Trận động đất hồi tháng 5 - 2011 ở Tây Ban Nha gây sập nhiều nhà cửa. Ảnh: AP. |
Trận động đất từng bị cho là tồi tệ nhất trong 50 năm trước đó được các nhà khoa học phát hiện nguyên nhân bắt nguồn từ việc nước ngầm dưới lòng thành phố bị khai thác quá mức trong nhiều năm, làm biến dạng một phần vỏ Trái Đất.
Các nhà khoa học nhấn mạnh đến những khoang rỗng được tạo ra do các dòng sông ngầm bị hút cạn nước, các lỗ khoan từ mặt đất khiến kết cấu vỏ Trái Đất trở nên yếu hơn, dẫn đến sự chuyển dịch đất trong kết cấu của vỏ Trái Đất ở khu vực Lorca.
GS Pablo Gonzalez - trường ĐH Western Ontarrio và đồng nghiệp sử dụng số liệu do radar vệ tinh thu được chứng minh rằng sụt lở đất tại vùng bờ của một bồn trũng nước ngầm phía nam thành phố là nguyên nhân trực tiếp.
Sụt lở xảy ra ở độ sâu chỉ có 3 km giải thích tại sao trận động đất cường độ khá nhẹ (5,1 độ Richter) nhưng đã gây thiệt hại to lớn về nhà cửa.
Các nhà khoa học nhận thấy vỉa đất thuộc tầng nước ngầm ở gần bồn trũng Alto Guadalentin đã bị lún khoảng 250m, do nguồn nước ngầm ở khu vực này bị khai thác liên tục trong 50 năm phục vụ tưới tiêu. Điều này đã tạo ra sức nén lên đoạn đứt gẫy của vỏ Trái Đất và kích thích động đất.
Kết quả phân tích số liệu cho thấy việc khai thác cạn kiệt các tầng nước ngầm chỉ có vai trò làm cho quá trình động đất xảy ra sớm hơn tại các đoạn đứt gẫy mà trước sau gì rồi cũng xảy ra động đất.
Giáo sư Gonzales nhấn mạnh, do các nghiên cứu của ông và đồng nghiệp chỉ tập trung vào khu vực động đất Lorca nên chưa thể khái quát hóa kết quả này đối với tất cả khu vực động đất trên thế giới.
Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học Thiên nhiên Trái Đất, GS Jean-Philippe Avouac thuộc Học viện Công nghệ California cho rằng, động đất có thể xảy ra do kích thích bởi biến động áp lực và kết cấu vỏ Trái Đất tại các khu vực hồ nước lớn, giếng khoan khai thác dầu khí, nước ngầm, thậm chí cả mưa lớn cũng có thể là tác nhân gây động đất kích thích.
Đ.P
Theo BBC