng nếu các thủy thủ không đồng tâm hiệp lực, vẫn mỗi người nhìn mỗi hướng thì khả năng tàu chìm là hoàn toàn có thể.