Các nước sơ tán công dân khỏi Ai Cập

Các nước sơ tán công dân khỏi Ai Cập
TP - Sau Thái Lan, Malaysia, Philippines… vừa quyết định sơ tán công dân nước mình khỏi Ai Cập, do lo ngại tình hình bạo lực và bất ổn chính trị ngày càng xấu đi ở đất nước kim tự tháp.

> Người đứng đầu Anh em Hồi giáo bị bắt
> Ai Cập: Giết chóc đẫm máu, đối mặt cấm vận

Tình hình an ninh và chính trị tại Ai Cập đang bị đánh giá là nguy hiểm. Ảnh: Telegraph
Tình hình an ninh và chính trị tại Ai Cập đang bị đánh giá là nguy hiểm. Ảnh: Telegraph.

Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak cho biết, khoảng 3.300 sinh viên nước này đang ở Ai Cập sẽ hồi hương trên các chuyến bay thương mại bắt đầu từ hôm 20/8.

Quyết định sơ tán sinh viên được đưa ra theo khuyến nghị của Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia. “Tôi đã nhận được báo cáo từ Hội đồng An ninh Quốc gia nói rằng, tình hình ở Ai Cập có thể vẫn không ổn định và sẽ còn tệ hơn”, ông Razak nói với báo giới hôm 20/8.

Nhiều sinh viên Malaysia ở Ai Cập cho biết, nhiều vụ bạo lực và xung đột đẫm máu xảy ra ngay gần nơi ở của họ. Hai năm trước, Malaysia đã điều máy bay quân sự tới Ai Cập để sơ tán hàng nghìn công dân sau vụ lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, để xem xét lại khoản viện trợ 1,3 tỷ USD/năm dành cho Ai Cập.

Chính phủ Philippines vừa yêu cầu sơ tán bắt buộc đối với 6.000 công dân của nước này đang ở Ai Cập, sau khi Ngoại trưởng Albert del Rosario sang Ai Cập để khảo sát tình hình an ninh.

Ông Rosario đã cử một nhóm đặc biệt tới Cairo để giúp đẩy nhanh quá trình hồi hương của công dân nước mình, đồng thời thúc giục họ liên lạc với Đại sứ quán.

“Tình hình an ninh và trật tự xấu đi ở Ai Cập cộng thêm sự bất ổn chính trị và những thách thức an ninh nghiêm trọng khiến những ai sống và làm việc ở đó ngày càng gặp khó khăn và nguy hiểm”, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo.

Ngoại trưởng Rosario sang thăm Ai Cập từ đầu tuần, và đây là chuyến thăm thứ hai của ông chỉ trong vòng nửa tháng. Chính phủ Philippines tuần trước khuyên người dân về nước tự nguyện, nhưng nay đã nâng mức cảnh báo lên mức 4 - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo khẩn cấp của nước này, đồng nghĩa với việc công dân Philippines ở Ai Cập sẽ được nhà nước tài trợ toàn bộ chi phí hồi hương.

Ngày 21/8, nhóm 23 sinh viên Singapore đầu tiên từ Ai Cập hồi hương. Phần lớn trong số họ đang học cao học tại Đại học Al-Azhar ở Cairo. Theo Hội đồng Hồi giáo Singapore, nhóm sinh viên này về nước theo lời kêu gọi của Hội đồng Hỗ trợ Sinh viên Singapore tại Ai Cập và sự hỗ trợ của Đại sứ quán Singapore tại Ai Cập. Nhiều sinh viên Singapore ở Ai Cập sẽ hồi hương trong tuần này.

Từ đầu tuần này, công dân Thái Lan được sơ tán khỏi Ai Cập. Nhiều người đã về đến sân bay quốc tế Don Muang. Chính phủ Thái Lan đã trợ giúp 354 công dân nước mình trở về vì lo ngại bất ổn chính trị ngày càng tăng ở Cairo. Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, ít nhất 1.800 công dân nước này đang sinh sống ở Ai Cập.

Ông Mubarak được trả tự do

Trong khi tình hình chính trị tại Ai Cập đang rối ren, tòa án ở Cairo ngày 21/8 ra phán quyết về việc thả cựu Tổng thống Hosni Mubarak với điều kiện nộp tiền bảo lãnh.

Ông Mubarak bị cáo buộc đồng lõa trong vụ giết hại người biểu tình trong đợt nổi dậy khiến ông mất chức năm 2011. Ông Mubarak bị kết án vào tháng 6/2012 vì âm mưu sát hại người biểu tình năm 2011 và chịu án tù chung thân. Tháng 1/2013, ông kháng cáo và phiên tòa được mở để xét xử lại. Vị cựu Tổng thống bị cáo buộc nhận quà tặng từ nhà xuất bản thuộc sở hữu nhà nước al-Ahram. Gia đình ông Mubrak đã trả lại số quà tặng.

Fareed al-Dib, luật sư của ông Mubarak, nói rằng, thân chủ của mình có khả năng được thả khỏi tù vào ngày 22/8. Tuy nhiên, ông Mubarak vẫn có thể bị truy tố, xét xử trong tương lai. Các nhà phân tích cho rằng, việc trả tự do cho ông Mubarak được coi là dấu hiệu cho thấy quân đội đang đảo ngược “mùa xuân Ảrập” - đảo nghịch những thay đổi tại Ai Cập từ sau cuộc nổi dậy năm 2011.

Ai Cập đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp khi chính phủ lâm thời truy quét người biểu tình Hồi giáo phản đối việc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Hành động này vấp phải sự lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế. Hàng trăm thành viên của Anh em Hồi giáo, tổ chức của ông Morsi, đã bị bắt giữ, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao nhất Mohamed Badie.

Trong khi đó, các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đang họp để quyết định cách phản ứng với hành động trấn áp đẫm máu người biểu tình của chính quyền lâm thời Ai Cập. Nhiều người kêu gọi EU cắt khoản viện trợ trị giá 5 tỷ euro cho Ai Cập sau khi hơn 900 người dân nước này thiệt mạng khi lực lượng an ninh giải tán người biểu tình hồi tuần trước.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG