Mỹ, Đức chia nhau giải Nobel Y học 2013

Mỹ, Đức chia nhau giải Nobel Y học 2013
TP - Hai nhà khoa học Mỹ và một nhà khoa học Đức hôm qua được xướng tên là đồng chủ nhân của giải Nobel Y học 2013, vì có công tìm ra cách thức tế bào tổ chức hệ thống vận chuyển, giúp nâng cao hiểu biết về cơ chế dẫn đến những bệnh thần kinh, tiểu đường và các rối loạn miễn dịch.

> Nhà khoa học Mỹ, Đức nhận Nobel Y học
> Hôm nay, bắt đầu mùa giải Nobel

Ba nhà khoa học đạt giải Nobel Y học 2013 (từ trái sang) James Rothman, Randy Schekman và Thomas Sudhof. Ảnh: NYT
Ba nhà khoa học đạt giải Nobel Y học 2013 (từ trái sang) James Rothman, Randy Schekman và Thomas Sudhof. Ảnh: NYT.

Ủy ban giải Nobel tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển hôm qua vinh danh hai nhà khoa học người Mỹ, gồm James Rothman, 63 tuổi, giáo sư tại ĐH Yale, và Randy Schekman, 65 tuổi, giáo sư tại ĐH California, cùng giáo sư người Đức Thomas Sudhof, 58 tuổi, công tác tại ĐH Stanford (Mỹ). Họ chia nhau giải thưởng 8 triệu kronor (tương đương 1,2 triệu USD).

Theo nghiên cứu của ba nhà khoa học, mỗi tế bào là một nhà máy sản xuất và xuất khẩu phân tử. Ví dụ, insulin được tạo ra và giải phóng vào máu và các tín hiệu hóa học gọi là chất dẫn truyền thần kinh được gửi từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác. Những phân tử này được vận chuyển quanh tế bào trong những gói nhỏ gọi là túi.

Ba nhà khoa học được trao giải vì có công phát hiện ra nguyên lý phân tử điều khiển cách thức vận chuyển những túi này đến đúng nơi và đúng lúc trong tế bào. Ông Schekman phát hiện một bộ gene có vai trò cần thiết trong quá trình vận chuyển các túi. Ông Rothman làm sáng tỏ cơ cấu protein cho phép các túi kết hợp với mục tiêu để chuyển giao phân tử. Ông Sudhof phát hiện cách thức các túi được điều khiển bằng tín hiệu để giải phóng phân tử một cách chính xác.

Nhờ những phát hiện này, ba nhà khoa học làm sáng tỏ hệ thống điều khiển chính xác quá trình vận chuyển và phân phối phân tử. Những rối loạn nảy sinh trong quá trình vận chuyển này gây ra các bệnh về thần kinh, tiểu đường và rối loạn miễn dịch.

“Những phát hiện tốt đẹp này có vai trò quan trọng trong việc giúp hiểu biết hơn về cơ thể con người và có nhiều tiềm năng chữa trị các bệnh trong hệ thần kinh, tiểu đường và rối loạn miễn dịch”, Jan-Inge Henter, giáo sư ngành ung thư lâm sàng tại Viện Karolinska, nhận xét trong cuộc họp báo công bố giải thưởng.

Tiếp theo giải thưởng trong lĩnh vực Y/Sinh học, giải Nobel Vật lý sẽ được công bố hôm nay (8/10), Hóa học (9/10), Hòa bình (11/10) và giải Sveriges Riksbank (Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) sẽ được công bố ngày 14/10, còn ngày công bố giải thưởng Văn học chưa được ấn định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG