* Thịt chuột giả thịt cừu
> Trung Quốc: Thịt cừu rởm chứa chất độc hại
> Những thực phẩm Trung Quốc dính tai tiếng tại Việt Nam
Gia đình bé gái 5 tuổi đau buồn trước thi thể em trong nhà xác ở huyện Pingshan, tỉnh Hà Bắc hôm 1/5. Ảnh: China Daily. |
Ngày 2/5, chính quyền huyện Pingshan (tỉnh Hà Bắc) thông báo, sáng 24/4, trên đường đưa hai cháu gái tới trường mẫu giáo ở xã Lianghe, huyện Pingshan, bà Ren Shuting nhặt được chiếc túi chứa một chai sữa chua và vài quyển vở. Bà Ren mang chiếc túi về nhà. Chiều hôm đó, hai cháu gái 5 và 6 tuổi trở về nhà, thấy chai sữa chua liền lôi ra uống, trong khi bà Ren đang nấu cơm.
Sau đó, người nhà phát hiện hai bé gái nằm trên mặt đất, miệng sùi bọt, toàn thân co giật. Vài tiếng sau, người chị 6 tuổi chết trên xe cứu thương, trong khi người em tử vong ngày 1/5, sau một tuần nằm viện. Bà Ren cũng uống một hớp sữa chua sau khi hai cháu gái nói sữa có vị đắng. Bà cũng phải nằm viện vài ngày.
Yu Pengcheng, một lãnh đạo của Công an huyện Pingshan, nói rằng, sữa chua mà bà cháu Ren uống chứa chất độc tetramine - thành phần chính của thuốc diệt chuột cực mạnh. Điều tra sơ bộ của cảnh sát cho thấy, sữa chua pha thuốc chuột được đặt trên đường và người làm việc này liên quan tới trường mẫu giáo cạnh tranh với trường của hai bé gái xấu số.
Hạ độc đối thủ
Theo cảnh sát địa phương, hai nghi phạm, hiệu trưởng Shi Haixia và ông Yang Wenming, đã thú nhận là họ pha thuốc chuột vào sữa chua và để chai sữa trên đường. Kế hoạch của họ là phá hoại uy tín của trường mẫu giáo đối thủ.
Bà Shi cạnh tranh, tranh chấp với trường của hai bé gái về việc tuyển sinh. Cảnh sát nói rằng, bà này cho thuốc chuột vào sữa chua và bảo ông Yang đặt chai sữa cùng một vài quyển vở trên đường tới trường mẫu giáo đối thủ ngày 24/4.
Những năm gần đây, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc bắt đầu tăng số lượng trường mẫu giáo công lập. Ở thủ đô Bắc Kinh, 118 trường công sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Tỉnh Quảng Đông cũng có kế hoạch tương tự, cam kết nâng tỷ lệ trường mẫu giáo công lập lên 30% vào cuối năm 2013. |
Một quan chức huyện Pingshan nói rằng, chính quyền địa phương đang áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ trẻ em. Tất cả trường mẫu giáo trong huyện được yêu cầu kiểm tra thức ăn cho học sinh một cách nghiêm ngặt.
Bà Yuan Ailing, giáo sư giáo dục phổ thông công tác tại Trường Cao đẳng Khoa học Đời sống, nhận định: “Đây là ví dụ rõ nét nhất về tình trạng thiếu giám sát ở bậc giáo dục mầm non”. Giống như những trường hợp lạm dụng trẻ em thường xuyên diễn ra, vụ sữa độc lần này bắt nguồn từ việc chính quyền địa phương thiếu giám sát, bà Yuan nói.
“Dù nhiều sở ban ngành có trách nhiệm quản lý các trường mẫu giáo, nhưng họ không thực hiện nhiệm vụ giám sát phối hợp một cách có hiệu quả”, bà nhận xét.
Theo bà Yuan, việc thiếu đầu tư cho các trường mẫu giáo công dẫn tới việc thiếu trường lớp. Các trường tư mọc lên để lấp chỗ trống, nhưng nhiều cơ sở không có đủ tiền để thuê giáo viên đạt chuẩn, nên không thu hút được nhiều học sinh. “Chính quyền địa phương cần tăng hỗ trợ tài chính cho các trường mẫu giáo và kiểm soát việc thành lập các trường tư nếu trên địa bàn đã có đủ trường”, bà nói.
Phá đường dây thịt chuột giả cừu quy mô lớn
Cảnh sát Trung Quốc mới đây triệt phá ổ nhóm làm giả thịt cừu từ thịt chuột, bắt giữ 63 người trong đường dây buôn bán trị giá hơn 10 triệu nhân dân tệ (hơn 34 tỷ đồng) từ năm 2009.
Thịt chuột? Thật kinh tởm! Mọi thứ chúng ta ăn đều là chất độc Một blogger của mạng xã hội Sina Weibo nổi tiếng Trung Quốc |
Từ cuối tháng 1, cảnh sát bắt giữ 904 đối tượng làm và bán thịt giả hoặc thịt nhiễm độc, Bộ Công an Trung Quốc hôm qua thông báo trên website của cơ quan này.
Trong chiến dịch triển khai trên cả nước, cảnh sát thu giữ hơn 20.000 tấn thịt giả hoặc thịt bẩn, sau khi đột nhập một số cơ sở sản xuất thực phẩm.
Trong đợt truy quét vừa qua, cảnh sát phát hiện một người họ Wei dùng gia vị để biến thịt chuột thành thịt cừu rồi bán ở thành phố Thượng Hải và tỉnh Giang Tô. Dù cảnh sát liên tục truy quét, “tội phạm thực phẩm vẫn tràn lan, nhiều vụ việc mới nổi lên với nhiều đặc điểm mới”, Bộ Công an Trung Quốc thông báo.
Hồi tháng 3, hơn 16.000 con lợn chết nổi lềnh bềnh trên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải. Nguyên nhân được cho là các trại lợn nuôi quá nhiều lợn và không kiểm soát được dịch bệnh. Bộ Công an thông báo, cảnh sát đã tịch thu hơn 15 tấn thịt lợn bẩn ở tỉnh An Huy. Tính từ giữa năm 2012, có tới 60 tấn thịt lợn bẩn được bán ra ở hai tỉnh An Huy và Phúc Kiến.
Bình Giang - Thái An
Theo China Daily, Xinhua, BBC