> Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Cấp cao liên quan
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 16 (Trong ảnh: Các trưởng đoàn chụp ảnh chung). Ảnh: TTXVN. |
Tăng cường kết nối kinh tế khu vực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 16.
Lãnh đạo các nước ASEAN và ba nước đối tác Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả hợp tác ASEAN+3 thời gian qua. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, kim ngạch thương mại giữa ASEAN và ba nước đối tác năm 2012 vẫn tăng 5%, đạt 712 tỷ USD.
Chiều 10/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp Quốc. Thủ tướng cũng tham dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị cấp cao liên quan, lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN từ Brunei sang Myanmar. Cùng ngày, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Thủ tướng Malaysia Mohd Najib bin Abdul Razak và Thủ tướng Úc Tony Abbott. |
Các nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên thực hiện các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và tài chính, đồng thời triển khai Lộ trình mới về Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á và sáng kiến phát triển trái phiếu tài chính hạ tầng và đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các nhà lãnh đạo thông qua Kế hoạch công tác ASEAN+3 sửa đổi đến năm 2017; quyết định sớm triển khai Đối tác ASEAN+3 về kết nối, bao gồm cả việc xem xét lập Quỹ Tài chính ASEAN+3 về kết nối hạ tầng khu vực; tiếp tục mở rộng Sáng kiến Chiang Mai.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, các nhà lãnh đạo bàn và quyết định các vấn đề chiến lược, trên lĩnh vực chính trị, an ninh, phát triển ở khu vực… Hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực tiếp tục là chủ đề bao trùm. Hội nghị nhất trí đẩy nhanh đàm phán để có thể đạt được RCEP trong năm 2015.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tập trung củng cố hợp tác toàn diện và hiệu quả trên cơ sở các kế hoạch và chương trình hành động đã có, đồng thời đẩy mạnh quá trình liên kết kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo cơ sở thiết lập Hiệp định tự do thương mại khu vực Đông Á trong tương lai, trong đó đẩy mạnh đàm phán RCEP theo đúng lộ trình vào năm 2015.
Điểm nhấn biển Đông
Hội nghị ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á đều nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo đề cao nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và các thỏa thuận đã đạt được, đi đôi với việc cần thiết phải sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nêu bật trọng tâm “Tạo dựng và thúc đẩy một cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng” ở Đông Á. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo Việt Nam sẽ sớm tham gia Sáng kiến An ninh không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Việt-Mỹ ký Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 tại Brunei, sáng 10/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trước đó, ông Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Việt Nam và Mỹ ký tắt hiệp định này và hoan nghênh các kết quả đạt được trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có việc tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán trong năm 2013 . Ngoại trưởng John Kerry khẳng định chính phủ Mỹ coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…, đồng thời triển khai nhanh việc đàm phán TPP cũng như các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. |