Ông Dahabi bị bắt sau khi Ngân hàng Trung ương Jordan nghi ngờ khoản giao dịch hàng triệu đô-la chạy qua tài khoản của ông. Ảnh: Al Jazeera. |
Tòa án Jordan cũng yêu cầu ông Dahabi trả lại 30 triệu USD. Đây là lần đầu tiên một thành viên của chính giới cấp cao bị xét xử và phạt tù ở Jordan - nơi nạn tham nhũng tràn lan và lực lượng an ninh có quyền hành rất lớn.
Ông Dahabi, giám đốc tình báo giai đoạn 2005-2008, bị bắt hồi tháng 2-2011, rồi bắt đầu hầu tòa vài tháng sau đó.
Theo giới quan sát, vụ xét xử là bước đi mạnh mẽ nhất trong chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay ở Jordan.
Chiến dịch được Vua Abdullah phát động năm ngoái sau khi có nhiều cuộc biểu tình kêu gọi tự do chính trị và tiêu diệt tham nhũng.
Phiên tòa dân sự xử ông Dahabi được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, vì hầu hết các vụ xét xử hối lộ ở Jordan diễn ra tại tòa án quân sự hoặc tòa án đặc biệt, vi phạm thủ tục tố tụng, bị các nhà hoạt động chỉ trích là trái hiến pháp.
Dù nhiều bộ trưởng Jordan bị chất vấn và một loạt doanh nhân bị tạm giữ hoặc điều tra trong đợt truy quét tham nhũng gần đây, nhưng rất ít vụ được đưa ra tòa dân sự; việc kết án hiếm khi xảy ra.
Các công tố viên nói rằng, tài sản của tướng về hưu Dahabi tăng gấp bốn lần trong khi ông tại chức, đạt xấp xỉ 40 triệu USD vào cuối năm 2011.
Theo họ, ông Dahabi đã dùng ngân quỹ của cơ quan tình báo để thiết kế một dinh thự nguy nga và nhận tiền lại quả từ nhiều nhà thầu.
Tòa án ra phán quyết tịch thu hàng triệu đô-la mà ông Dahabi gửi tại một số quỹ đầu tư của phương Tây.
Các nhà phân tích cho rằng, dưới thời ông Dahabi, tình báo Jordan có ảnh hưởng cao nhất, can thiệp việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao và quấy rối những nhà lãnh đạo đối lập.
Lực lượng đối lập ở Jordan cáo buộc ông Dahabi đứng đằng sau vụ dàn xếp bầu cử năm 2007 theo hướng có lợi cho những nhân vật dân tộc thiểu số trung thành.
Ông Dahabi cũng bị cáo buộc liên quan chiến dịch bôi nhọ sĩ quan phụ tá Bassem Awadallah trong hoàng gia Jordan. Ông Awadallah, bạn thân của Vua Abdullah, bị ép từ chức năm 2008.
Dưới thời ông Dahabi, cơ quan tình báo có vai trò trong việc tước quốc tịch của công dân Jordan gốc Palestine.
Hồi đó, giới tình báo lo rằng, những cải cách rộng rãi sẽ khiến người Jordan gốc Palestine (chiếm đa số trong tổng số dân 6,7 triệu) và người theo Hồi giáo có vai trò chính trị lớn hơn, làm suy giảm quyền lực của họ.
Gia Tùng
Theo Strait Times, CBS News, Xinhua