Thảm sát tại Hama sẽ là "giọt nước làm tràn ly"?. Ảnh: AP |
Trong khi tranh cãi xung quanh vụ thảm sát tại Houla khiến 108 người thiệt mạng chưa lắng xuống, mâu thuẫn giữa Chính phủ và lực lượng đối lập tại Syria tiếp tục bùng phát dữ dội sau vụ thảm sát tại tại làng Al-Kubeir thuộc tỉnh Hama, miền Trung nước này hôm 6-6 vừa qua (theo giờ địa phương).
AP dẫn nguồn tin từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại thủ đô London (Anh), cho biết, tối 6-6, xe tăng với những loạt pháo rền trời đã tấn công hai ngôi làng cách Hama khoảng 20 km về phía Tây Bắc, làm ít nhất 86 người thiệt mạng. Hầu hết các nạn nhân đều bị bắn ở cự ly gần hoặc bị thiêu cháy trong những ngôi nhà.
Theo SOHR, vụ thảm sát mới này do một nhóm dân quân ủng hộ chế độ trang bị súng và dao tiến hành tại một nông trại sau khi lực lượng chính quy pháo kích vào khu vực.
Trong khi phe đối lập tại Syria đổ lỗi cho các lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chịu trách nhiệm về thảm kịch này, thì kênh truyền hình nhà nước Syria đưa tin, binh sỹ chính phủ đã tìm thấy các thi thể sau khi tiêu diệt “các phần tử khủng bố”.
Hôm qua, ngày 7-6, Mỹ tổ chức khẩn cấp cuộc họp với “Những người bạn của Syria” tại Istalbun (Thổ Nhĩ Kỳ) với sự tham dự của đại diện 16 nước.
Hội nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với chính quyền Syria và đưa ra một chiến lược Syria với đề nghị chuyển giao quyền lực đầy đủ; yêu cầu cộng đồng quốc tế cần ngăn chặn các nguồn cung tài chính cho chế độ của Tổng thống Bashar Al- Assad và mở rộng số nước áp đặt trừng phạt.
Đáng chú ý, tuy không ra tuyên bố chính thức, nhưng đại diện các nước Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Qatar, Saudi Arabia… đều thống nhất khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad “chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”.
Cùng ngày, một hội nghị khác về Syria đã diễn ra tại Washington với sự tham gia của đại diện gần 60 quốc gia. Các nước tham dự đều bày tỏ không hài lòng về việc các bên ở Syria không thực thi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan.
Trong khi đó, mặc dù một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh và Moscow bắt đầu “buông” Damascus, tuy nhiên, tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga tại Bắc Kinh hôm 6-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vẫn khẳng định sẽ chống lại “mọi ý định giải quyết khủng hoảng tại Syria bằng can thiệp quân sự”.
Một mặt cảnh báo chuyển giao quyền lực một cách “cưỡng ép” ở Damascus có thể đưa cả khu vực đến “thảm họa, mặt khác, Trung Quốc và Nga kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế mới về tình hình Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết:“Chúng tôi đề xuất tổ chức một cuộc gặp các nước có ảnh hưởng đối với các phe phái đối lập tại Syria. Đó là các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, các nước Liên đoàn Arab và Liên minh châu Âu. Mục đích của hội nghị là những tác nhân bên ngoài, không bao gồm Syria, bước đầu sẽ đạt được thỏa thuận tiếp tục kế hoạch hòa bình của phái viên quốc tế Kofi Annan. Bởi tất cả chúng ta đều ủng hộ kế hoạch này”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh và Pháp đã bác bỏ đề xuất này với lý do "Iran không có vai trò gì" trong hội nghị quốc tế này.
Liên Hợp Quốc tiếp tục chia rẽ vì Syria. Ảnh: Reuters |
Trong diễn biến mới nhất có liên quan, Mỹ và hơn 60 quốc gia khác đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của Liên đoàn Arab trong việc hối thúc Liên Hợp Quốc sử dụng chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để cân nhắc khả năng cho phép can thiệp quân sự vào Syria.
Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định, việc sử dụng vũ lực phù hợp với luật pháp quốc tế chỉ xảy ra trong trường hợp tự vệ, hoặc do quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia phân tích quốc tế, “Ở thời điểm hiện tại, cả hai trường hợp trên đều không thể áp dụng với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, đấy chỉ là trên là nguyên tắc, bởi tiền lệ đã từng xảy ra với Nam Tư năm 1999, Iraq năm 2003 và Libya năm 2011”, ông Alexey Podtserob, chuyên gia Viện Nghiên cứu phương Đông - Nga, cảnh báo.
Trước đó, lực lượng đối lập tại Syria đã ra tuyên bố không tuân thủ lệnh ngừng bắn theo kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Kofi Annan. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ thất bại cận kề của bản kế hoạch được hy vọng sẽ tạm thời giúp ngưng bạo lực ở Syria.