Tàu hải giám 50 đang hướng đến rất gần một trong các đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở cự ly 1,55 hải lý - Ảnh: Xinhua. |
Đây là lần đầu tiên Tân Hoa xã công khai 10 tấm ảnh cho thấy tàu hải giám 50 đã tiến sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở cự ly chỉ chưa đầy 3km. Tàu này lấn sâu vào vùng lãnh hải 12 hải lý thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát như thể để khẳng định chủ quyền.
Tàu sân bay Liêu Ninh “ra trận”
Hình ảnh do Tân Hoa xã công bố cho thấy bảng điện tử gắn trước tàu hải giám 50 có mang dòng chữ đầy đe dọa: “Mọi biện pháp mà các người (Nhật Bản) đang đơn phương áp dụng đối với quần đảo Điếu Ngư đều vô hiệu và phi pháp. Hành vi của tàu Nhật đã xâm phạm quyền lợi và chủ quyền của Trung Quốc, yêu cầu tàu Nhật ngừng ngay mọi hoạt động xâm phạm, nếu không các người sẽ gánh chịu hậu quả”.
Biển Hoa Đông rõ ràng chưa hề lặng sóng trong những ngày qua. Ngay lúc này, Trung Quốc lại đưa tàu sân bay Liêu Ninh ra để “phục vụ bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc”. Khác với những lần xuất bến trước, lần này tàu Liêu Ninh đã rời cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) và chở theo máy bay chiến đấu tàng hình J-15. Tân Hoa xã không cho biết cụ thể tàu sân bay này sẽ đi đâu và làm gì trên biển. Có lẽ, như mạng tin tức Trung Quốc nhận xét, Bắc Kinh đang sử dụng cùng lúc cả chiến lược quân sự lẫn ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản duyệt binh trên biển
Như một phản ứng trước động thái quân sự của Bắc Kinh, sáng 14-10, Nhật Bản đã tổ chức duyệt binh quy mô lớn trên biển phía nam Tokyo với sự tham gia của hơn 40 tàu chiến, 30 máy bay trực thăng, các tàu ngầm thế hệ mới cùng khoảng 8.000 nhân lực. Hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Singapore, Úc và Ấn Độ, cũng đã có mặt tại hoạt động này.
Kyodo cho biết nghi thức duyệt binh trên biển này diễn ra ba năm một lần, song lần này trùng với dịp 60 năm ngày thành lập Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật nên Tokyo đã tăng cường quy mô khí tài tham gia. Đứng trên tàu khu trục JS Kurama quan sát lễ duyệt binh, Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố: “Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh. Tôi kêu gọi các thủy thủ tham gia duyệt binh chuẩn bị đối diện với những trách nhiệm mới do tình hình an ninh xung quanh nước Nhật đang biến đổi”.
Cùng ngày, truyền thông Nhật Bản đồng loạt dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận từ ngày 5 đến 16-11, Tokyo và Washington sẽ cùng tập trận chiếm lại đảo từ tay kẻ thù. Báo Asahi cho biết đây là lần đầu tiên diễn ra một cuộc tập trận loại này ở Senkaku/Điếu Ngư.
Đợt tập trận phối hợp giữa trung đoàn bộ binh miền tây thuộc đơn vị Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) đóng ở Sasebo, tỉnh Nagasaki và đơn vị thủy quân lục chiến 31 của Mỹ đang đồn trú ở tỉnh Okinawa. Cuộc tập trận diễn ra chủ yếu ở quần đảo Kyushu và Nansei. GSDF và binh lính Mỹ sẽ diễn tập trên không và trên biển với các nội dung chống lại tên lửa đạn đạo và vận chuyển binh lính cũng như khí tài đến đảo bị chiếm.
AP cho biết Nhật Bản cũng đang tăng cường sức mạnh hải quân của mình bằng việc mua hàng loạt máy bay không người lái và máy bay đổ bộ để tăng khả năng tuần tra ngoài khơi biển Hoa Đông.
Theo Tuổi Trẻ