Với hơn 300 triệu người sử dụng blog và diễn đàn, thông tin được chia sẻ nhanh từng phút khiến các quan chức giờ đây phải chịu sự giám sát lớn hơn bao giờ hết.
Trường hợp của Yang Dacai, quan chức an toàn lao động ở tỉnh Thiểm Tây, và một sĩ quan tên là Fang Daguo là ví dụ điển hình gần đây nhất cho thấy sức mạnh của sự lan truyền thông tin trên internet.
Yang Dacai bắt đầu được cộng đồng mạng chú ý khi họ thấy ông này cười trong bức ảnh chụp trước một vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày 26-8.
Từ đó tới nay, những bức ảnh chụp ông ta đeo bộ sưu tập 11 chiếc đồng hồ đắt tiền, kính mắt và vòng tay được đặt sản xuất riêng xuất hiện nhan nhản.
Chịu áp lực ngày càng lớn, vị quan chức 55 tuổi cũng phải lập tài khoản trên trang tiểu blog hôm 29-8 để xin lỗi và nói rằng mình mua 5 chiếc đồng trong 10 năm, gần giống những gì các blogger đã nói.
Tuy nhiên, hôm sau cư dân mạng tìm thấy những bức ảnh chụp ông này đeo chiếc đồng hồ xa xỉ thứ sáu.
Liu Yanfeng, một sinh viên cao đẳng ở tỉnh Hồ Bắc, cho biết cô đã gửi thư tới Sở Tài chính Thiểm Tây hôm 1-9 đề nghị công khai tài sản của ông Yang. Cơ quan kỷ luật nói rằng họ đang tiến hành điều tra.
Dù ông Yang giải thích hôm 3-9 rằng gia đình ông rất khá giả, nhưng cộng đồng mạng tiếp tục nghi ngờ.
Cách đây 3 ngày họ lại phát hiện ra chiếc kính mắt được đặt hàng riêng của ông Yang. Cặp kính mắt đó do hãng Lotos của Đức sản xuất bằng tay. Mỗi cặp kính có giá tới 100.000 tệ (15.800 USD).
Sau vụ việc này, ông Yang từ chối phỏng vấn. “Tôi đánh giá cao sự chú ý và phê bình của cộng đồng mạng. Tôi sẽ tìm cơ hội trao đổi nhiều hơn với các bạn trong tương lai”, ông Yang viết trên đoạn post gần đây nhất.
Sức mạnh của tiếng nói tập thể
Li Jingsong, một luật sư nổi tiếng, nói rằng các trang tiểu blog cho phép người dân quan sát nhanh hơn, thông tin được cung cấp từ nhiều nơi khác nhau, vào nhiều thời gian khác nhau.
“Quá trình tương tác xảy ra với quy mô và tốc độ chưa từng thấy. Người dân có thể cảnh cáo chính quyền trên mạng. Điều đó có sức mạnh lớn hơn nhiều so với lời kêu gọi của một vài cá nhân”.
Fang Daguo, 41 tuổi, đang bị điều tra sau sự việc hành hung tiếp viên hàng không bị lan truyền trên mạng.
Một tiếp viên hàng không đăng tải nhiều bức ảnh chụp hai cánh tay cô bị bầm tím và chảy máu hôm 29-8 cùng với cáo buộc ông Fang hành hung mình vì cô không tìm được chỗ để hành lý cho ông ta.
Cộng đồng mạng càng thêm sôi sục khi cô tiếp viên hàng không cập nhật thông tin hôm 31-8 nói rằng cô đã đạt được dàn xếp riêng với ông Fang.
Đoạn entry đó đã được đăng lại 45.000 lần và nhận được 64.000 bình luận. Cộng đồng mạng cho rằng cô đã chịu áp lực từ phía chính quyền nên phải giữ im lặng.
Cơ quan kỷ luật Quảng Đông mở cuộc điều tra. “Tôi không nghĩ vụ việc của tôi được chú ý đến như vậy”, cô tiếp viên viết trên blog.
Trang tiểu blog cung cấp “kênh cần thiết để người dân tham gia vào quá trình giám sát,” Liu Huawen, nhà nghiên cứu luật quốc tế ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận xét.
Một cán bộ Đảng ở tỉnh Quảng Đông cũng nói rằng internet đang làm tăng áp lực lên hoạt động của các cơ quan nhà nước.
“Giám sát quyền lực của chính quyền và chống tham nhũng trên internet là xu hướng phát triển của xã hội chúng ta. Những kênh thông tin trên internet cho thấy người dân trông đợi nhiều hơn từ cách chúng ta sử dụng quyền lực”, vị quan chức giấu tên nhận xét.
Ủy ban Kỷ luật Trung Sơn là một trong 50.000 cơ quan chính phủ có tài khoản trên trang blog Sina. Từ khi tài khoản được lập vào tháng 12-2010, thông tin đã được đăng tải 1.300 lần và được 40.000 người theo dõi (follower).
Uỷ ban này sử dụng trang tiểu blog để thông báo, tuyên truyền, điều tra, giám sát và phục vụ. Nhưng công dân mạng phần lớn tập trung vào khía cạnh giám sát, điều tra và tố cáo.
“Đó không phải sự giao tiếp giữa một người với một người, mọi người đều có thể theo dõi diễn tiến. Quá trình giao tiếp ở đây rất hiệu quả và liên quan tới nhiều người,” một vị quan chức nói.
Gia Tùng
Theo China Daily, People’s Daily