> Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ
> Thủ tướng trả lời phỏng vấn các hãng tin lớn ở LHQ
Quan hệ Việt-Pháp sang trang mới
Dấu mốc nổi bật trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 24-26/9) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là việc lãnh đạo hai nước ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt-Pháp lên đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trong bài phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ví quan hệ hai nước như “con tàu đang căng buồm lướt sóng” mà, dù “trải qua nhiều bão tố, sóng gió”, con tàu ấy vẫn “không bao giờ chìm đắm" và sẽ đi tới “bến bờ của sự thành công”. Và bản Tuyên bố được Thủ tướng hai nước ký kết tại Paris chính là văn kiện khẳng định rằng “con tàu quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và sự hợp tác thành công”.
Cộng hoà Pháp trở thành đối tác chiến lược thứ 12 của Việt Nam, là nước thứ 4 trong số 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xác lập khuôn khổ quan hệ cao hơn hẳn mức thông thường với Việt Nam. Có một điều thú vị là: Chỉ trong một “chu kỳ 12 con giáp” kể từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia đầu tiên là Liên bang Nga vào năm 2001, Việt Nam đã lần lượt xây dựng mối quan hệ song phương tương tự với 12 nước gồm Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008); Hàn Quốc và Nhật Bản (cùng trong năm 2009); Anh (2010); Đức (2011); Italia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, và Pháp (cùng trong năm 2013).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Công hòa Pháp, Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Đánh giá về quan hệ Việt-Pháp, trong bài phát biểu nói trên của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mối quan hệ đó “đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm khép lại và vượt qua những “chòng chành”, những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin vào nhau - lòng tin chiến lược - cùng hướng tới hòa giải, hòa bình, hữu nghị và phát triển. Đồng thời đây cũng là hình mẫu cho sự hợp tác Đông-Tây, giữa Pháp, một quốc gia công nghiệp hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một nước đang phát triển năng động ở Đông Nam Á”.
Trong thời gian ở thăm Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp, làm việc với nhiều lãnh đạo, chính trị gia cao cấp của Pháp: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drain, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent và Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Pháp-Việt; đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp… nhằm cụ thể hoá mối quan hệ nay đã bước sang một giai đoạn mới nồng ấm và toàn diện hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Thierry de Montbrial. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Bên cạnh ý nghĩa về mặt chính trị-ngoại giao, chuyến thăm của Thủ tướng cũng đem lại những kết quả to lớn về quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết một loại văn kiện hợp tác và thỏa thuận quan trọng trên nhiều lĩnh vực: Nghị định thư tài chính cho dự án trang thiết bị Bệnh viện đa khoa Cần Thơ; Thỏa thuận về trao đổi thông tin thanh tra giám sát ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan giám sát an toàn Pháp (ACPR); Biên bản ghi nhớ giữa Cục xúc tiến thương mại và Cơ quan vì sự phát triển quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ Pháp (Ubifrance); Biên bản Thỏa thuận giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn GDF Suez về dự án khí hóa lỏng và phát điện Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận; Ý định thư về việc mua máy bay Airbus A320 giữa Vietjet Air và Tập đoàn Airbus; Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tập đoàn Vinci về hợp tác trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tại Việt Nam…
Pháp cam kết tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam ở mức cao, ưu tiên cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, an toàn xã hội, giao thông, giáo dục đào tạo, môi trường, năng lượng mới tái tạo và phát triển bền vững; và tăng vốn cho tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội.
Về hợp tác văn hóa-giáo dục, Pháp hỗ trợ Việt Nam tổ chức Triển lãm “Rồng bay” để trở thành sự kiện nổi bật nhất của Năm Việt Nam tại Pháp (2014); ghi nhận đề nghị hỗ trợ Việt Nam cải tạo, khôi phục cầu Long Biên; hứa tăng số lượng học bổng và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại Pháp, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao.
Có thể nói rằng, trên “nền tảng của sự tin cậy, của những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc riêng có”, hai nước Việt Nam-Pháp đã đạt tới “sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ”, mở ra một giai đoạn hợp tác mới với “nhiều cơ hội tươi sáng”. Mối quan hệ ấy, như Thủ tướng đã chỉ ra, “cần phát triển hài hòa với các cặp quan hệ Pháp-ASEAN, Việt Nam-EU”, để có thể “cùng nhân lên sức mạnh và hiệu quả” và “được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa”, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên 2 châu lục Á, Âu cũng như trên toàn thế giới.
“Thông điệp Shangri-La” trên diễn đàn toàn cầu
Ngay sau chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng với tiêu đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” tại Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68 diễn ra tại New York, Hoa Kỳ.
Một lần nữa, thông điệp về xây dựng “lòng tin chiến lược” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu lên ở tầm mức toàn cầu. Nếu như lần đầu tiên thông điệp ấy được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra tại diễn đàn an ninh châu Á mang tên Đối thoại Shangri-La (tháng 5/2013) với tầm vóc khu vực thì lần này, tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược đã được nhấn mạnh một lần nữa tại một diễn đàn toàn cầu – Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Điều đó khẳng định tinh thần trách nhiệm của Việt Nam muốn góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng thế giới, với hai trụ cột chính là hòa bình và phát triển.
Chỉ ra rằng “cho dù hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn chưa được loại bỏ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh tỉnh về “bàn tay chết chóc của chiến tranh, của khủng bố, của bạo lực đang rình rập ở nhiều nơi hòng cướp đi mạng sống của hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người vô tội”, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế “lên án, ngăn chặn” mọi hành động hiếu chiến, ủng hộ mọi nỗ lực ngăn ngừa xung đột, và “tận sức để tránh chiến tranh” bằng việc đấu tranh loại bỏ “những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”, bằng việc “tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lên nhau”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Ảnh: TTXVN. |
Trên hết, một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhất mạnh đến việc không ngừng vun đắp “lòng tin chiến lược giữa các quốc gia” bằng “sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể”. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tuyên bố với toàn thế giới về “hành động thiết thực, cụ thể” của Việt Nam đóng góp cho nỗ lực ấy: “Việt Nam đã sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ”. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập chính trị quốc tế của Việt Nam, khẳng định tầm vóc đang ngày càng lớn mạnh của một đất nước từng “phải trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn bạo và đói nghèo cùng cực” cũng như thể hiện “sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp chúng tôi giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng “Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” với cam kết “không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới”.
Bên lề Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp của tổ chức LHQ: Hội kiến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon; gặp và làm việc với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Helen Clack, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Anthony Lake, Giám đốc Chấp hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) Babatunde Osotimehin để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-LHQ nói chung và với các cơ quan chuyên môn của LHQ nói riêng.
Thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với thế giới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Giám đốc IMF Christine Largarde. |
Cũng trong thời gian ở Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman; hội kiến với Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe và Thủ tướng Moldova Yuri Lianke; tiếp lãnh đạo của hai đối tác viện trợ lớn hàng đầu cho Việt Nam là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc điều hành WB Sri Mulyani Indra Wati, Tổng Giám đốc IMF Christine Largarde.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều thể hiện tinh thần cởi mở, chân thành của Chính phủ Việt Nam với “mong muốn tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư…, với các đối tác, trong đó đáng chú ý là Hoa Kỳ. Mong muốn này được thể hiện rõ qua việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, trong lịch trình làm việc dày đặc của mình tại Hoa Kỳ, đã dành thời gian tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt-Mỹ, đồng thời đối thoại với hơn 50 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ. Tại Diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ nhiều thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, những nỗ lực của Việt Nam nhằm xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế ở trong nước cũng như hội nhập đầy đủ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Thủ tướng cũng đã lắng nghe, giải đáp và làm sáng tỏ những băn khoăn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, qua đó củng cố hơn nữa niềm tin, “sự phấn khích cũng như mong muốn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ được đầu tư vào Việt Nam” như lời phát biểu của Giám đốc Liên minh Kinh tế Quốc tế, đơn vị đồng tổ chức sự kiện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt-Mỹ, đồng thời đối thoại với các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trước khi kết thúc chuyến công tác tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn Bloomberg, ITAR-TASS, Kyodo và Yonhap, khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, với mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, là thành viên tích cực, xây dựng, có trách nhiệm trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. “Tất cả nỗ lực của Việt Nam là vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Với những kết quả quan trọng nêu trên, chuyến thăm chính thức tới Cộng hoà Pháp và tham dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực sự là một dấu ấn đối ngoại nổi bật hàng đầu trong năm 2013.
Theo Xuân Hồng
Chinhphu.vn