Ông Kerry đi châu Âu: Một công đôi việc

Ông Kerry đi châu Âu: Một công đôi việc
TP - Khác với người tiền nhiệm Hillary Clinton thăm châu Á đầu tiên sau khi nhậm chức, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến công du nước ngoài với những chặng đầu tiên là châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý…), rồi mới đến Trung Đông.

> Ai Cập phải tái xây dựng nền kinh tế
> Bí ẩn việc ông John Kerry trở thành Ngoại trưởng Mỹ

Trong khi chính sách “trọng tâm châu Á” của Mỹ được hiện thực hóa với những biểu hiện ngày càng rõ nét, việc ông Kerry thăm châu Âu trước tiên là đi ngược chủ trương, đường lối của chính quyền Tổng thống Barack Obama?

Trên thực tế, ông Kerry muốn tạo ra một chính sách đối ngoại thuộc loại “tầm nhìn xa trên 10.000 km”, “nhất tiễn song điêu”, góp phần làm giảm sự lo ngại của cả đồng minh truyền thống ở châu Âu lẫn người khổng lồ Trung Quốc đang trỗi dậy ở châu Á.

Các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương ít nhiều giảm bớt cảm giác bị Mỹ bỏ rơi để đi theo "người tình" mới mang tên châu Á - Thái Bình Dương.

Bốn năm qua, trong nhiệm kỳ một của mình, Tổng thống Obama không quan tâm đầy đủ đến liên minh xuyên Đại Tây Dương, bằng chứng là châu Âu hiếm khi được nêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Sự ủng hộ của ông Obama đối với hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu trong tương lai được đánh giá là nửa vời, là chơi vơi.

Trong thông điệp liên bang ngày 12-2, ông chỉ thêm một câu về hiệp định này vào phút cuối và lại ở sau phần tuyên bố về việc thực hiện hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.

Ông tuyên bố: “Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Mỹ, hỗ trợ việc làm Mỹ cũng như cấp độ sân chơi trong các thị trường châu Á đang lớn mạnh, chúng ta dự định hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Và tối nay, tôi tuyên bố chúng ta sẽ khởi động đàm phán về một hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương toàn diện với Liên minh châu Âu, bởi vì thương mại công bằng và tự do ở hai bờ Đại Tây Dương đem lại hàng triệu việc làm lương cao cho người Mỹ”.

Như vậy, dù Tổng thống Obama chưa dành nhiều tâm sức cho việc cải thiện quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry cũng phần nào thể hiện định hướng ngoại giao mới của ông Obama trong nhiệm kỳ hai.

Mỹ nghiêng về châu Âu, dù chút ít, cũng đồng nghĩa xa “trục châu Á”. Đấy là điều chắc chắn được Trung Quốc hoan nghênh, vì nước này luôn bày tỏ quan ngại trước sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương.

Trong chuyến công du tới 9 nước, kéo dài 11 ngày (bắt đầu hôm 24-2), Ngoại trưởng Kerry cũng góp phần giải thích cho thế giới về các giá trị Mỹ, dù lời lẽ của ông bị đánh giá là không phù hợp trong một số trường hợp.

Trước thính giả Đức, ông nói: “... Đó là tự do, tự do biểu đạt. Ở Mỹ, bạn có quyền ngốc, nếu bạn muốn thế”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG