‘Chưa phải thời điểm Nhật – Trung đối thoại’

‘Chưa phải thời điểm Nhật – Trung đối thoại’
TPO – Quan chức Ngoại giao Nhật Bản và Trung Quốc ngày 31- 10 đồng loạt lên tiếng khẳng định, thời điểm này "chưa chín muồi" để tiến hành các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo hai nước.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba.

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng ngày 31-10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba bác bỏ khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Tokyo và Bắc Kinh để giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh, thời điểm này “chưa chín muồi”, và khẳng định ông không có kế hoạch tham dự Hội nghị Á – Âu (ASEM) tại Lào vào tuần sau cũng như các hội nghị liên quan tới ASEAN tiếp đó ở Campuchia.

Trong khi đó, thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31-10 cũng ra tuyên bố, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ không gặp người đồng nhiệm Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda, bên lề Hội nghị ASEM và ASEAN.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu cho biết: "Chưa có kế hoạch nào cho việc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Tokyo”. Tuy nhiên, “dù lịch trình rất bận rộn, nhưng Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn sẽ thu xếp để gặp gỡ một số phái đoàn”, ông Ma Zhaoxu nói thêm.

Tuyên bố của giới chức hai nước đưa ra vào thời điểm nhen nhóm xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh và Tokyo được cho là đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ ba về việc này. Tuy nhiên, hy vọng lập tức bị dập tắt sau những phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao hai nước ngày 31-10.

Trước đó, ngày 30-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei ra tuyên bố, cho biết tình hình xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku “đã thay đổi tổng thể sau khi Nhật Bản mua lại các hòn đảo này một cách bất hợp pháp. Động thái đó của Tokyo là vi phạm sự đồng thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước đã đạt được”.

Trong diễn biến mới. Vào khoảng 11 giờ ngày 30-10, 4 tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục tiến vào khu quần đảo tranh chấp, phớt lờ cảnh cáo của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG). Ngoài 4 tàu hải giám, JCG còn phát hiện 2 tàu ngư chính của Trung Quốc cũng qua lại vùng này.

Đây là lần thứ 8 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải trên và là vụ va chạm mới nhất giữa hai nước kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, dẫn tới quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.