Mỹ: Bí mật thu thập dữ liệu điện thoại của dân

Mỹ: Bí mật thu thập dữ liệu điện thoại của dân
TP - Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đang thu thập dữ liệu điện thoại cá nhân của hàng chục triệu người dân Mỹ.

Báo Guardian hôm qua đưa tin, tòa án Mỹ đã bí mật ra lệnh cho hãng Verizon nộp dữ liệu điện tử của mọi khách hàng về các cuộc gọi hằng ngày. Trung tâm Quyền hiến pháp Mỹ cho rằng, đây có vẻ là lệnh giám sát quy mô lớn nhất từng được ban hành. 

Trát của tòa yêu cầu Verizon, một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại lớn nhất ở Mỹ, cung cấp thông tin về số điện thoại, số thẻ gọi điện thoại, dãy số IMSI, số IMEI, kèm theo thời gian cuộc gọi, nhưng không bao gồm nội dung, tên, địa chỉ hay thông tin tài chính của người gọi. Văn bản do Guardian tiết lộ được thẩm phán Roger Vinson ở Tòa án giám sát tình báo ký ngày 25/4 và có hiệu lực đến 19/7.

Đạo luật ái quốc được thực thi dưới thời Tổng thống George Bush cho phép Chính phủ tiếp cận dữ liệu điện thoại của doanh nghiệp để phục vụ các cuộc điều tra tình báo và khủng bố quốc tế.

Văn bản mới bị tiết lộ “cho thấy đây là lần đầu tiên dữ liệu liên lạc của hàng triệu người dân Mỹ bị thu thập bừa bãi trên quy mô lớn dưới thời chính quyền Barack Obama, bất chấp họ có bị nghi ngờ làm gì sai trái hay không”, Guardian nhận xét. Tháng trước, Nhà Trắng bị chỉ trích gay gắt sau khi thông tin Chính phủ thu thập dữ liệu của các nhà báo làm việc cho hãng tin AP bị tiết lộ.

Những câu chuyện này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, Nhà Trắng cân bằng thế nào giữa nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và tôn trọng quyền riêng tư.

Chính quyền Obama từng bị chỉ trích gay gắt vì xử lý mạnh tay những người làm lộ tin, trong đó có vụ nỗ lực kết tội hình sự nhà báo James Rosen của Fox News vì anh này khai thác nguồn tin từ Bộ Ngoại giao về vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Một nhà làm phim Mỹ bị tống giam ở Venezuela với cáo buộc làm gián điệp cho Washington bị trục xuất về nước hôm qua, AP đưa tin. Timothy Tracy, 35 tuổi, bị bắt hồi tháng 4 tại một sân bay gần thủ đô Caracas khi đang chuẩn bị rời Venezuela.

Nhà làm phim này có mặt ở quốc gia Mỹ Latin để thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc bầu cử chọn người kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez, sau khi ông qua đời vào tháng 3 vì ung thư.

Theo một số nguồn tin Venezuela, lực lượng tình báo nước này theo dõi Tracy từ cuối năm 2012 và phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy nhà làm phim này câu kết với các thành phần chống Chính phủ Venezuela để khuấy động “nội chiến”.

Ông Tracy được thả chỉ vài giờ trước khi các nhà ngoại giao hai nước đồng ý thảo luận vấn đề khôi phục quan hệ cấp đại sứ. Mỹ và Venezuela chưa trao đổi đại sứ từ năm 2010.

Trúc Quỳnh
Theo BBC, AP, Guardian

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.