Trong khi nguy cơ quốc gia này rơi vào nội chiến kéo dài ngày càng rõ hơn, Chính phủ Syria đã bất ngờ đồng ý rút quân ra khỏi một loạt các thành phố điểm nóng theo đề xuất trong kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên Liên hợp quốc Kofi Annan.
Với động thái nói trên, Damascus đã chứng minh cho thế giới thấy họ chấp nhận nhượng bộ để tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Bởi vì, không thể phủ nhận rằng việc chính phủ rút quân trước ra khỏi các điểm giao tranh sẽ tạo nên những khoảng trống lớn, giúp cho phe đối lập có cơ hội để củng cố lực lượng và mở rộng khu vực kiểm soát. Tuy nhiên, để hướng đến lợi ích lớn hơn, Damascus đã chấp nhận lùi bước.
Không thể quên một thực tế, kế hoạch hòa bình của ông Annan sẽ không có cơ hội thành công nếu như chỉ một mình Chính phủ Syria nhượng bộ mà không nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phe đối lập. Theo kế hoạch, Chính phủ Syria sẽ hoàn tất việc rút quân vào thời hạn chót là ngày 10-4 và sau đó vào ngày 12-4, phe đối lập Syria cũng phải có động thái tương tự. Rõ ràng phe đối lập đã nhận được sự ưu ái khá rõ và một lợi thế rất lớn khi thời hạn chót rút quân của họ chậm hơn chính phủ tới 48 tiếng. Tuy nhiên, giới phân tích thừa nhận rất khó xác định phe đối lập sẽ phản ứng như thế nào vì cho đến thời điểm này họ vẫn chưa đưa ra bất cứ cam kết nào về việc sẽ thực hiện kế hoạch của ông Annan. Thay vào đó, các thủ lĩnh đối lập Syria, được sự cổ súy của phương Tây, tỏ ra nghi ngờ các cam kết rút quân của chính phủ. Liệu đây có phải là một cớ hợp lý để đến ngày 12-4, các lực lượng vũ trang của phe đối lập không chỉ tiếp tục hiện diện mà còn đẩy mạnh tấn công.
Đối với Damascus, việc rút quân là “bước lùi để tiến”, tiến đến một sự hòa giải chính trị thực sự nhằm chấm dứt cảnh nồi da nấu thịt trong suốt hơn một năm qua. Tuy nhiên, chắc chắn cơ hội hòa giải chỉ đến một khi tất cả các bên Syria đều cùng hợp tác. Chiến tranh không thể do một phía gây nên và chính vì vậy hòa bình cũng không thể xây dựng nếu chỉ từ thiện chí của một phía.