Nga đang làm gì với Triều Tiên?

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TP - “Nó có mùi tươi mới, giống như sự tôn kính đối với lãnh đạo của chúng tôi”, một người phụ nữ Triều Tiên nói khi đứng trước ống kính truyền hình Nga. Người phụ nữ ấy nói về bông hoa đỏ được đặt tên theo cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il.

Đó là một đoạn trong chương trình về đất nước bí ẩn với hàng loạt chủ đề từ thời trang đến thực phẩm để chiếu cho hàng triệu khán giả Nga xem kênh truyền hình toàn quốc trong chương trình buổi sáng. Chương trình này cho thấy Nga đang có cách tiếp cận tương đối khác đối với vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter rằng quân đội Mỹ đã sẵn sàng đáp trả Triều Tiên.

Những ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh những khác biệt đó, ông cảnh báo rằng chớ nên “quá hiếu chiến” và rằng người Triều Tiên sẽ thà “ăn cỏ” nếu bị trừng phạt tiếp còn hơn là từ bỏ chương trình vũ khí của họ. Tổng thống Nga nói rằng, người Triều Tiên nhớ việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 vì cho rằng ông Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vì thế Triều Tiên nhìn nhận việc trở thành một nhà nước hạt nhân là sự bảo đảm duy nhất để tự vệ.

Theo nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, công tác tại Trung tâm Carnergie Mátxcơva, người Nga tin rằng, mục đích của Bình Nhưỡng không phải đánh bom ai, mà chương trình hạt nhân của họ là để răn đe Hàn Quốc và Mỹ.

Nga đang làm gì với Triều Tiên? ảnh 1 Truyền hình Nga gần đây chiếu các chương trình về cuộc sống thường ngày ở Triều Tiên. Ảnh: BBC.

Quan hệ cá nhân có lẽ là một phần lý do vì sao Nga phản đối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên để buộc họ từ bỏ tham vọng hạt nhân. Còn Mỹ muốn cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt kinh tế, bao gồm biện pháp triệt để cấm vận năng lượng và cấm thuê lao động Triều Tiên. “Chúng ta sẽ làm gì? Dừng xuất khẩu nhiên liệu để người dân chết rét và xe cứu thương không thể chạy để cấp cứu người bệnh hay sao?”, ông Georgy Toloraya, một nhà ngoại giao Nga từng công tác nhiều năm ở Triều Tiên, chất vấn.

Ông Toloraya nói rằng, quan điểm của Nga là dựa trên nguyên tắc chứ không phải lo ngại thương mại giảm sút. Tổng thống Putin nói rằng, xuất khẩu nhiên liệu của Nga sang Triều Tiên “thực tế là 0”, cho dù có khoảng 30.000 người Triều Tiên đang được thuê làm việc chặt gỗ và xây dựng ở vùng Viễn Đông của Nga. Những người này được cho là đang làm việc để kiếm tiền về cho chính phủ Triều Tiên. “Vấn đề không phải Nga có công cụ nào hay không mà là tại sao chúng ta phải dùng công cụ đó”, ông Toloraya nói. “Quan điểm của chúng tôi là không cho phép cô lập và ngăn chặn Triều Tiên, cũng như làm suy yếu chính quyền của họ”, ông Toloraya giải thích.

Khẳng định vai trò

Giống như Trung Quốc, Nga có chung biên giới với Triều Tiên và coi nước này là vùng đệm với Hàn Quốc - nước đồng minh về chính trị và quân sự của Mỹ. Mátxcơva và Bắc Kinh đều đã đưa ra lộ trình để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trước tiên, Bình Nhưỡng phải đóng băng các vụ thử tên lửa, còn Mỹ và Hàn Quốc dừng tập trận chung. Bước tiếp theo sẽ là đưa các bên vào bàn đàm phán.

Giới quan sát cho rằng, có thể Nga đang muốn tiếp tục gây ấn tượng trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu nữa. “Người Nga biết rằng kế hoạch đó sẽ không trở thành hiện thực, nhưng sẽ khiến Mỹ trông rất tồi tệ”, ông Alexander Gabuev nói. “Ít nhất Trung Quốc và Nga đều đưa ra một chương trình hòa bình, trong khi Tổng thống Mỹ chỉ nói về lửa và cơn giận dữ”, ông Gabuev nói.

“Việc Nga đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề thế giới nhắc chúng ta nhớ về thời Liên Xô là một siêu cường có thể ảnh hưởng đến tất cả các cuộc xung đột khắp thế giới”, nhà nghiên cứu Samuel Ramani, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga viết trên báo Mỹ Washington Post gần đây. “Về mặt này, việc Nga ngày càng chú ý đến Triều Tiên giống như việc họ mở chiến dịch quân sự ở Syria hay mở rộng hiện diện ngoại giao ở Libya và Afghanistan. Mátxcơva đang cố gắng tạo dựng vai trò cường quốc toàn cầu một lần nữa”, ông Ramani viết.

Ông Gabuev cho rằng, công cụ mà Mátxcơva có thể dùng với Triều Tiên ngày nay rất ít, cho dù Liên Xô từng hỗ trợ Bình Nhưỡng nhiều năm trước đây. Sau chuyến đi đến Trung Quốc tuần trước, Tổng thống Putin đã đón lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tại một diễn đàn kinh tế ở miền đông nước Nga. Một phái đoàn Triều Tiên cũng tham gia sự kiện này. Họ gặp nhau ở Vladivostok, nơi cũng cảm nhận được những rung lắc từ vụ thử tên lửa gần đây nhất của Bình Nhưỡng.

“Lợi ích của chúng tôi là có quan hệ láng giềng ổn định và hòa bình”, ông Toloraya giải thích. “Đối với Triều Tiên, Nga là nước ít thù địch nhất trong số những cường quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng này”, ông Toloraya nói, và cho rằng quan hệ lịch sử giúp Nga vẫn biết nhiều người có tiếng nói ở đó.

Cách đây vài năm, ông Putin xóa nợ cho Triều Tiên vay từ thời Liên Xô. Đây được coi là cử chỉ mang tính thiện chí. Nga gần đây cũng có những nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên như mở tuyến phà kết nối với Triều Tiên, thậm chí cho mở một hãng lữ hành Triều Tiên ở Mátxcơva, được kỳ vọng sẽ kiếm được tiền từ những du khách muốn chiêm ngưỡng loài hoa được đặt tên theo nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyến phà này đã phải dừng vì vắng khách. Những điều này diễn ra trong lúc quan hệ giữa Nga với Mỹ lao dốc sau những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và hai bên tung ra những biện pháp trả đũa nhau, khiến Mátxcơva không có mấy động lực để ủng hộ Mỹ chống lại Triều Tiên.

Trong khi đó, quan hệ của Nga và Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn. Vì thế hai bên đang tiếp tục thúc đẩy đối thoại như một cách tốt nhất để ngăn ngừa leo thang bất thường có thể dẫn đến xung đột thực sự trên bán đảo Triều Tiên.

“Người Mỹ cần liên lạc (với Bình Nhưỡng) càng sớm càng tốt. Chúng tôi có thể chuyển tin, nếu họ muốn. Đối thoại có thể mất 10 hay 20 năm nếu cần thiết. Nhưng với thời gian đó, chúng ta sẽ có ổn định thay vì đi đến chiến tranh như bây giờ”, ông Toloraya nói.

Theo ​Theo BBC, CNN
MỚI - NÓNG