Mỹ cân nhắc cắt tiền cho tình báo và Syria

Mỹ cân nhắc cắt tiền cho tình báo và Syria
TP - Những hạn chế của chương trình giám sát bí mật của Mỹ và nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm giúp đỡ quân nổi dậy Syria là hai vấn đề gây tranh cãi tại Hạ viện Mỹ khi cơ quan này đang xem xét nên chi tiêu ra sao cho quân đội.

> Những đồng tiền của ai đang phá nát Syria?
> Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi ném bom Syria

Mỹ đang cân nhắc vũ trang cho lực lượng đối lập ở Syria (trong ảnh: phe nổi dậy chuẩn bị nã đạn cối vào quân chính phủ ở phía nam thủ đô Damascus hôm 10/6). Ảnh: Getty Images
Mỹ đang cân nhắc vũ trang cho lực lượng đối lập ở Syria (trong ảnh: phe nổi dậy chuẩn bị nã đạn cối vào quân chính phủ ở phía nam thủ đô Damascus hôm 10/6). Ảnh: Getty Images.

Hôm qua, Hạ viện Mỹ bắt đầu tranh luận về dự thảo chi tiêu quốc phòng 598,3 tỷ USD cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1/10.

Các thành viên phong trào đảng Trà và đảng viên Dân chủ cho rằng, cuộc tranh luận về dự thảo chi tiêu sẽ thay đổi cách thức hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong việc thu thập dữ liệu điện thoại của hàng triệu người dân Mỹ.

Liên minh này cũng sẽ ủng hộ việc sửa đổi kế hoạch chi tiêu để ngăn cản chính quyền vũ trang cho quân nổi dậy Syria mà không được Quốc hội phê chuẩn.

Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa lo ngại những sửa đổi này có thể cản trở nỗ lực bảo đảm an ninh quốc gia và chống khủng bố của Tổng thống Mỹ.

Nghị sĩ Jusstin Amash thuộc đảng Cộng hòa, người ủng hộ thay đổi hoạt động của NSA, kêu gọi các đồng nghiệp “giúp tiếng nói của người dân được lắng nghe”.

Ông Amash cho rằng, thay đổi này sẽ vẫn cho phép NSA thu thập dữ liệu, nhưng chỉ khi Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài có thông báo bằng văn bản rằng việc thu thập dữ liệu đó liên quan cá nhân đang bị điều tra. Nếu không, NSA sẽ bị cắt ngân sách hoạt động.

Liên Hợp Quốc cho biết hơn 90.000 người thiệt mạng ở Syria từ khi nổ ra cuộc chiến chống lại Tổng thống Assad năm 2011. Khoảng 1,7 triệu người Syria phải sang các nước láng giềng lánh nạn.

Tranh luận này diễn ra trong bối cảnh cựu nhân viên phân tích tình báo Edward Snowden tháng trước tiết lộ rằng NSA thu thập số liệu về điện thoại và trao đổi trên internet của người dân trên diện rộng.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers tích cực biện hộ hai chương trình này, nhưng nhiều nhà làm luật theo đường lối tự do bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc tranh cãi nảy lửa giữa vấn đề an ninh quốc gia và tôn trọng quyền riêng tư.

Nhiều người trong cuộc cho rằng, dự thảo chi tiêu quốc phòng nói chung rất có thể sẽ bị Nhà Trắng phủ quyết, vì chính phủ Mỹ cho rằng kế hoạch đó sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, các chương trình nghiên cứu về y tế và dân sinh nhằm tăng chi tiêu cho Lầu Năm Góc.

Hạ viện Mỹ cũng sẽ xem xét sửa đổi dự luật nhằm cấm cấp tiền cho bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Syria nếu điều đó vi phạm Nghị quyết quyền hạn chiến tranh. Một thay đổi nữa là việc cấm rót tiền cho các hoạt động quân sự và bán quân sự ở Ai Cập.

5 lựa chọn tốn kém cho Syria

Cuộc tranh cãi về Syria diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey vừa vạch ra 5 lựa chọn quân sự cho Mỹ tại Syria, bao gồm: đào tạo, cố vấn và trợ giúp phe đối lập; thực hiện một số cuộc tấn công hạn chế; thiết lập vùng cấm bay; tạo vùng đệm trong lòng Syria; và kiểm soát vũ khí hóa học của Damascus.

Tướng Dempsey ước tính chi phí đào tạo, cố vấn và trợ giúp phe đối lập vào khoảng 500 triệu USD mỗi năm, mỗi lựa chọn còn lại tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.

Ông Dempsey nhận định việc sử dụng vũ lực ở Syria “không khác gì hành động chiến tranh”, có thể tăng cường sức mạnh cho lực lượng nổi dậy và gây thêm sức ép cho Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng vị tướng này cũng cảnh báo Mỹ nên nhớ bài học từ những vụ can thiệp trước, như ở Afghanistan và Iraq.

Trong khi đó, Tổng thống Obama có kế hoạch thúc đẩy kế hoạch vũ trang cho quân nổi dậy Syria sau khi một số quan ngại tại Quốc hội giảm bớt. Nhà Trắng tháng trước thông báo sẽ trợ giúp quân sự cho các nhóm nổi dậy được lựa chọn ở Syria sau 2 năm trì hoãn.

Đảng viên của cả phe Cộng hòa và Dân chủ tại hai ủy ban tình báo của Hạ viện và Thượng viện đều bày tỏ lo ngại số vũ khí gửi tới Syria có thể sẽ rơi vào tay các tay súng Hồi giáo cực đoan ở Syria, như nhóm Nusra Front, và có thể không đủ để làm thay đổi thế cân bằng của cuộc nội chiến chống lại ông Assad.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG