Trung Quốc dằn mặt báo chí nước ngoài

Trung Quốc dằn mặt báo chí nước ngoài
Báo The New York Times: Bắc Kinh đang duy trì chiến tranh lạnh với các tờ báo đưa tin không vừa lòng giới lãnh đạo nước này?

Trung Quốc dằn mặt báo chí nước ngoài

> Hôm nay, Quy định 'chặn, lục soát tàu' của Trung Quốc trên Biển Đông có hiệu lực
> Thế giới dậy sóng cùng tranh chấp chủ quyền Biển Đông

Báo The New York Times: Bắc Kinh đang duy trì chiến tranh lạnh với các tờ báo đưa tin không vừa lòng giới lãnh đạo nước này?

Ông Chris Buckley, phóng viên báo The New York Times (Mỹ), buộc phải rời khỏi Trung Quốc vào chiều 31-12-2012 sau khi bị từ chối gia hạn visa (thị thực) đến cuối năm 2013 bất chấp “vô số đề nghị” từ tờ báo.

Phóng viên Chris Buckley. Ảnh: SYDNEY MORNING HERALD
Phóng viên Chris Buckley. Ảnh: SYDNEY MORNING HERALD.

Không một lời giải thích

Phóng viên người Úc Buckley, 45 tuổi, đã sinh sống tại Trung Quốc 15 năm và làm báo ở đây 12 năm. Ông mới đầu quân cho The New York Times từ tháng 9-2012 sau nhiều năm làm phóng viên cho hãng Reuters. Buckley không phải là gương mặt xa lạ tại Trung Quốc. Ông thường xuyên được Bộ Ngoại giao nước này mời đặt câu hỏi trong các cuộc họp báo. Nhà bình luận hàng đầu về truyền thông Trung Quốc, ông Michael Anti, viết trên mạng xã hội Weibo: “Đây đơn giản là một thảm họa!”.

Rất nhiều hãng tin và tờ báo trên thế giới đã dùng từ “trục xuất” khi nói về vụ của ông Buckley. Tuy nhiên, khi cùng gia đình hạ cánh xuống Hồng Kông ngày 31-12, ông nói: “Tình hình khá phức tạp nhưng tôi không chắc các bạn có thể dùng từ “trục xuất”. Tôi không bị trục xuất. Thị thực của tôi hết hạn và không được cấp mới”.

Ngoài ông Buckley, trưởng đại diện mới của báo tại Bắc Kinh là Philip P. Pan cũng chưa được cấp thị thực dù đã nộp đơn từ tháng 3-2012. Theo The New York Times, quy trình cấp thị thực và ủy nhiệm thư thông thường chỉ mất vài tuần hoặc cùng lắm là 1-2 tháng. Không hề có lời giải thích nào về 2 trường hợp trên trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối bình luận. Bà Jill Abramson, Tổng Biên tập The New York Times, nói trong một tuyên bố rằng bà hy vọng Bắc Kinh sẽ cấp thị thực để phóng viên của báo có thể tiếp tục hành nghề tại Trung Quốc.

Do đưa tin bất lợi về lãnh đạo?

Ngày 25-10-2012, Bắc Kinh đã chặn cả hai phiên bản tiếng Hoa và tiếng Anh của The New York Times chỉ vài giờ sau khi tờ báo đăng tải một bài điều tra về “khối tài sản khổng lồ trị giá 2,7 tỉ USD” của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo và chặn cho đến nay. Bài báo bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Hồng Lỗi, gọi là “bôi bẩn danh dự Trung Quốc và có động cơ khuất tất”. Các luật sư của gia đình ông Ôn chỉ trích bài báo không trung thực và đe dọa “có hành động pháp lý” với The New York Times.

Trang tin Bloomberg News cũng cùng chung số phận sau bài điều tra về mức độ giàu có “lên đến 1 tỉ USD” của Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình đăng tải ngày 29-6.

Trước đó, hồi tháng 5-2012, nữ phóng viên Melissa Chan của đài Al-Jazeera đã bị trục xuất do bài viết về mạng lưới trại giam trái phép ở Trung Quốc. Sau vụ này, một phát ngôn viên chính phủ có nói rằng nhà báo nước ngoài “phải tôn trọng luật pháp Trung Quốc, quy định và đạo đức nghề báo khi tác nghiệp tại Trung Quốc”.

Theo đài VOA, tuy tin tức về tình hình tham nhũng ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc nhưng chính phủ nước này vẫn phản ứng nặng nề trước những cáo buộc nhằm vào giới lãnh đạo cấp cao. Còn The New York Times đặt thẳng vấn đề: Phải chăng Bắc Kinh đang duy trì chiến tranh lạnh với các tờ báo đưa tin không làm hài lòng giới lãnh đạo?

Tuy nhiên, 4 nhà báo còn lại của The New York Times tại Trung Quốc đều được gia hạn thị thực đúng hạn, kể cả trưởng đại diện tại Thượng Hải David Barboza, người đã viết bài báo về gia đình ông Ôn Gia Bảo.

Theo Mỹ Nhung
Người lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG