Syria: Nga tả xung hữu đột với G8

Syria: Nga tả xung hữu đột với G8
TPO - Tổng thống Putin thẳng thừng bày tỏ quan điểm cứng rắn về cuộc khủng hoảng Syria tại Hội nghị cấp cao G-8  và rốt cuộc Nga đã là người chiến thắng.

Syria: Nga tả xung hữu đột với G8

> Syria hỗn loạn và quyền lực của súng đạn 

TPO - Tổng thống Putin thẳng thừng bày tỏ quan điểm cứng rắn về cuộc khủng hoảng Syria tại Hội nghị cấp cao G-8  và rốt cuộc Nga đã là người chiến thắng.

Quan điểm mới của Ai Cập (nơi các sự kiện thay đổi một cách quá nhanh chóng) và Jordan về Syria, tuyên bố của Mỹ về việc nước này có những bằng chứng vũ khí hóa học được Damacus sử dụng ở Syria và triển vọng những người bảo vệ cuộc cách mạng Hồi giáo sẽ đương đầu có hiệu quả với đặc nhiệm Mỹ, xem ra đã làm cho ý tưởng về việc triệu tập một hội nghị quốc tế, mà người ta hy vọng tiếp sức cho sự chủ động tiến công của quân đội Syria vào những vị trí của các chiến binh, càng trở nên xa vời. Các chuyên gia nghiên cứu đã nói về kịch bản Iraq, đã trở thành hậu quả mang “dấu ấn của Colin Powel”. Còn vấn đề Syria đã từng là chủ đề thảo luận trung tâm tại Hội nghị cấp cao G-8, mà kết quả của nó trái ngược với các dự đoán, đã thể hiện đầy đủ quy mô thực tế của sự hợp tác trong cuộc khủng hoảng Syria.

Hoa Kỳ chút nữa đã đi quá ranh giới, mà hậu quả của việc vượt qua nó có lẽ đã không thể ngăn ngừa, khi tuyên bố cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria. Đồng thời Nhà Trắng tuyên bố thông tin của tình báo Mỹ về việc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học đã trở thành giọt nước tràn ly (bất chấp việc một thành viên của Ủy ban độc lập dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc Carl del Ponte đã thông báo rằng, các phần tử đối lập đã sử dụng vũ khí hóa học).

Syria: Nga tả xung hữu đột với G8 ảnh 1
 

Tăng nhiệt tình hình

Những bằng chứng của việc quân đội chính phủ sử dụng vũ khí hóa học ở Syria cực kỳ quan trọng đối với các nước phương Tây, bởi vì chính sự kiện này có thể biện minh cho yêu cầu bán vũ khí cho quân nổi dậy. Từ thời điểm cuối tháng 5, khi Ủy ban châu Âu chấm dứt gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Syria, các nước tham gia liên minh đã có quyền làm việc này, nhưng họ không vội lạm dụng điều đó. Bộ trưởng ngoại giao Anh William Hague đã nói rằng lúc đầu cần phải thử giải quyết cuộc khủng hoảng bằng phương pháp chính trị.

Việc Hoa Kỳ quyết định cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria đã làm phát sinh những đánh giá khác nhau, còn các thượng nghị sỹ John McCain và Lindsey Graham lại đổ thêm dầu vào lửa. Họ nhận định trong một tuyên bố chung rằng, Mỹ không cần phải giới hạn việc tăng quy mô viện trợ quân sự cho phe đối lập, đồng thời có nghĩa vụ tiến hành một chiến dịch quân sự và thực hiện các cuộc tiến công bằng tên lửa hành trình vào quân đội của ông Asad.

Rõ ràng, những nhân vật được gọi là phe diều hâu đang gây áp lực mạnh lên Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng đối với người Mỹ, điều vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện tại là cần có lực lượng trung thành trong phe đối lập Syria, mà họ có thể bảo đảm vũ khí, huấn luyện và bắt đầu kiểm soát được trong thời gian ngắn. Bởi vì dù 2 năm đã trôi qua nhưng vẫn như trước đây, quân đội Syria tự do còn vô cùng manh mún. Trong lực lượng này những phần tử Hồi giáo và cấp tiến đang củng cố sức mạnh, đang diễn ra sự tranh giành quyền bính và cuộc hoảng nội bộ, không phục tùng một trung tâm duy nhất (sau khi cựu Tổng Tư lệnh Riad al Asad bị thương) và rất yếu kém trên bình diện huấn luyện quân sự. Các đội vũ trang độc lập Salafis (cuồng tín- lớn nhất trong số đó là "Dzhabhat en-Nusra) cũng tồn tại, và trong hàng ngũ của các chiến binh, nhiều đại diện của những nước khác, trong đó có cả Nga (gần 200 người) đang tham gia chiến đấu. Điều này đã được giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov công bố.

Cùng với đó, trên biên giới Syria-Jordan đã bắt đầu một quy trình liên quan tới công tác trù bị cho việc thiết lập vùng cấm bay. Các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, những máy bay chiến đấu F-16 và 5.000 lính đã được đưa tới Jordan theo sự biện minh chính thức nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên “Sư tử cảnh giác”. Trong thời gian diễn ra cuộc tập trận, các lực lượng tham gia không chỉ hoàn toàn tập dượt tiến hành những chiến dịch quân sự mà cả những hoạt động của cảnh sát và các tổ chức nhân đạo, trong đó có cả việc thực hành trợ giúp người tỵ nạn Syria và cô lập hóa những vụ lộn xộn trong các trại tỵ nạn. Đồng thời sau khi cuộc tập trận kết thúc, vũ khí được để lại trên lãnh thổ Jordan. Nhưng để áp đặt khu vực cấm bay cần phải có sự chuẩn y của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, mà nghị quyết thì không thể thông qua nếu không có sự nhất trí của Nga và Trung Quốc. Hơn nữa sau khi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố kiên quyết không chấp thuận việc đơn phương thực hiện những bước đi như vậy mà không được sự ủy nhiệm chính thức của Liên hiệp quốc, thì hiển nhiên là, điều này trên thực tế là không thể.

Hơn nữa, diễn biến nhanh chóng của các sự kiện ở Trung Đông càng cho thấy giới hạn khả năng chính sách của Mỹ: Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, nước này ngày càng rời xa sự bảo hộ của Hoa Kỳ (có lập trường cứng rắn trong mối quan hệ với Syria), và gần đây Mỹ tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán với Taliban về tương lai của Afghanistan (và điều này đã diễn ra sau 12 năm kể từ khi họ bị tước hết quyền lực, với sự tham gia trực tiếp của người Mỹ vào việc này).

Syria: Nga tả xung hữu đột với G8 ảnh 2
 

Vì thế, vẫn như thường thấy, đang diễn ra quá trình tăng nhiệt tình hình nhằm lôi kéo các nước láng giềng can dự vào cuộc xung đột Syria. Dĩ nhiên Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể là một trong số đó, mặc dù với nước này, vấn đề Syria giờ đây đã lùi về phương án 2, bởi vì chính quyền kiên quyết không muốn đáp ứng yêu cầu của những người biêu tình thì không có cách nào giải quyết được những mâu thuẫn nghiêm trọng trong nước. Nhưng người Israel trong những năm vừa qua đã 3 lần ném bom lãnh thổ Syria, nước này đối với họ đã trở thành võ đài đối đầu với Iran. Israel chưa sẵn sàng cùng tồn tại với một nước Iran có vũ khí hạt nhân, mà lãnh đạo nước này đã nhiều lần kêu gọi tiêu diệt nhà nước Do Thái. Để trả đũa, Thủ tướng Israel từ diễn đàn Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã tuyên bố rằng, trong trường hợp không có sự tiến triển trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran, Israel sẽ giữ cho mình quyền đơn phương hành động. Vì thế kịch bản vũ lực trong mối quan hệ với Iran vẫn tiếp tục được bảo lưu và sự tính toán, dường như được thực hiện dựa trên hy vọng, sẽ nhận được sự ủng hộ của những người Hồi giáo dòng Sunni (muốn tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Arabia Saudi và các vương quốc vùng vịnh Persic).

Quyết định công khai của Mỹ vừa được thông qua về phe đối lập Syria ngay trước hội nghị thượng đỉnh liên quan tới điều gì? Chính những sự kiện đang diễn ra tại Syria đã xô đẩy người Mỹ đi tới quyết định này, khi quân đội chính phủ sau những thất bại mùa đông đã bắt đầu dồn ép quân nổi dậy và làm xoay chuyển tình thế có lợi cho mình, khôi phục quyền kiểm soát tại nhiều khu vực của đất nước. Đặc biệt thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của họ là việc chiếm được thành trì của lực lượng vũ trang phe đối lập- thành phố El Quseir trên biên giới với Libanon.

Sau thắng lợi này quân đội của ông Asad bắt đầu chủ động tiến công và thực hành đánh chiếm Aleppo và kết quả là đã có cơ sở để tin tưởng, họ sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến này. Quân nổi dậy đã tuyên bố về nhu cầu khẩn cấp cần có các phương tiện chống tăng và phòng không để đương đầu với cuộc tiến công của quân chính phủ. El Quseir có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các chiến binh (như là cửa ngõ tiếp nhận viện trợ quân sự từ Libanon và là bàn đạp để mở đầu cuộc tiến công quy mô lớn vào Damask). Chính vì thế, các phần tử đối lập Syria đã đưa ra đòi hỏi ngay lập tức ngừng tiến công thành phố này với vai trò là điều kiện cho sự hiện diện của mình tại Hội nghị quốc tế về Syria.

Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi (vừa bị hạ bệ) sau quyết định của Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria đã vội vàng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria. Hơn nữa, ông đã yêu cầu các lãnh tụ Hezbollah Libannon rút các đội quân chiến đấu của mình ra khỏi lãnh thổ Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới thiết lập trên không phận Syria vùng cấm bay. Chính giới Syria đánh giá tuyên bố này như một sự hòa âm vào dàn nhạc của những thế lực âm mưu phá nát đất nước này, do Mỹ và Israel lãnh đạo.

Quan điểm của Moscow

Những tuyên bố cứng rắn của Mỹ trên thực tế đã phá hỏng cuộc hội đàm về Syria, dường như đã được dàn xếp ổn thỏa và đặt nước Nga vào tình huống phức tạp ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-8. Ý đồ chủ yếu của những cuộc đối thoại tại hội nghị này là, sẽ thông qua thông cáo chung cùng với nước Nga hay không có nước này (theo công thức “7+1”, như Thủ tướng Canada Stiven Harper đề xuất).

Những cuộc đối thoại đã không hề đơn giản, bởi vì phương Tây đã theo đuổi mục đích ủng hộ tại Bắc Ailen một “lộ trình” mới và cuối cùng thuyết phục nước Nga đừng ngoan cố trong vấn đề Syria, đặt dấu chấm hết cho các phương án ngoại giao trong việc giải quyết cuộc xung đột. Tổng thống Pháp Francois Hollande một lần nữa chỉ trích Moscow về việc cung cấp vũ khí cho Syria. Còn Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra một dự thảo tuyên bố về Syria, bao gồm vấn đề Asad chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp, và cả việc G-8 phải xây dựng một kế hoạch chi tiết giải quyết tình hình chính trị hậu Assad. Bảy nước tham gia hội nghị đã sẵn sàng ký kết văn kiện trên, nhưng vấn đề ra đi của Tổng thống Syria không thể chấp nhận được đối với nước Nga. Nguyên thủ nước Nga, như nhiều phương tiện truyền thông đã nhận xét, trong những vấn đề về cuộc xung đột Syria và số phận tiếp theo của ông Asad đã ở vào thế một mình chống lại G-7.

Văn kiện chung cuối cùng dầu sao cũng đã được tất cả các thành viên thông qua, nhưng điều chủ yếu là trong bản chỉnh sửa phù hợp với đường lối ngoại giao Nga không có đòi hỏi ông Asad phải ra đi, nhưng lên án việc sử dụng vũ khí hóa học của bất kỳ bên tham chiến nào trong cuộc xung đột, không riêng gì quân chính phủ. G-8 cũng nhất trí việc cần phải tiến hành hội nghị Geneva và nhấn mạnh cần có một giải pháp chính trị cho vấn đề với sự tham gia của tất cả các bên trong cuộc đột. Sự cần thiết phải loại trừ "Al-Qaeda" và các phe nhóm khủng bố khác khỏi tiến trình chính trị được đề cập ở một mục riêng. Đồng thời, phía Nga nhất trí với nội dung về trách nhiệm đặc biệt của chính phủ Syria trong việc tôn trọng quyền con người và các công ước nhân đạo quốc tế. Tất cả những điều này cho thấy các cuộc đối thoại về những bất đồng lớn trong G-8 đã được cường điệu ít nhiều và khẳng định một điều là, các phương án dự phòng của giải pháp ngoại giao chưa phải là đã hết. Và theo kết quả hội nghị thượng đỉnh thì ông Barac Obama cho thấy, nước Mỹ không có ý định đưa quân vào Syria.

Nước Đức, hiểu rất rõ rằng, hiện nay đang cần phải giải quyết những vấn đề riêng về kinh tế, và như những lần trước, vẫn ủng hộ nước Nga. Điều này đã khoét sâu sự chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu, mà các nhà lãnh đạo của tổ chức này có khả năng hiểu các nhiệm vụ theo cách khác nhau, đang hành động không thống nhất, thường sa vào tranh cãi, điều đó dĩ nhiên gây khó khăn cho quá trình giải quyết các cuộc xung đột và tạo ra những điều kiện có lợi cho hoạt động của các phần tử cực đoan đủ loại. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi không để nước Nga bị cô lập, bởi vì không có Moscow cuộc xung đột ở Syria sẽ không thể giải quyết được, và đồng thời đã tuyên bố rõ ràng Đức không cung cấp vũ khí cho phe đối lập.

Thật khó mà khẳng định một cách chắc chắn, liệu hội nghị “Geneva-2” có diễn ra hay không, nhưng một kết quả rất quan trọng của hội nghị cấp cao về cuộc khủng hoảng Syria là, giờ đây không thể trong ngày một, ngày hai Mỹ sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Và điều này có nghĩa là, quân đội chính phủ Syria sẽ có đủ thời gian để tiếp tục chiến dịch tiến công vào những vị trí của các chiến binh và cơ hội để kết thúc thắng lợi hoạt động này. Hơn nữa, phe đối lập sẽ không có bất cứ cơ sơ nào đưa ra những điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn thương lượng.

Người ta thường so sánh hình thái ở Syria với tình hình ở Iraq hoặc Lybia. Nhưng thực tế nó giống hệt như những sự kiện ở Alger thập niên 90. Thời đó cũng có cảm tưởng rằng, Alger sẽ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực không ngừng lan rộng, và quân đội Alger không đủ khả năng trấn áp các nhóm Hồi giáo vũ trang, trên thực tế hoạt động ở khắp đất nước, mà ở đó quá dư thừa vũ khí. Bầu cử Tổng thống vào năm 1999, Alger trái với những dự báo ảm đạm đã đi theo cách riêng của mình, bước sang con đường hòa giải chính trị các bên xung đột với nguyện vọng chung là tạo ra những điều kiện để cùng hoạt động và tìm kiếm những mục tiêu phát triển tương lai chung trong khuôn khổ mô hình một quốc gia dân tộc-Hồi giáo. Toàn bộ tiến trình chính trị sau đó chỉ củng cố khuynh hướng này. Liên minh các lực lượng thân chính phủ (mà trong đó có Đảng Hồi giáo ôn hòa “Phong trào xã hội vì hòa bình”, đã giành được đa số ghế trong cơ quan lập pháp của chính quyến) đã hoạt động cùng với hai lực lượng chính trị khác là liên minh các đảng Hồi giáo và Berber và những đại biểu độc lập.

Ở Alger sự cân bằng lực lượng này đã có từ lâu trước giai đoạn nội chiến, kéo dài gần 10 năm, và giai đoạn tổ chức hệ thống chính trị mới cũng dài như thế. Giai đoạn này nhằm xây dựng một cơ cấu nhà nước, có khả năng đứng vững và đối phó với các âm mưu dự kiến gây mất ổn định. Mô hình như thế đã chứng minh được sức sống của mình trong giai đoạn “mùa xuân A Rập”, khi các cuộc biểu tình vừa nổ ra ở Alger đã nhanh chóng chấm dứt. Sự khác nhau là đáng kể, nhưng thể hiện ở chỗ, các cải cách chính trị ở Alger dù sao cũng được các nước Phương Tây hỗ trợ, đã tích cực ủng hộ Tổng thống Abdel Aziz Bouteflika từ những bước khởi đầu, và những nguồn thu từ dầu mỏ đã giúp quốc gia này ổn định được tình hình kinh tế và khôi phục hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

Khác với Alger, Syria trong khoảng thời gian kéo dài nhiều tháng trên thực tế đã sống trong trạng thái bị bao vây bởi vô số mối đe dọa bên ngoài, từ phía cộng đồng thế giới, điều này, dĩ nhiên, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình ổn định tình hình. Và những cải cách chính trị vừa bắt đầu đã phải giải quyết cuộc xung đột với lực lượng chính trị đối lập, thực hiện những yêu sách của họ (trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới, chấp nhận đa đảng, bầu cử), trên thực tế ngay lập tức bị các lực lượng bên ngoài cô lập, tuyên bố Tổng thống Syria không hợp hiến. Cuộc đấu tranh vũ trang sau đó có đặc điểm không thể kiểm soát được vì Syria là nơi đan xen lợi ích của các đối thủ trong và ngoài khu vực, điều này đã làm cho giải pháp chính trị trở nên bế tắc.

Moscow, vẫn như trước đây, ủng hộ đối thoại giữa các phe xung đột với sự tham gia của các nước hữu quan, bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Arabia Saudi. Quan điểm này của nước Nga bày tỏ thiện chí muốn lựa chọn công cụ để thông qua một giải pháp chính trị trong thế giới đa cực, nhưng hoàn toàn không ủng hộ việc trao quyền giải quyết tất cả những vấn đề nội bộ và khu vực bằng biện pháp quân sự cho một nhóm quốc gia riêng biệt. Nga đã thi hành một chính sách nhất quán trong vấn đề Syria, và chính sự kiên định như thế đã cho phép duy trì được tình hình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Quá trình tương lai sẽ là Hồi giáo hóa hay dân chủ hóa khu vực Trung Đông, hiển nhiên phụ thuộc vào việc cuộc khủng hoảng này được giải quyết bằng phương pháp nào. Không can thiệp vào công việc của Syria sẽ mở ra những triển vọng cho công cuộc xây dựng lại đất nước này trong tương lai. Thông cáo chung khi bế mạc Hội nghị cấp cao về Syria được thông qua với sự đồng thuận của nước Nga nhắm tới chính điều này và kêu gọi ngăn cản các nước trong khu vực không can dự vào cuộc khủng hoảng Syria. Và với nghĩa này, nước Nga trong Hội nghị cấp cao G-8 đã là người chiến thắng, mà như mọi người đều rõ, luôn luôn chỉ có một người chiến thắng.

Đỗ Ngọc Inh
Theo “Bình luận quân sự” Nga

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Công an tìm bị hại vụ người bán cháo lòng mạo danh Cục phó Cảnh sát hình sự để lừa 'chạy án'
Công an tìm bị hại vụ người bán cháo lòng mạo danh Cục phó Cảnh sát hình sự để lừa 'chạy án'
TPO - Công an xác định từ tháng 8/2024 đến ngày 9/10, Hoàng Văn Thảo dùng nhiều thủ đoạn gian dối, giả danh là cán bộ để chạy án, chiếm đoạt tài sản của nhiều người có liên quan. Do đó, Công an tỉnh Bình Thuận thông báo tìm người bị hại liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do đối tượng Thảo thực hiện.