'Nữ Bao Công' thụ lý vụ Bạc Hy Lai

'Nữ Bao Công' thụ lý vụ Bạc Hy Lai
TP - Theo thông tin mới tiết lộ, bà Mã Văn, người được gọi là “Nữ Bao Công thứ hai” của Trung Quốc được giao nhiệm vụ điều tra vụ án Bạc Hy Lai. Vụ án Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân sẽ không được xét xử công khai.

> Chuyện gì đang xảy ra với ông Chu Vĩnh Khang?

Bà Mã Văn, người được giao trọng trách điều tra vụ án Bạc Hy Lai
Bà Mã Văn, người được giao trọng trách điều tra vụ án Bạc Hy Lai.

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong tiến trình chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc là loại bỏ những mối nguy cơ tiềm ẩn, (báo chí Trung Quốc gọi là “gỡ mìn”).

Công việc quan trọng nhất của hành động “gỡ mìn” hiện nay chính là xử lý ba vụ án Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai và Vương Lập Quân, trong đó vụ Bạc Hy Lai được đánh giá đang tiến triển thuận lợi.

Sau khi kết thúc kỳ họp Đại hội ĐBND toàn quốc (Quốc hội) hồi cuối tháng 3, Bạc Hy Lai đã bị giam lỏng và bị thẩm vấn. Một tổ công tác đã được thành lập vào tháng 4, Tổ trưởng là Mã Văn, người được gọi là “Nữ Bao Công thứ 2” sau Lý Lệ Anh đã nghỉ hưu.

Chân dung nữ Bao Công

Bà Mã Văn sinh năm 1948, người Hồ Bắc, nguyên là thanh niên trí thức bị điều về Khu tự trị Nội Mông trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Đã tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Nam Khai, bà Mã Văn hiện là Ủy viên TW, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương và kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Giám sát quốc gia, Cục trưởng Phòng chống Tham nhũng quốc gia, Chủ nhiệm Văn phòng giải quyết khiếu tố Quốc vụ viện.

Là nữ Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (KTKLTW) thứ 2 trong lịch sử Đảng CSTQ (sau Lý Lệ Anh) và nữ Bộ trưởng Giám sát quốc gia đầu tiên, Mã Văn được đánh giá là người “hài hoà, thân thiện, dễ gần”. Trong phòng làm việc của bà ở cơ quan có treo 3 chữ “Chính, Liêm, Hoà”.

Trước đây, Mã Văn đã nổi tiếng với chủ trương coi trọng những thông tin tố giác quan tham qua mạng Internet nhưng kiên quyết phản đối chống tham nhũng bằng cách sử dụng người tình của quan tham.

Nhiệm vụ chủ yếu của Mã Văn là điều tra các hành vi vi phạm kỷ cương, pháp luật trong cả nước, chỉnh lý tư liệu, viết thành báo cáo điều tra để trình lên Hội nghị Trung ương 7 khóa XVII, giúp Trung ương ra quyết định xử lý Bạc Hy Lai. Sau Hội nghị TW7, Bạc Hy Lai sẽ bị khai trừ đảng tịch, cách hết mọi chức vụ và giao cho cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật.

Giới tư pháp ở Bắc Kinh cho rằng, do thái độ của giới lãnh đạo, trong đó bao gồm những người lãnh đạo chủ chốt đối với Bạc Hy Lai đã rất rõ ràng nên Tổ chuyên án của Mã Văn sẽ không chịu nhiều sức ép về chính trị, nhưng đây là vụ án rất phức tạp, yêu cầu phải báo cáo điều tra hoàn chỉnh chỉ trong vòng 1 – 2 tháng cũng không phải là điều dễ dàng.

Xét xử vụ án Vương Lập Quân vào tháng 6

Gần đây, đã có báo đưa tin, vụ án Vương Lập Quân sẽ được bắt đầu đưa ra xử vào tháng 6, dự định sẽ khởi tố về tội phản quốc, có thể phải nhận mức án tử hình.

Giới tư pháp ở Bắc Kinh cho rằng, do thái độ của giới lãnh đạo, trong đó bao gồm những người lãnh đạo chủ chốt đối với Bạc Hy Lai đã rất rõ ràng nên Tổ chuyên án của Mã Văn sẽ không chịu nhiều sức ép về chính trị.

Giới tư pháp Bắc Kinh cho rằng, vụ án này được giao cho Bộ An ninh quốc gia điều tra, nên ông ta có thể bị xử vì tội phản quốc hoặc tội thu thập trái phép và tiết lộ bí mật quốc gia. Do trước đây đã có người lãnh đạo chỉ trích Vương phản quốc, nên có thể ông ta sẽ bị xử về tội này.

Tuy nhiên sau khi vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, Vương Lập Quân đã tự nguyện rời khỏi đó, liệu có cấu thành tội phản quốc không? Việc này đã gây tranh luận về quan điểm pháp luật. Còn việc ăn cắp (thu thập trái phép) và tiết lộ bí mật quốc gia cũng là trọng tội, lại có đầy đủ chứng cứ nên khả năng bị xử vì tội này lớn hơn.

Giới tư pháp ở Bắc Kinh cho rằng, dù bị khởi tố về tội danh cụ thể nào, theo Luật an ninh quốc gia, vụ án Vương Lập Quân cũng sẽ không được xét xử công khai.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ nội bộ Ủy ban KTKLTW, việc điều tra Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 do một nhóm 4 người phụ trách, gồm Mã Văn, Lý Nguyên Triều, Mạnh Kiến Trụ và Hạ Quốc Cường, Tổ trưởng là Hạ Quốc Cường.

Giai đoạn này sẽ điều tra vấn đề cá nhân của hai người, phải hoàn thành trước tháng 8, cố gắng công bố công khai trước toàn đảng, toàn dân vào tháng 7 với yêu cầu: tôn trọng sự thật, làm đúng pháp luật.

Đến giai đoạn 2 sẽ điếu tra đến những nhân vật khác có liên quan đến vụ án Bạc Hy Lai, như Hạ Đức Nhân - nguyên Bí thư thành uỷ Đại Liên, hiện là Phó bí thư tỉnh uỷ Liêu Ninh, Đới Ngọc Lâm – nguyên Phó thị trưởng Đại Liên, hiện là Bí thư thành uỷ Đan Đông và 2 vị cựu Phó thị trưởng Đại Liên khác…

Trong một diễn biến khác, ngày 23-5, báo chí Trùng Khánh đã công bố danh sách 50 đại biểu được đảng bộ thành phố trực thuộc Trung ương này chọn đi dự Đại hội XVIII.

Điều khiến người ta bất ngờ là sự có mặt của Hoàng Kỳ Phàm, Thị trưởng, người được coi là cùng Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân tạo thành “Cỗ xe Tam mã” trước đây và Ma Ninh, Viện trưởng Kiểm sát thành phố, một “Anh hùng diệt ác” nổi lên dưới thờ Bạc Hy Lai.

Trong khi đó, ông Trương Đức Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng được điều về thay thế Bạc Hy Lai lại không có tên. Việc này cũng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán.

Thu Thủy
Theo Baidu, Ifeng.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG