Mỹ cảnh giác công nghệ Trung Quốc
> Rộ ‘nghề’ làm ‘ảnh nóng’ giả tống tiền quan chức
Quy định mới về hạn chế mua hàng công nghệ Trung Quốc phản ánh nỗi lo ngày càng tăng của Mỹ về các vụ tấn công trên mạng của nước này
Một đạo luật ngân sách vừa được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành hôm 26-3 có điều khoản hạn chế các cơ quan chính phủ liên bang mua các hệ thống công nghệ thông tin của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters nhận định điều khoản này phản ánh nỗi lo ngày càng tăng của Mỹ về các vụ tấn công trên mạng của Trung Quốc. Hạ nghị sĩ Dutch Ruppersberger của Đảng Dân chủ cho biết ông ủng hộ sự hạn chế này vì nó giúp đánh động sự quan tâm của dư luận đến một thực tế rằng “chúng ta đang tiếp tục bị tấn công trên mạng, bị mất việc làm và bị đánh cắp nhiều tỉ USD”.
Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đang gây lo lắng về an ninh ở Mỹ. Ảnh: REUTERS. |
Điều khoản nói trên nằm trong đạo luật tiếp tục cấp ngân sách cho các bộ ngành liên bang từ nay đến hết năm tài khóa 2013. Nó quy định các bộ ngành của liên bang như Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) không được phép mua các sản phẩm công nghệ do Trung Quốc chế tạo, trừ khi việc mua bán này đã được các cơ quan thi hành luật pháp chấp thuận.
Điều khoản cũng yêu cầu các cơ quan này khi muốn mua các hệ thống công nghệ thông tin phải cùng các chuyên gia thực thi luật pháp đánh giá nghiêm túc về “nguy cơ của gián điệp mạng hoặc hành động phá hoại”. Việc đánh giá phải làm rõ “mức độ rủi ro gắn liền với các sản phẩm được sản xuất, lắp ráp” bởi bất kỳ tổ chức nào “thuộc sở hữu, được điều hành hoặc nhận trợ cấp của chính phủ Trung Quốc”.
Stewart A. Baker, cựu trợ lý bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhận định rằng biện pháp nói trên có thể giáng một đòn mạnh vào các công ty công nghệ Trung Quốc, nhất là hãng máy tính Lenovo. Theo báo cáo được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) công bố vào tháng 5-2012, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 129 tỉ USD các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, luật mới còn hạn chế việc mua sắm từ những công ty Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của nhà nước mà không cần biết họ sản xuất sản phẩm ở đâu. Ông Baker lý giải: “Điều này có nghĩa là các cơ quan chính phủ Mỹ có thể không được phép mua máy tính của Lenovo được sản xuất ở Đức hoặc điện thoại Huawei được thiết kế ở Anh”. Dù vậy, luật cũng có thể gây khó cho những công ty Mỹ bán thiết bị công nghệ thông tin cho Washington bởi họ có thể không biết những nhà cung cấp và công ty lắp ráp nào ở Trung Quốc đang chịu sự điều hành hoặc nhận trợ cấp của Bắc Kinh.
Quy định trên được đưa ra giữa lúc Mỹ lo lắng về nguy cơ các cuộc tấn công mạng và tình báo mạng có xuất xứ từ Trung Quốc. Nỗi lo này đặc biệt gia tăng sau khi Công ty An ninh mạng Mandiant cáo buộc một đơn vị thuộc quân đội Trung Quốc đã thực hiện các vụ tấn công và đánh cắp dữ liệu từ hệ thống máy tính của các công ty và tổ chức Mỹ. Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động tấn công vào hệ thống máy tính của Mỹ. Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hồi năm ngoái đã công bố một bản báo cáo hối thúc các công ty viễn thông Mỹ không làm ăn với 2 tập đoàn Huawei Technologies Co Ltd. và ZTE Corp. của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
Nga bắt 2 người Trung Quốc Văn phòng Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) vùng Sakhalin của Nga ngày 28-3 thông báo cảnh sát và các đặc vụ an ninh ở miền Viễn Đông đã bắt 2 người Trung Quốc bị tình nghi bán các thiết bị theo dõi lén và nghe trộm trái phép. Hai người này bán các cây bút bi được trang bị các thiết bị ghi âm, dây đeo chìa khóa ô tô và vòng đeo tay có gắn camera cỡ nhỏ tại trung tâm mua sắm ở Yuzhno - Sakhalinsk. Theo hãng tin RIA Novosti, 2 công dân Trung Quốc nêu trên không được tiết lộ danh tính. Tuy nhiên, nhà chức trách cho biết họ đã viết giấy bảo hành có thời hạn cho các vật dụng họ bán. Người phát ngôn FSB cho biết: “Giá các đồ vật này dao động từ 1.100 rúp đến 2.500 rúp”. Đồng thời, ông nhấn mạnh các “vật dụng gián điệp” này bị cấm bán ở Nga. Được biết, 2 nghi can này sẽ bị xét xử ở Nga và đối mặt với bản án 4 năm tù giam nếu bị kết tội. |
Theo Hoàng Phương
Người Lao Động