Việt Nam sắp trình báo cáo kiểm điểm nhân quyền

Việt Nam sắp trình báo cáo kiểm điểm nhân quyền
TP - Sau báo cáo kiểm điểm về nhân quyền lần thứ nhất (năm 2009) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ có thể định lượng trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp, đảm bảo quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương…

> Quy định rõ hơn thẩm quyền Bộ trưởng
> Không chỉ đạo đức, còn là nghĩa vụ

Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam diễn ra ngày 6/8 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh
Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam diễn ra ngày 6/8 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Đó là một số điểm được nêu trong dự thảo Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ 2, được nhóm công tác liên ngành do Bộ Ngoại giao là đầu mối thực hiện theo hướng dẫn của Liên Hợp Quốc (LHQ) và được đưa ra lấy ý kiến của đại diện các cơ quan, tổ chức vào sáng 6/8 tại Hà Nội.

Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ 2 tập trung kiểm điểm việc thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp nhận tại lần kiểm điểm trước. Đồng thời cập nhật những phát triển mới trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo dự thảo báo cáo, ưu tiên cao nhất của Việt Nam hiện nay trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là đẩy nhanh tiến trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 nhằm đảm bảo sự đổi mới đồng bộ về kinh tế và chính trị, nhằm phù hợp với tình hình và những phát triển mới về dân chủ, tôn trọng quyền con người hơn… Bộ Luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2009, trong đó có việc bỏ án tử hình đối với 8 tội danh, giảm số tội danh có thể bị án tử hình từ 29 xuống 21 tội, không áp dụng án tù chung thân hoặc tử hình đối với tội phạm chưa thành niên… Việt Nam cũng đã thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bảo vệ người khuyết tật, xem xét khả năng gia nhập các công ước về quyền của người lao động di cư, bảo vệ người tị nạn…

Về tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, báo cáo khẳng định Việt Nam quy định rõ các quyền này trong Hiến pháp, pháp luật. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai và nhận được hơn 20 triệu ý kiến.

Tính đến tháng 3/2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí với 1.084 ấn phẩm (so với 676 cơ quan và gần 700 ấn phẩm của năm 2009 - thời gian Việt Nam trình báo cáo UPR lần một).

Người dân Việt Nam được tiếp cận 75 kênh truyền hình nước ngoài, như BBC, CNN, Bloomberg, TV5… Tính đến cuối năm ngoái, số người dùng internet ở Việt Nam là 30,8 triệu người, chiếm 34% dân số, cao hơn mức trung bình 33% của thế giới.

Báo cáo cũng khẳng định, Việt Nam tôn trọng sự hiện diện của các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo… và các tôn giáo hình thành trong nước như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

Nhà nước Việt Nam cũng chú trọng ban hành nhiều chính sách, chương trình phát triển nhà ở cho đối tượng khó khăn về nhà ở. Kết quả là 530.000 hộ nghèo đã được hỗ trợ về nhà ở, hoàn thành nhiều dự án nhà cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp.

LHQ đánh giá cao

Tham dự hội thảo tham vấn hôm qua, bà Pratibha Mehta, Trưởng đại diện LHQ tại Việt Nam, chúc mừng Chính phủ Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế, tự đánh giá về tình hình nhân quyền, có nhiều tiến bộ và công khai các dữ liệu về bảo đảm quyền con người, đồng thời xác định những nhiệm vụ cần làm để cải thiện việc đảm bảo quyền con người.

Theo đại diện một số tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam, báo cáo được soạn thảo dựa trên các khuyến nghị được đưa ra tại LHQ mà Việt Nam đã chấp thuận. Ngoài những khuyến nghị đó, Việt Nam cũng làm được nhiều việc để cải thiện cuộc sống người dân. Vì thế, báo cáo nên đề cập cả những tiến bộ này, đặc biệt là những thay đổi tích cực trong quan điểm về cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, người nghiện ma túy, gái mại dâm, quyền sử dụng đất…

Ông Lê Khắc Quang, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng báo cáo cần nhắc đến cả quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, quyền được xét xử công bằng.

Sau khi thu thập các ý kiến, báo cáo sẽ được hoàn thiện và trình bày trước Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 1 năm sau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG