Một thiên niên kỷ trước, nhà văn Ali ibn Nasr al-Katib ở Baghdad (Iraq) đã viết một cuốn sách hướng dẫn cách làm tình với tên gọi "Bách khoa toàn thư khoái lạc" với những lời khuyên hàng đầu trước khi "lâm trận" như trò chuyện, hôn, khêu gợi... Nhưng đối với Azza - một phụ nữ trung lưu ở độ tuổi 40 ở Cairo (Ai Cập), những khúc dạo đầu như thế ngày càng bị cắt ngắn. "Tất cả chỉ 5 phút, và chỉ có vậy. Cũng có hôn, nhưng chắc được 1 phút, sau đó là sex. Lâm trận xong, anh ta lăn quay ra ngủ hoặc xem tivi" - Azza thổ lộ.
Azza không phải là phụ nữ duy nhất, những câu chuyện tương tự như của cô có thể được nghe thấy vô số trong thế giới Arab. Bà Shereen El Feki - tác giả cuốn sách mới xuất bản "Sex and the Citadel: Intimate Life in a Changing Arab World" (Tình dục và thành trì: Cuộc sống riêng tư trong thế giới Arab đang thay đổi) đã gặp rất nhiều phụ nữ và đàn ông để nói chuyện về vấn đề được xem là nhạy cảm trong bối cảnh bất ổn chính trị đang lan rộng trong thế giới Arab. "Nếu bạn thực sự muốn hiểu về một người, hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào bên trong giường ngủ của họ" - bà nói.
Trong thế giới Arab, tình dục chỉ được chấp nhận là tình dục khác giới, được gia đình, tôn giáo và pháp luật chấp nhận. Tất cả những hình thái còn lại đều bị cấm hoặc bị coi là đáng xấu hổ hoặc bất lịch sự.
Thực tế, một bộ phận rất lớn người dân ở những nước này cảm thấy ngột ngạt trong những "thành trì" cứng nhắc đó, đặc biệt là giới trẻ - những người không tìm được việc làm và không đủ tiền để kết hôn hòng có được đời sống tình dục hợp pháp. Thậm chí khi đã có hôn thú thì sex là một cái gì đó để làm chứ không để đem ra bàn cãi. Và khi sex đã bị công khai, chẳng hạn đưa lên báo, thì đa phần đều là một cuộc khủng hoảng, scandal hoặc thảm kịch.
Khi nói đến những "thảm kịch" thì phụ nữ là những người chịu đựng nhiều nhất. Động cơ kiểm soát "bản năng giới tính" là một tập tục vô cùng lạc hậu và dã man, song vẫn có đất sống, và sống khỏe trong thế giới Arab.
Chỉ riêng ở Ai Cập, 80% nữ giới trong độ tuổi từ 15 đến 17 bị cắt âm vật nhằm "chế ngự bản năng tình dục", chẳng hạn để phòng tránh họ ngoại tình khi lấy chồng; chưa đến 5% các em gái được học giáo dục giới tính ở trường. Sự phân biệt này cũng được thể hiện trong luật, ví dụ cho phép kẻ hiếp dâm thoát hoặc nhẹ tội hơn nếu cưới nạn nhân.
Còn vô số những câu chuyện bi hài mà tác giả Shereen El Feki nghe được. Đó là các cô gái trẻ vì sợ mất trinh và mất cơ hội kết hôn đã đồng ý quan hệ qua đường hậu môn, nhưng không dám đòi bạn tình đeo bao caosu, dẫn đến kết cục bị nhiễm HIV/AIDS. Đó là những bà vợ muốn được “yêu” nhiều hơn nữa trên giường ngủ, nhưng ngại nói ra vì sợ chồng không bằng lòng.
Ai Cập, Tunisia, Libya hay Yemen có thể đã thoát khỏi chế độ phụ hệ, song tư tưởng gia trưởng vẫn ăn sâu bám rễ trong xã hội, kể cả ở phụ nữ già và trẻ, có học hay ít học.
Bạo lực tình dục trong và ngoài hôn nhân cũng là một thực tế đáng tiếc trong cuộc sống ở thế giới Arab. Chỉ cần hỏi hơn một nửa các cô gái trẻ Ai Cập từng bị lạm dụng tình dục ngay trên phố hoặc 1/3 số phụ nữ Tuinisia bị bạo hành bởi những người thân yêu nhất, hay những phụ nữ bị hãm hiếp như một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Syria sẽ biết ngay sự khủng khiếp đến mức nào.
Chính trị, tôn giáo và tình dục là 3 "ranh giới đỏ" trong thế giới Arab, đó là những điều không được giải quyết bằng lời hay hành động. Tuy nhiên, may mắn là phụ nữ Arab đang có xu hướng không cam chịu mà vùng lên chứng tỏ mình.
Chẳng hạn ở Ai Cập, vụ tấn công tình dục phụ nữ mới đây tại quảng trường Tahrir đã cổ vũ rất nhiều chị em lên tiếng và nói ra lập trường của mình. Đây là dấu hiệu cho thấy đã có sự tự do biểu đạt, tự do hành động mà hàng triệu phụ nữ đang hy vọng thay đổi.
Theo Vân Anh
Lao Động