John Chilcot, người đứng đầu Ủy ban điều tra khẳng định, trước khi Anh tham gia cuộc tấn công vào Iraq, khả năng giải pháp hòa bình cho quốc gia này vẫn chưa cạn kiệt.
“Hành động quân sự của Vương quốc Anh tại thời điểm đó chưa phải là giải pháp cuối cùng”, ông Chilcot nhấn mạnh.
Báo cáo của Ủy ban cũng khẳng định, chính phủ Anh đã đánh giá thấp những hậu quả của cuộc xâm lược Iraq và đưa quân vào quốc gia Trung Đông này mà không sự có sự hỗ trợ tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cuộc chiến ở Iraq được Mỹ và đồng minh phát động ngày 19/3/2003. Khoảng 45.000 binh sĩ Anh đã được gửi tới Iraq trong khoảng từ năm 2003 đến 2009.
Báo cáo nhận định, mối đe dọa vũ khí hạt nhân ở Iraq, trên thực tế không phải vì biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trong quan hệ với Baghdad, và quyết định xâm lược Iraq dựa trên “những dữ liệu chưa được kiểm chứng”.
Ông Chilcot cũng cho biết, cựu Thủ tướng Tony Blair thời điểm đó cũng nhận được những cảnh báo rằng, sự sụp đổ của Baghdad và hành động bắt giữ Tổng thống Iraq Saddam Hussein sẽ là thời cơ cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda đe dọa Vương quốc Anh.
Ủy ban điều tra kết luận, cuộc xâm lược là một sai lầm và những hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu cho đến bây giờ.
Sau khi công bố báo cáo, hàng chục người dân Anh đã tụ tập trước tòa nhà trụ sở của Ủy ban điều tra, yêu cầu trừng phạt cựu Thủ tướng Tony Blair, người đứng đầu chính phủ Anh từ năm 1997 đến 2007.
Cựu Thủ tướng Blair tuyên bố ông sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những sai lầm tại Iraq, tuy nhiên nội các của ông khẳng định việc loại bỏ Saddam Hussein là cần thiết.
Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm David Cameron nói rằng nước Anh nên “xem xét nghiêm túc bản báo cáo của Ủy ban điều tra”.
Dự kiến, Quốc hội Anh vào tuần tới sẽ tổ chức một cuộc thảo luận về kết luận của Ủy ban điều tra việc Anh tham gia chiến dịch quân sự chống chính quyền Saddam Hussein từ năm 2003-2009.