Nắn gân nhau

Nắn gân nhau
TP - Sau khi CHDCND Triều Tiên “thất bại” trong việc “phóng tên lửa tầm xa” như nhận định của phương Tây, lại đến lượt Ấn Độ mang vũ khí ra thử.

> Trung Quốc lên tiếng vụ Ấn Độ phóng tên lửa

Và lần này chủ nhà lẫn thiên hạ đều không cần phải lời qua tiếng lại bởi đã chắc chắn thứ New Delhi mới phóng thành công là tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Và hai sự kiện này đều khiến người hàng xóm của cả Ấn Độ lẫn Triều Tiên là Trung Quốc hết sức quan tâm. Bởi Trung Quốc không chỉ là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, mà còn chung đường biên giới dài với Ấn Độ.

Và cũng bởi tên lửa của Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, có tầm bắn lên đến 5.000 km, đồng nghĩa với việc có thể nhắm bắn gần như bất cứ mục tiêu nào ở Trung Quốc.

Cho đến nay, trừ Ấn Độ, mới chỉ có Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có tên lửa liên lục địa.

Tuy hỏa tiễn tầm xa của các nước thường có tầm bắn tới 8.000 km, nhưng với loại hỏa tiễn Agni- V, Ấn Độ đã gần như ghi tên mình vào “câu lạc bộ” những nước sở hữu tên lửa vượt đại châu.

Thực ra, mối lo lắng của Trung Quốc về tên lửa Ấn Độ nói riêng, tiềm lực quân sự của New Delhi nói chung hiện hữu cả chục năm nay.

Trong thời gian ấy, Ấn Độ đã có những bước tiến xa và nhanh chóng trong việc phát triển công nghệ tên lửa. Tên lửa Agni-IV có tầm bắn 3.500km đã được phóng thử thành công vào năm 2011.

Và công chúng Ấn Độ cũng như giới quân sự nước này đều không giấu suy nghĩ lấy năng lực quân sự Trung Quốc, nước từng có đụng độ quân sự biên giới với Ấn Độ năm 1962, làm “tiêu cự”. Gần đây, thành công của những loại hỏa tiễn siêu thanh do Ấn Độ hoặc tự sản xuất, hoặc liên kết với Nga càng làm gia tăng mối quan ngại của Trung Quốc.

Cụ thể, tên lửa BraMos (viết tắt từ tên hai con sông Bramaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga) là thành công trong hợp tác quân sự Nga - Ấn.

Tên lửa hành trình BraMos, biến thể của dòng hỏa tiễn tầm ngắn P-800 Oniks (Yakhont), là loại có thể phóng đi từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay hay bệ phóng trên mặt đất, được xem là mối đe dọa đáng sợ đối với các loại tàu chiến, hàng không mẫu hạm (đang chạy thử) của Trung Quốc.

Đáng ngại cho Trung Quốc hơn, dường như Ấn Độ không gặp nhiều vấn đề trong việc tăng cường năng lực quân sự.

Dù thu nhập bình quân đầu người chưa cao và cơ sở hạ tầng còn thấp, Ấn Độ dường như đã sớm tạo được sự đồng thuận trong xã hội về việc tăng cường năng lực quân sự.

Trước việc người Ấn thử tên lửa tầm xa, như thường lệ, tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc, có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đã vội lên tiếng “nhắc” mấy ông bạn ở New Delhi rằng “đừng vội mừng sớm”.

Theo báo này, cho dù tên lửa Ấn Độ có phóng tới được hầu hết nơi trên đất Trung Quốc, “không có nghĩa người Ấn sẽ thu được lợi ích gì với thái độ ngạo mạn trong tranh chấp với Trung Quốc”.

Chỉ có điều, thật đáng lo cho hòa bình thế giới một khi ngày nào cũng có người lôi dao, lôi súng ra “nắn gân” nhau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG