Cuộc tấn công tồi tệ nhất sau vụ 11/9

Cuộc tấn công tồi tệ nhất sau vụ 11/9
TP - Chiều 15/4 (giờ Mỹ), hai quả bom liên tiếp phát nổ gần vạch đích cuộc thi marathon quốc tế ở thành phố Boston, làm ít nhất 179 người thương vong, khiến Mỹ và một số nước khác phải tăng cường an ninh ở các thành phố lớn.

> Mỹ tăng cường tìm bom ở Boston
> Truy lùng nghi can đánh bom khủng bố Boston
> Vụ nổ khủng bố thứ ba ở Boston, Mỹ

Bom nổ gần vạch đích. Ảnh: AP
Bom nổ gần vạch đích. Ảnh: AP.

Hai vụ nổ trên hè phố Boylston cách nhau khoảng 90m, diễn ra trong vòng 12 giây chiều 15/4, thổi tung đám đông cổ vũ gần vạch đích cuộc thi Marathon Boston 2013.

Vào lúc 4 rưỡi chiều, vụ nổ thứ ba xảy ra gần Thư viện John Fitzgerald Kennedy, nhưng không ai bị thương. Cảnh sát nói rằng, vụ cháy nổ tại đây là do trục trặc điện, không liên quan hai vụ nổ bom trước đó.

Tối qua, cảnh sát Mỹ khẳng định, ít nhất 3 người thiệt mạng và ít nhất 176 người bị thương trong vụ tấn công tồi tệ nhất trên đất Mỹ kể từ vụ khủng bố 11/9/2001.

Trong số ba người chết có một cậu bé 8 tuổi và một cô gái tuổi đôi mươi. Trong số người bị thương (từ 2 đến 63 tuổi), ít nhất 17 người đang trong tình trạng nguy kịch, nhiều người phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ chân. Một sĩ quan cảnh sát nói: “Ít nhất 25-30 người mất 1 chân hoặc 2 chân”.

Máu nhuộm hè phố

“Trong 28 năm qua, đây rõ ràng là vụ tồi tệ nhất mà tôi chứng kiến”, Ron Harrington, Sở Cứu hỏa Boston, nói. “Thân người và các bộ phận. Máu khắp nơi. Một cậu bé nằm trên phố. Một phụ nữ trẻ trong tầm 20-30 tuổi. Cả hai đã chết. Tôi nhìn thấy hai người có đôi tay lủng lẳng và một người bị mất một chân. Da thịt vẫn còn nằm trong chiếc giầy”, ông Harrington kể. Ngay sau hai vụ nổ, cảnh sát khiêng những người xem máu me đầy người tới các lều y tế dành cho người chạy marathon kiệt sức, để cố gắng cứu chữa họ.

Cảnh sát phản ứng khi nghe vụ nổ thứ hai, trong khi VĐV Bill Iffrig nằm trên mặt đất vì sức ép vụ nổ thứ nhất. Ảnh: Boston Globe
Cảnh sát phản ứng khi nghe vụ nổ thứ hai, trong khi VĐV Bill Iffrig nằm trên mặt đất vì sức ép vụ nổ thứ nhất. Ảnh: Boston Globe.

 Thân người và các bộ phận. Máu khắp nơi… Tôi nhìn thấy hai người có đôi tay lủng lẳng và một người bị mất một chân. Da thịt vẫn còn nằm trong chiếc giầy.

Ông Ron Harrington -
Sở Cứu hỏa Boston

Vụ nổ kép thổi tung hoặc quật ngã đám đông người xem và ít nhất một người chạy marathon, phá vỡ nhiều cửa sổ, tỏa ra các cột khói đen đặc bốc cao tới 15m... “Người ta bắt đầu đưa những người bị mất chân vào lều y tế dành cho người chạy mất sức”, vận động viên marathon Tim Davey nói.

Bác sĩ Allan Panter, người đứng gần vạch đích, nói ông cách nơi xảy ra vụ nổ thứ nhất khoảng 8m. “Tôi nhìn thấy ít nhất 6-7 người ngã xuống bên cạnh mình. Họ bảo vệ tôi khỏi vụ nổ. Một phụ nữ tử vong. Một người đàn ông mất cả hai chân. Hầu hết người gặp nạn bị thương ở hai chân”, ông Panter kể.

Hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên án vụ đánh bom ở Boston, gọi đó là “vụ bạo lực điên rồ”. Ông nói vụ đánh bom này kinh khủng hơn vì “diễn ra ở một sự kiện nổi tiếng vì đưa mọi người khắp thế giới đến với nhau trong tinh thần thể thao và hòa hợp”.

Ba mẹ con thương vong

Cậu bé Martin Richard 8 tuổi thiệt mạng khi em đang đứng gần vạch đích để chờ bố mình, ông Bill, cán đích là lao ra ôm hôn. Vụ nổ bom thứ nhất cũng khiến mẹ Richard là bà Denise bị thương nặng, phải phẫu thuật não và em gái 6 tuổi của cậu bé mất một chân. Anh trai Martin cũng xem cuộc thi marathon nhưng không bị thương trong vụ nổ.

Tối qua, một ngọn nến được thắp bên ngoài căn nhà gia đình cậu bé ở thị trấn Dorchester, thành phố Boston và từ “Peace” (yên bình) được viết trên vỉa hè.

Giúp đỡ người bị thương. Ảnh: AP
Giúp đỡ người bị thương. Ảnh: AP.

Bệnh viện Nhi Boston tiếp nhận 8 trẻ em bị thương trong vụ nổ, có em trong tình trạng nghiêm trọng. Một bé trai 2 tuổi bị thương ở đầu, một bé gái 9 tuổi bị thương ở chân, phải phẫu thuật và một bé trai 12 tuổi bị gãy xương đùi.

Bác sĩ Ron Walls ở Bệnh viện Phụ nữ nói rằng, ông không xác định được mảnh bom nào, nhưng nhìn thấy rất nhiều đồ vật đường phố làm người xem bị thương. “Đất đá, mẩu kim loại, lon soda, bất kỳ thứ gì bình thường như vậy ở gần vụ nổ đều có thể trở thành những mảnh vỡ chết người”, ông Walls nói.

Những người may mắn

Bill Iffrig, thợ xây nghỉ hưu 78 tuổi ở Washington, người chạy marathon kỳ cựu, gần đến đích thì “sức ép tấn công toàn bộ cơ thể tôi và đôi chân tôi bắt đầu run rẩy và mềm nhũn giống như bún”. Tuy nhiên, ông Iffrig trở thành gương mặt của cuộc thi vì dù ngã xuống đường sau vụ nổ đầu tiên, ông lồm cồm bò dậy và chạy tới đích.

Một nạn nhân của vụ đánh bom thảm khốc tại Boston, Mỹ. Ảnh: AP
Một nạn nhân của vụ đánh bom thảm khốc tại Boston, Mỹ. Ảnh: AP.

Gia đình một số nạn nhân trong vụ thảm sát trường học Sandy Hook cuối năm ngoái ngồi ở khu VIP gần vị trí xảy ra vụ nổ. Rất may, những người này cùng đội chạy marathon để tưởng nhớ các nạn nhân vụ xả súng đã không bị thương trong vụ nổ.

Ca sỹ Joey McIntyre của nhóm nhạc New Kids on the Block nổi tiếng một thời, nói rằng, anh vừa hoàn thành cuộc đua thì bom nổ. Anh tham gia chạy để quyên tiền cho bệnh nhân Alzheimer.

Bom làm từ nồi áp suất

Các bệnh viện lôi được các viên bi sắt, đinh, mảnh thép ra khỏi nhiều người bị thương. Các nguồn tin cảnh sát nói rằng bom được làm từ nồi áp suất 6 lít nhồi vòng bi, đinh sắt... Một quan chức chấp pháp liên bang nói rằng, cả hai quả bom phát nổ gần vạch đích cuộc thi marathon là loại bom nhỏ. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy không có C-4 hoặc chất nổ loại mạnh khác, chứng tỏ hai quả bom thuộc dạng thiết bị nổ sơ khai.

Ban đầu, các nguồn tin về chống khủng bố ở Boston nói rằng, ít nhất bảy thiết bị nổ được cài đặt trong thành phố, nhưng chỉ có 2 quả bom được kích nổ. Tuy nhiên, tối qua, một quan chức cảnh sát nói rằng, các điều tra viên phát hiện năm quả bom chờ nổ chỉ là các gói đồ khả nghi mà người dự thi marathon và người đi đường xô khỏi hiện trường sau vụ nổ.

Truy tìm người đàn ông mặc đồ đen

Chưa tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo họ đang tìm kiếm một người đàn ông da sẫm màu hoặc da đen, mặc quần áo đen, đeo ba lô đen, có khả năng nói giọng nước ngoài. Người này đã cố gắng lọt vào khu vực cấm trong cuộc thi marathon.

Các chuyên gia nói rằng, vụ tấn công có nhiều đặc điểm của al-Qaeda. FBI coi vụ đánh bom là tấn công khủng bố. Một quan chức Nhà trắng nói rằng, vụ tấn công được coi là hành động khủng bố.

Tổng thống Barack Obama thề sẽ truy tìm thủ phạm và đem chúng ra công lý. Tại Washington, trong bài phát biểu chiều tối 15/4 (giờ Mỹ), ông Obama nói: “Bất kỳ cá nhân nào, bất kỳ nhóm người nào chịu trách nhiệm cũng sẽ gánh chịu sức nặng công lý ở mức cao nhất”. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tìm ra ai làm việc này và bắt chúng chịu trách nhiệm”.

Sau vụ nổ bom ở Boston, tại New York, toàn bộ hơn 1.000 cảnh sát chuyên chống khủng bố được huy động. Ở quảng trường Thời đại, xe cảnh sát xếp hàng ngang tạo thành hàng lá chắn. Ở Washington, cảnh sát phong tỏa khu vực Nhà Trắng. Ngoài các điểm đông người liên quan chính trị, kinh tế, Mỹ đang lo bảo vệ an ninh cho các sự kiện văn hóa, thể thao lớn - miếng mồi mới dễ xơi của khủng bố.

Mỹ đang chuẩn bị kỷ niệm hai năm ngày họ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden (ngày 2/5/2011). Sau vụ đánh bom ở Mỹ, Nhật Bản tuyên bố thắt chặt an ninh ở các địa điểm quan trọng tại các thành phố của nước này. Trong khi đó, giới chức Anh thông báo cuộc thi marathon ở thủ đô London vẫn sẽ diễn ra vào Chủ nhật tới như kế hoạch, nhưng công tác an ninh cho sự kiện này sẽ được tăng cường.

Vụ đánh bom nhằm vào những người chạy chậm?

Cuộc thi Marathon Boston 2013 với đường chạy dài hơn 42km bắt đầu lúc 9 giờ sáng, nữ xuất phát trước. Lúc 11 giờ 58, Rita Jeptoo người Kenya về đích đầu tiên trong cuộc đua dành cho nữ, với thời gian chạy 2 giờ 26 phút.

Lúc 12 giờ 10, Lelisa Desisa người Ethiopia cán đích đầu tiên trong cuộc đua dành cho nam, với thời gian chạy 2 giờ 10 phút. Những người chạy chậm, chủ yếu là chạy vì mục đích từ thiện về đích lúc hai quả bom phát nổ lúc 2 giờ 50 chiều. Có tổng cộng 23.326 người đến từ hơn 90 nước tham gia cuộc thi, trong đó 17.584 người về đích trước vụ nổ.

Cuộc thi Marathon Boston được tổ chức vào Ngày yêu nước (ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng 4), từ năm 1897. Cuộc thi mỗi năm thu hút khoảng 20.000 người chạy và nửa triệu người xem.

Thái An
Tổng hợp

Có tên VĐV Việt Nam đăng ký dự Marathon Boston

Trong danh sách vận động viên (VĐV) đăng ký tham dự cuộc thi marathon ở Boston có một người mang quốc tịch Việt Nam, tới từ TPHCM. VĐV này đăng ký tên là “Ho Van, Dung V”, 38 tuổi, là nam giới và mang số hiệu 25957, xuất phát ở lượt/làn 3/9.

Một quan chức Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho hay, thể thao Việt Nam chưa từng có VĐV tham gia cuộc thi này theo đường chính thức, bởi nếu có thì ban tổ chức sẽ mời đích danh và đài thọ chi phí.

Ông Nguyễn Trung Hinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh TPHCM, nói rằng, nhiều khả năng VĐV “Ho Van, Dung V” là du khách hoặc Việt kiều dự giải theo phương diện cá nhân (tự đóng lệ phí và tham dự).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG