Hội nghị thượng đỉnh G8: 'Nóng' vì Syria

Hội nghị thượng đỉnh G8: 'Nóng' vì Syria
TP - Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản hôm qua bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh tại Bắc Ailen, với chương trình nghị sự tập trung vào nội chiến Syria, khủng hoảng kinh tế toàn cầu…

> 'Bàn đạp' của Mỹ đảo ngược chiến cuộc Syria?
> Iran điều 4.000 quân tới Syria hỗ trợ tổng thống Assad

Bất đồng chuyện cấp vũ khí

Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 39, Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là cố gắng thuyết phục ông Putin đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào bàn đàm phán, nhưng nhà lãnh đạo Nga chưa có dấu hiệu đồng thuận nào. Ngược lại, nhà lãnh đạo Nga kịch liệt phản đối phương Tây với kế hoạch cấp vũ khí cho quân nổi dậy chống lại chính phủ Syria.

Trước khi cuộc họp diễn ra, ông Putin mô tả kẻ thù của Tổng thống Assad là những kẻ ăn thịt đồng loại, dám ăn cả tim gan kẻ thù ngay trước ống kính báo chí.

Sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm chủ nhật, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, hai bên bất đồng về vấn đề Syria, nhưng cùng chung mục tiêu là chấm dứt cuộc xung đột. Ông Putin nói rằng, cả quân chính phủ và phe nổi dậy ở Syria “tay đều dính máu”; Nga không vi phạm điều luật nào khi cung cấp vũ khí cho “chính phủ hợp pháp của Syria”.

Cuối tuần trước, Mỹ thông báo sẽ cung cấp vũ khí cho một số nhóm nổi dậy ở Syria vì có bằng chứng khẳng định lực lượng của Tổng thống Assad đã dùng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh nói rằng, London ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Syria, nhưng chưa quyết định có cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở nước này.

Ngày 17/6, ông Cameron nói rằng, các bên đều muốn thấy Syria đi theo tiến trình hòa bình, nhưng điều đúng đắn là phương Tây nên “giúp đỡ, trợ giúp và tư vấn” cho quân nổi dậy Syria. Thủ tướng Cameron khẳng định ủng hộ Mỹ lập vùng cấm bay ở Syria để gia tăng áp lực đối với ông Assad.

Trong khi đó, phía Nga phản đối việc lập vùng cấm bay. Cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua ở Syria đã khiến khoảng 93.000 người thiệt mạng, theo Liên Hợp Quốc.

Theo Thủ tướng nước chủ nhà, hội nghị thượng đỉnh G8 cũng sẽ đề cập các vấn đề kinh tế toàn cầu. Dự kiến, các đại biểu tập trung thảo luận biện pháp đối phó tình trạng trốn thuế (với thiệt hại ước tính 3.000 tỷ USD mỗi năm).

Họ cũng sẽ bàn vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, đường lối phát triển của Iran… Thỏa thuận tự do thương mại Mỹ - EU cũng là chủ đề lớn lần này. Trước khi cuộc họp khai mạc, ông Cameron và ông Obama đã gặp Thủ tướng Ý Enrico Letta, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande để chuẩn bị cho các cuộc hội đàm về thỏa thuận tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương này.

Thủ tướng Anh ước tính trị giá của thỏa thuận có thể lên tới 10 tỷ bảng (hơn 323.000 tỷ đồng), tạo ra nhiều việc làm, nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng và làm giảm giá cả hàng hóa.

Đúng lúc tình báo Anh “lên thớt”

Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra ngay khi báo The Guardian (Anh) hôm qua đưa tin Anh theo dõi các đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại London năm 2009.

Báo này nói rằng, những tài liệu do cựu kỹ thuật viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ cho thấy cơ quan tình báo Anh đã giám sát máy tính của các quan chức nước ngoài dự hội nghị năm đó.

Tình báo Anh bị cáo buộc lập ra những quán café giả để đọc email của các đại biểu, đồng thời truy cập điện thoại BlackBerry của một số quan chức để theo dõi email và cuộc gọi. Bộ trưởng tài chính và 15 thành viên khác của đoàn Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số bị theo dõi.

Bài báo của The Guardian nói rằng, tài liệu bị rò rỉ cho thấy, chiến dịch theo dõi nhận được sự đồng ý về nguyên tắc của quan chức cấp cao trong chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Gordon Brown.

Các nhà quan sát cho rằng, thông tin này có thể gây căng thẳng giữa đại diện của các nước trong cuộc họp thượng đỉnh lần này. Thủ tướng Cameron từ chối bình luận, nói rằng ông “không bao giờ bình luận các vấn đề tình báo và an ninh”.

An ninh quanh khu vực diễn ra hội nghị thượng đỉnh G8 (từ 17 đến 18/6) đang được thắt chặt vì nơi đây là nam châm thu hút người biểu tình. Hàng rào kim loại dài 6,5km, cao 3m đã được dựng lên quanh khu resort sân golf, nơi tổ chức cuộc họp. Khoảng 8.000 cảnh sát được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh tại địa điểm này.

Tình báo Mỹ từng nghe lén Tổng thống Nga

The Guardian cũng dẫn tài liệu do anh Snowden tiết lộ rằng, trong thời gian diễn ra Hội nghị G20 tại London năm 2009, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã tìm cách nghe lén các cuộc nói chuyện của ông Dmitry Medvedev (lúc đó là Tổng thống Nga) bằng điện thoại vệ tinh.

Hôm qua, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough nói rằng, Snowden đã phóng đại khi tuyên bố rằng anh có thể nghe mọi cuộc điện đàm, kể cả của Tổng thống Mỹ.

Trúc Quỳnh
Theo BBC, The Guardian, CBC News

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG