> Giáo hoàng Francis: Trách nhiệm của chúng ta là yêu thương
> Giáo hoàng Francis nhậm chức
Giáo hoàng Francis chào đón các tín đồ Công giáo và du khách nhiều nước ở Quảng trường Thánh Peter hôm qua. Ảnh: Ny Times. |
Bài thuyết giảng bằng tiếng Ý của tân Giáo hoàng Francis tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường, trẻ em, người già và người nghèo - những đối tượng thường không được ưu tiên quan tâm.
Sứ mệnh của Giáo hội cũng như các nhà lãnh đạo và người dân toàn thế giới là “tôn trọng mọi tạo vật của Thượng đế và tôn trọng môi trường chúng ta đang sống; là bảo vệ con người, thể hiện sự quan tâm, thương yêu lẫn nhau, đặc biệt là dành cho trẻ em, người cao tuổi và người nghèo - những người chúng ta thường nghĩ đến sau cùng”, Giáo hoàng Francis thuyết giảng.
Khi con người không quan tâm lẫn nhau, không bảo vệ môi trường là lúc trái tim chai sạn, mở đường cho sự hủy diệt, vị Giáo hoàng 76 tuổi, dẫn dắt 1,2 tỷ giáo dân, nói.
Tấm lòng hướng tới người nghèo và sự giản dị của Giáo hoàng Francis đã dấy lên hy vọng về sự thay đổi, đổi mới ở Giáo hội đang bị bao phủ bởi khủng hoảng toàn cầu, bê bối linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, rò rỉ tài liệu mật liên quan tham nhũng và đấu đá giữa các hồng y giáo chủ.
Lễ nhậm chức gần gũi
Trước lễ nhậm chức chiều qua, Giáo hoàng Francis dạo quanh Quảng trường Thánh Peter (đặt theo tên vị Giáo hoàng đầu tiên) đông nghịt người vẫy cờ, trong đó có nhiều cờ Argentina - quê hương của Ngài.
Giáo hoàng đứng trong chiếc jeep màu trắng, mui trần, không dùng xe chống đạn mà người tiền nhiệm Benedict thường đi. Giáo hoàng Francis thường xuyên dừng xe để chào những người trên Quảng trường, hôn các em bé và có lúc ra khỏi xe để cầu Chúa ban phúc cho một người tàn tật.
Giáo hoàng hôn một em bé trước lễ nhậm chức ngày 19/3. Ảnh: getty images. |
Trong lễ nhậm chức, Giáo hoàng Francis mặc áo lễ màu trắng điểm trang trí vàng và nâu, đi giày đen, thay vì đôi giày đỏ sang trọng, thu hút sự chú ý dưới thời Giáo hoàng Benedict XVI.
Buổi lễ được cắt ngắn còn hai giờ, thay vì ba giờ hồi Giáo hoàng Benedict nhậm chức năm 2005. Một số nghi lễ thuộc dạng “cờ đèn kèn trống” đã bị loại bỏ. Thay vì tất cả hồng y giáo chủ thể hiện sự vâng mệnh Giáo hoàng, chỉ có sáu người đại diện cho tất cả.
Ngày 18/3, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner gặp mặt Giáo hoàng Francis, đề nghị Ngài can thiệp vụ tranh chấp quần đảo Malvinas/Falkland với Anh. Bà Kirchner mong muốn có một cuộc đối thoại để giải quyết vấn đề trên, tránh mọi động thái liên quan quân sự dẫn đến xung đột. Giáo hoàng Francis chưa bình luận gì về đề nghị này. |
Nhiều người trong đám đông nói rằng, họ đặt nhiều hy vọng vào nhiệm kỳ của Giáo hoàng Francis, người lấy tông hiệu theo tên Thánh Francis của thành phố Assisi - một biểu tượng của nghèo đó, giản dị, từ thiện và tình yêu tự nhiên.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi là Giáo hoàng rất khiêm nhường, một giáo hoàng đời thường, hòa nhập với mọi người… Ngài sẽ dẫn dắt Giáo hội dựa trên hình mẫu Thánh Francis”, Isaac Adroamabe (quốc tịch Uganda), người đang theo học ở Rome để trở thành linh mục, nhận định.
Trên quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis quỳ và cầu nguyện trước mộ Thánh Peter, nhận từ tay Trưởng đoàn giáo chủ Hồng y chiếc nhẫn ngư phủ (mọi giáo hoàng đều đeo nhẫn này để tôn vinh Thánh Peter từng là ngư dân).
Chiếc nhẫn là đồ cũ và làm bằng vàng mạ bạc, thay vì vàng ròng như chiếc nhẫn của người tiền nhiệm. Tân giáo hoàng cũng được các hồng y giáo chủ trao cho tấm áo choàng làm từ lông cừu (tượng trưng cho vai trò dẫn dắt các con chiên).
Đông đảo quan khách, gồm 132 đoàn đại biểu nước ngoài, đại diện cộng đồng người Do Thái, Hồi giáo, Phật giáo… và khoảng 200.000 tín đồ Công giáo có mặt tại lễ nhậm chức của Giáo hoàng Francis, dưới sự đảm trách an ninh của 3.000 người, kể cả các tay súng bắn tỉa, chuyên gia gỡ bom… Các Tổng thống Argentina, Brazil, Chile, Costa Rica, Mexico và Paragoay; các Thủ tướng Đức, Tây Ban Nha, Pháp, lãnh đạo Liên minh châu Âu; các nhà lãnh đạo Giáo hội Cơ đốc giáo miền Đông… tham dự lễ nhậm chức.
Giáo trưởng xứ Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng tham dự. Đây là lần đầu tiên một giáo trưởng miền Đông tham dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng, từ khi Giáo hội Cơ đốc giáo phân chia thành miền Đông và miền Tây năm 1054.
Công việc cụ thể của Giáo hoàng
Sau lễ nhậm chức của Giáo hoàng Francis, với sự tham dự của 6 quốc vương, 31 nguyên thủ quốc gia và nhiều quan chức cấp cao khác, Ngài trở thành nguyên thủ của lãnh thổ có chủ quyền nhỏ nhất thế giới - Thành phố Vatican, cũng như trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của khoảng 1,2 tỷ tín đồ Công giáo khắp thế giới.
Nhiệm vụ của vị Giáo hoàng thứ 266 rất đa dạng. Những công việc thường xuyên của Ngài gồm có: ban phúc lành cho tín đồ và du khách vào Chủ nhật, từ cửa sổ phòng riêng trông ra Quảng trường Thánh Peter; hằng tuần thuyết giảng cho khoảng 5.000 người hành hương trong một thính phòng hiện đại vào mùa đông và ở ngoài trời (Quảng trường) vào mùa hè.
Giáo hoàng thường chủ trì các buổi lễ tôn giáo của tất cả dịp lễ lớn trong năm bên trong Vương cung thánh đường Thánh Peter, trong đó có Lễ Giáng sinh và Lễ Phục sinh. Giáo hoàng có một quản gia cùng một số ít nữ tu sĩ giúp việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp. Giáo hoàng Benedict và Giáo hoàng John Paul đều có hai thư ký riêng.
Một trong những nhiệm vụ của Giáo hoàng là ít nhất năm năm một lần gặp hơn 5.000 giám mục khắp thế giới, trung bình gần 1.000 người mỗi năm, hoặc 20 người mỗi tuần. Giáo hoàng còn phải tiếp các nguyên thủ quốc gia đến thăm và công du nước ngoài.
Giáo hoàng Francis đã có một số chuyến đi ở Rome trong một chiếc xe bình thường, không bị để ý. Ngài chắc chắn sẽ thường xuyên công cán ở Ý và nước ngoài; chuyến công du nước ngoài đầu tiên được dự đoán là đến Argentina. Chuyến đi đầu tiên của Giáo hoàng Francis trong nước Ý có thể là tới Assisi - nơi sinh của vị thánh mà Ngài ngưỡng mộ.
Thái An - Nguyễn Thủy
Tổng hợp