Căng thẳng lãnh thổ chờ bà Clinton ở Bắc Kinh

Căng thẳng lãnh thổ chờ bà Clinton ở Bắc Kinh
TP - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Bắc Kinh tối 4-9 trong một chuyến thăm có lẽ bị bao trùm bởi căng thẳng liên quan đến các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Jakarta trước khi lên đường sang Bắc Kinh. Ảnh: CNN
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Jakarta trước khi lên đường sang Bắc Kinh. Ảnh: CNN.

Những căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một loạt nước ven biển từ Việt Nam ở tây nam Á đến Nhật Bản ở đông bắc Á năm nay bị đẩy lên cao và Mỹ đã bị hút vào cuộc tranh chấp này.

Trước khi đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Clinton tại Indonesisa đã nhắc lại lập trưởng của Washington: “Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo”.

Nhưng Chính phủ Mỹ đang gây sức ép để Trung Quốc và các nước khác trong khu vực phải thỏa thuận được một bộ qui tắc ứng xử (COC) và thủ tục để giải quyết bất đồng trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông một cách hòa bình.

Thế nhưng phía Bắc Kinh do chỉ muốn giải quyết song phương đối với các tranh chấp lãnh thổ biển đảo nên đã phản ứng một cách đầy tức giận đối với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Jakarta hôm 3-9.

Bắc Kinh nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những chỉ trích không có cơ sở, chứng tỏ Mỹ hoàn toàn bất chấp thực tế.

Tờ Global Times của đảng Cộng sản Trung Quốc nói trong một bài xã luận hôm 4-9 rằng, hoạt động ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ Clinton trong khu vực đã gieo mầm bất hòa giữa Trung Quốc và một số nước xung quanh. Theo bài xã luận, bà Clinton đã gây ra thiệt hại sâu sắc cho quan hệ Trung-Mỹ.

Khi đến Bắc Kinh vào tối 4-9, Ngoại trưởng Mỹ Clinton phải thương lượng trong tình trạng có những sự thù địch của Trung Quốc đối với các nỗ lực của Washington nhằm giải quyết mớ bòng bong căng thẳng trải khắp khu vực Biển Đông và xa hơn.

Các nước như Việt Nam và Philippines đã tuyên bố chủ quyền đối một số vùng ở Biển Đông-một vùng biển rộng hơn 1,3 triệu dặm vuông thuộc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của Bắc Kinh đối với gần hết Biển Đông vốn được coi là giàu tài nguyên biển.

Tham vọng của Trung Quốc được đẩy lên cao hơn sau khi vùng biển nói trên được cho là giàu tiềm năng về trữ lượng lớn khí đốt tự nhiên và dầu mỏ dưới đáy biển.

Qui mô của cuộc xung đột được thể hiện hồi tháng 4 vừa qua khi tàu hải quân Philippines đối đầu với các tàu cá Trung Quốc tại đảo đá xa bờ mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.

Cuộc đối đầu hải quân giữa Bắc Kinh và Manila đã kéo dài hơn ba tháng và làm dấy lên lo sợ về một cuộc xung đột quân sự trước khi Philippines rút tàu hải quân của mình về hồi tháng 6 vừa qua, viện cớ là do thời tiết xấu.

Vấn đề chủ quyền đối với vùng biển nông nói trên thuộc về bên nào đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Các nhà phân tích bày tỏ bi quan về việc các tranh chấp ở Biển Đông được tháo ngòi nổ sớm. Trong một báo cáo hồi tháng 7 vừa qua, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nhận định: “Ít có khả năng một cuộc xung đột lớn sẽ xảy ra nhưng tất cả các trào lưu hiện nay đều đang đi sai hướng và triển vọng để có một giải pháp là rất nhỏ”.

Căng thẳng vừa qua đã bùng lên đối với một quần đảo tranh chấp từ lâu giữa Nhật Bản , Trung Quốc và Đài Loan ở vùng biển Hoa Đông. Làn sóng chống Nhật nổ ra khắp Trung Quốc tháng qua sau khi một nhóm người Nhật Bản đổ bộ lên đảo Senkaku/Điếu Ngư và phất cờ Nhật Bản mang tính chất biểu tượng.

Chủ nhật vừa qua, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đã phái một nhóm khảo sát đảo tới Senkaku/Điếu Ngư trong một nỗ lực mua quần đảo này từ các chủ tư nhân. Ngay lập tức, báo chí Trung Quốc tuyên bố các cuộc khảo sát nói trên là bất hợp pháp.

Đ.P
Theo CNN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG