> Quân đội Ai Cập truy bắt 200 lãnh đạo Huynh đệ Hồi giáo
> Mỹ bối rối khi Tổng thống Ai Cập bị lật đổ
> Quân đội Ai Cập tuyên bố đang giữ Tổng thống Morsi
Người ủng hộ ông Morsi hô khẩu hiệu trong lúc tụ tập ở Cairo hôm 4/7. Ảnh: AP. |
Quân đội Ai Cập tuyên bố sẽ đảm bảo quyền biểu tình hòa bình của người dân, còn Tổng thống lâm thời Adly Mahmud Mansour cam kết sẽ tổ chức bầu cử dựa trên “nguyện vọng chính đáng của người dân”. Nhưng phát ngôn viên của Anh em Hồi giáo Gehad al-Haddad tuyên bố tổ chức này sẽ bất hợp tác với chế độ mới, trong khi Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi và khoảng 300 quan chức thuộc lực lượng Anh em Hồi giáo đang bị quản thúc.
Ông Morsi và 35 nhân vật của Anh em Hồi giáo còn bị cấm đi lại để phục vụ điều tra nghi ngờ kích động bạo lực chống lại người biểu tình phản đối ở thủ đô Cairo và một số thành phố khác, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, trang tin nhà nước Al-Ahram cho biết.
Người ta lo ngại sẽ xảy ra xung đột giữa lực lượng ủng hộ và phản đối ông Morsi. Có báo cáo nói rằng, những người ủng hộ ông Morsi ở thị trấn phía bắc Cairo đã bị đánh đập.
Sáng sớm hôm qua, một người lính bị bắn chết khi các tay súng Hồi giáo tấn công đồn cảnh sát và quân đội trên bán đảo Sinai bằng rocket và súng cối. Các chốt kiểm tra an ninh tại sân bay al-Arish gần biên giới với Israel và Dải Gaza cùng một đồn cảnh sát ở thành phố Rafah cũng bị tấn công. Tại Sinai xảy ra hàng loạt vụ tấn công quân sự suốt 2 năm qua, nên vẫn chưa rõ những cuộc tấn công mới nhất có liên quan việc ông Morsi bị phế truất hay không.
Bài học đẫm máu
Có đến 200.000 người thiệt mạng suốt một thập kỷ nội chiến ở Algeria sau khi quân đội nước này phủ nhận kết quả bỏ phiếu phổ thông ủng hộ ứng cử viên Hồi giáo. Đây là bài học mà nhiều người Ai Cập nhắc lại sau khi quân đội nước này hạ bệ tổng thống vài ngày trước.
Lộ trình của quân đội vạch ra cho thời hậu Morsi: - Tạm đình chỉ hiến pháp - Chính phủ kỹ trị dân sự trong giai đoạn chuyển giao - Tòa án hiến pháp tối cao chuẩn bị bầu cử tổng thống và nghị viện - Soạn thảo “Hiến pháp danh dự” |
Những ứng viên theo đường lối Hồi giáo cực đoan chưa từng được cầm quyền ở Algeria, còn ông Morsi đã lãnh đạo Ai Cập được 1 năm. Từ khi bước vào chính trường Ai Cập kể từ “Mùa xuân Ảrập” (lật đổ nhà lãnh đạo Hosni Mubarak năm 2011), tổ chức Anh em Hồi giáo và các đồng minh bảo thủ cực đoan mất nhiều người ủng hộ, đặc biệt là người trẻ.
Ông Essam El-Haddad, cố vấn an ninh quốc gia của ông Morsi, vừa viết trên Facebook: “Thông điệp sẽ vang vọng khắp thế giới Hồi giáo là dân chủ không dành cho người Hồi giáo”. Ông Mohamed Nufil, một cựu quan chức chính phủ, nhận định: “Khi xảy ra đảo chính, Ai Cập sẽ có hai lựa chọn: Sẽ giống Syria hoặc Algeria hồi những năm 1990. Điều đó sẽ xảy ra”.
Những người ủng hộ ông Morsi coi sự can thiệp của quân đội là cuộc đảo chính, trong khi chính quyền Ai Cập hiện nay nói rằng họ chỉ hành động theo mong muốn của người dân. Tương lai của Ai Cập sẽ phụ thuộc vào việc quân đội xử lý giai đoạn chuyển giao và các tổ chức Hồi giáo thích nghi với lộ trình thay đổi đất nước như thế nào.
Đảng Nour, tổ chức chính trị Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập (sau Anh em Hồi giáo) đã chấp nhận kế hoạch do quân đội đưa ra, đồng thời kêu gọi người ủng hộ kiềm chế bạo lực. “Trước khi ai đó quyết định hy sinh vì vị trí của Tổng thống Morsi thì hãy nghĩ đến việc họ sẽ mất cả hai”, tổ chức này tuyên bố hôm qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, chấp nhận kế hoạch của quân đội cũng không dễ dàng gì.
Ông Yasssir al-Sirri, cựu sĩ quan Ai Cập hiện sống ở Anh, điều hành một tổ chức hoạt động vì nhân quyền và báo chí Hồi giáo, cho rằng “cuộc đảo chính” chống lại ông Morsi đã đẩy Ai Cập vào giai đoạn nguy hiểm. “Giờ đây người dân không có niềm tin vào hành động hòa bình, và họ không tin rằng thay đổi sẽ diễn ra theo con đường hòa bình. Đó là vấn đề lớn”, ông Sirri nói.
TRÚC QUỲNH
Tổng hợp