FBI do thám hàng trăm cơ quan ngoại giao tại Mỹ

FBI do thám hàng trăm cơ quan ngoại giao tại Mỹ
TP - Theo tạp chí Mỹ Foreign Policy, gần 600 đại sứ quán, lãnh sự quán, phái đoàn ngoại giao hoặc văn phòng đại diện tại Mỹ đều bị giám sát ở mức độ khác nhau bởi các văn phòng phản gián của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

> Mỹ nghe lén làm căng thẳng quan hệ xuyên Đại Tây Dương
> Vì sao Mỹ nghe lén cả đồng minh?

FBI dùng nhiều phương tiện để do thám các nhà ngoại giao đang caó mặt tại Mỹ. Ảnh: Foreign Policy
FBI dùng nhiều phương tiện để do thám các nhà ngoại giao đang caó mặt tại Mỹ. Ảnh: Foreign Policy.

Trong vài tuần gần đây, nỗ lực giám sát các nhà ngoại giao nước ngoài của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được nhắc đến khắp nơi trên thế giới. Nhưng FBI thực hiện công việc do thám các nhà ngoại giao và phá mã còn lâu đời hơn NSA, theo Foreign Policy.

Theo tạp chí này, việc giám sát Đại sứ quán Trung Quốc chỉ là một mảnh nhỏ trong chiến dịch do thám rộng lớn của Mỹ. FBI không chỉ nỗ lực đánh cắp các bí mật chính phủ, quân sự, máy tính, viễn thông và các hệ thống mã hóa đang được sử dụng tại Mỹ, mà còn cùng NSA tiếp cận nội dung liên lạc của tất cả đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế trên đất Mỹ. Đặc biệt là công việc giải mã của FBI còn bí mật hơn của NSA vì tính nhạy cảm ngoại giao cực kỳ cao nếu bị phanh phui.

Cục Điều tra, tiền thân của FBI ngày nay, theo dõi các giao tiếp ngoại giao ít nhất từ năm 1910, khi giải mã định kỳ các giao tiếp của chính phủ Mexico và tổ chức cách mạng qua đường cáp chạy ra vào nước Mỹ. Và trong suốt thế kỷ qua, FBI và tổ chức tiền nhiệm vẫn sử dụng chiêu đánh cắp mật mã và các ám hiệu. Tháng 6/1916, đặc vụ của Cục Điều tra lén lấy được một bản sao mã hóa của lãnh sự quán Mexico bằng cách móc túi người đưa thư ngoại giao của Mexico.

Từ đó đến nay, mọi thứ thay đổi rất ít. Dù NSA ra đời năm 1952 để tập trung công việc thu thập và xử lý thông tin tình báo, nhưng FBI vẫn chưa thôi nỗ lực thu thập và giải mã riêng biệt, đặc biệt là những thông tin liên quan các nhà ngoại giao trên đất Mỹ, theo Foreign Policy.

Số mục tiêu nước ngoài mà FBI giám sát trên đất Mỹ là cực kỳ nhiều và ngày càng nhiều hơn. Chỉ 8 nước không có đại diện ngoại giao tại Mỹ, trong đó có CHDCND Triều Tiên. Các cơ sở ngoại giao bị Mỹ giám sát nhiều nhất là Nga, Trung Quốc, Libya, Israel, Ai Cập, Syria, Jordan, Li-băng, Ả-rập Xê-út, Iraq, Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan và Venezuela, Foreign Policy viết.

Hầu hết công việc giám sát của FBI được thực hiện bằng biện pháp kỹ thuật. Ví dụ, với sự trợ giúp kỹ thuật đáng kể từ NSA và ba đại gia viễn thông của Mỹ là AT&T, Verizon và Sprint, FBI chặn các cuộc gọi (bao gồm cả điện thoại di động) của gần như tất cả nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán đặt tại Mỹ.

FBI cũng nghe lén điện thoại nhà và email của nhiều nhà ngoại giao. Các văn phòng hiện trường tại Washington và New York có trung tâm chặn cuộc gọi chuyên thu thập các cuộc gọi bằng điện thoại cố định, email, tin nhắn, giao tiếp bằng di động của các mục tiêu ngoại giao được chú ý tại Mỹ suốt ngày đêm.

FBI và NSA còn dùng phần mềm gián điệp được cài bí mật vào máy tính của các đại sứ quán và lãnh sự quán. FBI cũng dùng các hệ thống âm thanh và laser cực kỳ phức tạp để chụp ảnh, ghi lại âm thanh của những gì người ta gõ trên máy tính, theo thông tin tiết lộ từ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. Để nhận tín hiệu từ các thiết bị cảm biến bí mật, FBI dùng một số công ty bình phong cho thuê văn phòng trong tầm mắt của gần 50 đại sứ quán và lãnh sự quán ở Washington và New York.

TRÚC QUỲNH
Theo Foreign Policy

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.